Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là cuộc cách mạng được hình thành từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ thông tin. Do đó, để đáp ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, các trường đại học cần đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, một trong những ngành đóng vai trò nòng cốt của cuộc cách mạng này.
Các trường ĐH ở Việt Nam đã và đang “tăng tốc” phát triển đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Ảnh: Minh Thi
Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn, đồng thời phù hợp với xu hướng chung của tiến trình hội nhập.
Đối với ngành giáo dục, nhất là giáo dục đại học (ĐH), nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nền kinh tế-xã hội, các trường đã nhận thức được vai trò then chốt của CNTT trong quá trình quản trị, quản lý cũng như kiến thức và kỹ năng về CNTT của lao động sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thời kỳ hội nhập toàn cầu. Chính vì vậy, đa số các trường ĐH ở Việt Nam đã và đang tăng tốc phát triển theo chiều rộng và chiều sâu trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực CNTT.
Vấn đề là làm thế nào để đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực này một cách có hiệu quả, chất lượng để đáp ứng được yêu cầu mới của xã hội. Đó cũng chính là bài toán đang đặt ra cho các trường ĐH của chúng ta hiện nay.
Theo GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm, Hiệu trưởng ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu (BVU), để đáp ứng được yêu cầu mới, trước tiên các trường ĐH phải kiện toàn đội ngũ chuyên gia, giảng viên trực tiếp giảng dạy.
Cụ thể, tại BVU, nhà trường đã quy tụ được nhiều thế hệ giảng viên có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này là những tiến sĩ, thạc sĩ trẻ, năng động, tràn đầy tâm huyết được đào tạo, tu nghiệp trong và ngoài nước như Nhật Bản, Nga, Đức, Ấn Độ.
Tiếp đến, phải đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng cập nhật và ứng dụng thực tiễn cao vừa bảo đảm giảm thiểu khối kiến thức hàn lâm và tập trung nhiều vào kiến thức ứng dụng thực tế.
Điển hình như chương trình đào tạo thạc sĩ CNTT mà BVU mới được Bộ GD&ĐT cho phép (từ tháng 11/2017) có thiết kế khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành gồm 42 tín chỉ trên tổng số 60 tín chỉ (chiếm tỉ lệ 70% thời lượng), bao gồm các học phần tự chọn giúp người học tiếp cận kiến thức công nghệ 4.0.
Điểm nổi bật của chương trình đào tạo thạc sĩ CNTT của BVU là cách học chú trọng vào sáng tạo và kỹ năng làm việc theo nhóm. Cụ thể, về phần các học phần tự chọn được chia làm các nhóm như nhóm học phần về phần cứng, mạng và an ninh mạng; nhóm học phần về hệ thống thông tin thông minh; nhóm học phần về công nghệ phần mềm; nhóm học phần về CNTT và nhóm học phần về quản trị doanh nghiệp. Qua đó, giúp người học có nhiều lựa chọn trong việc bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực CNTT.
Bên cạnh đó, để có các điều kiện nhằm thực hiện đào tạo đạt chất lượng, các trung tâm, các trường ĐH cũng phải tập trung đầu tư các trang thiết bị, máy móc để phục vụ cho quá trình giảng dạy ở ngành này. BVU đã đầu tư mạnh mẽ về mọi mặt và đặc biệt từ khi chính thức gia nhập Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, BVU nói chung và ngành CNTT nói riêng của trường đã được đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như định hướng phát triển trong nhiều năm tới.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin thị trường TPHCM cho biết, theo khảo sát tại các báo cáo đánh giá nhu cầu hằng tháng, hằng quý và năm của Trung tâm, nhu cầu của ngành CNTT bao giờ cũng ở tốp đầu. Điều đó cho thấy, vai trò cũng như nhu cầu nhân lực của ngành này đang đóng vai trò quan trọng trong xu hướng toàn cầu hoá của thị trường lao động nói riêng và nền kinh tế-xã hội nói chung.
Nguồn chinhphu