Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm 

Cập nhật ngày: 13/12/2023 - 08:15

BTN - Tại kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn (bằng văn bản) của đại biểu về một số chính sách trong ngành, trong đó có vấn đề dạy thêm, học thêm.

Học sinh Trường THPT Tây Ninh.

Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra khá phổ biến

Về công tác quản lý, cấp phép hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, ngày 16.5.2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Trên cơ sở đó, ngày 1.2.2013, UBND tỉnh có Quyết định 02/QĐ-UBND ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngày 26.8.2019, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT công bố các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐ hết hiệu lực.

Ngày 22.10.2019, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 2409/SGDĐT-GDTrH để thực hiện quyết định nói trên. Công văn nêu rõ: “Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT ngưng tiếp nhận hồ sơ cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân và chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”.

Từ thời điểm đó đến nay, Sở GD&ĐT không cấp phép hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Tuy nhiên, trong mỗi đầu năm học, Sở yêu cầu hiệu trưởng các đơn vị trường học quan tâm đến công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, nhắc nhở giáo viên nghiêm túc trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo trong hoạt động giảng dạy của mình.

Việc kiểm tra công tác dạy thêm được thực hiện lồng ghép trong kiểm tra trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng các trường học. Đến thời điểm này đã kiểm tra 49 lượt, 254 giáo viên cấp THPT; khối Phòng GD&ĐT kiểm tra 5 lượt với 11 giáo viên; Trường CĐSP kiểm tra 1 lượt với 67 người được kiểm tra.

Hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm có dấu hiệu diễn biến khá nhạy cảm, khó kiểm soát. Trên cơ sở những điều còn hiệu lực của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐ, Quy định ban hành theo Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND, trong năm 2023, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn 3802 và Công văn 3814/SGDĐT-GDTrH để khảo sát, nắm bắt và chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trở nên có nề nếp, kỷ cương, hiệu trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về môi trường giáo dục của trường mình.

Việc dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của cha mẹ học sinh và học sinh. Họ luôn mong muốn con mình có đủ kiến thức cho các kỳ thi tuyển lớp 10, THPT, xét tuyển đại học. Tuy nhiên, cha mẹ cần quan tâm, xem xét đến năng lực của con cái, không nên quá kỳ vọng, sợ con không bằng bạn bè mà bắt ép đi học thêm, gây ra áp lực cho con cái.

Bên cạnh đó, đời sống của giáo viên hiện nay vẫn còn khó khăn, mong muốn được dạy thêm của giáo viên để tăng thêm thu nhập là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, bên cạnh những giáo viên có năng lực, tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, hết lòng hết sức dạy học vì mục đích nâng cao năng lực thực sự cho học sinh, vẫn còn một số giáo viên với năng lực chuyên môn giới hạn, đạo đức nghề nghiệp chưa được tu dưỡng, họ thực hiện những động thái o ép học sinh đến lớp học thêm của mình để thu tiền.

Những giáo viên này gây ra nhiều bức xúc, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành. Nếu có đủ cơ sở minh chứng về hoạt động dạy thêm, học thêm có o ép học sinh, có tên giáo viên cụ thể, dạy trường nào, dạy môn gì, ở đâu... ngành Giáo dục sẽ xử lý nghiêm các trường hợp này.

Như đã nêu trên, hiện nay, ngành Giáo dục không còn thẩm quyền cấp phép dạy thêm kể cả trong và ngoài nhà trường. Để quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm, thời gian tới, Sở thực hiện các giải pháp sau: Kết hợp với đổi mới chương trình giáo dục 2018 thực hiện giảng dạy giảm tải trong dạy học theo hướng dẫn. Hoạt động dạy học và tổ chức ra đề kiểm tra đánh giá cần bám sát nội dung yêu cầu cần đạt của chương trình, không đòi hỏi học sinh phải tiếp thu, thực hiện các vấn đề không có trong chương trình, vượt mức của chương trình, giảm áp lực học tập của học sinh nhằm triệt tiêu những nhu cầu học học thêm không chính đáng ở học sinh và gia đình.

Kiên quyết xử lý những giáo viên cố tình tạo áp lực, gây khó khăn trong quá trình học tập, dùng áp lực điểm số để ép buộc học sinh tham gia lớp học thêm, có sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của phụ huynh học sinh cùng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng, nhất là quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh phát hiện được thế mạnh, tập trung phát huy thế mạnh, tìm được và tập trung học tập vào những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân, để giảm bớt áp lực học tập, có điều kiện phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ ở học sinh.

Liên quan đến dạy thêm, học thêm, tại kỳ họp thứ 6 (kết thúc cách nay ít ngày), đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Những lớp học thêm “găm bài”, gợi mở đề kiểm tra để thu hút người học phải được xử lý. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, học thêm, học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế. Bộ đã có văn bản quy định đầy đủ việc kiểm soát dạy thêm trong khuôn khổ nhà trường gồm đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử, văn hoá học đường, thực thi công vụ. Tuy nhiên, môi trường ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát.

Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản cho Thủ tướng, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học “nhưng không rõ lý do tại sao từ năm 2020, 2021 việc này không được chấp thuận”. Có một thực tế phải thừa nhận: đối với học sinh cấp THPT, nếu chỉ học trên lớp, phần lớn học sinh không thể thi đậu vào những trường đại học tốp đầu, trường đào tạo có chất lượng, vì đề thi luôn khó hơn những gì được học trên lớp.

Giáo viên Tây Ninh đóng góp ý kiến cho phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Kết quả thực hiện một số chính sách khác trong ngành

Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 1.7.2021 quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con em công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Nội dung này, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, sau khi có nghị quyết của HĐND tỉnh, ngày 27.8.2021, Sở ban hành Công văn số 2893 hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết số 10.

Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát và Thường trực HĐND tỉnh, ngày 29.3.2023, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 1105 về việc tăng cường triển khai, giám sát thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Đến nay, cơ bản các kiến nghị về thực hiện định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con em công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cơ bản đã được các cấp, ngành giải quyết.

Đối với Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND ngày 19.12.2022 quy định nội dung chi và mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở GD&ĐT đã phát hành Văn bản số 5482 triển khai nghị quyết này.

Việt Đông