BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cẩn thận khi mua đồ điện tử cũ 

Cập nhật ngày: 10/03/2020 - 11:19

Điện thoại, đồng hồ, tai nghe đã qua sử dụng có thể trở thành trung gian truyền bệnh, người dùng cần lưu ý khi mua bán trong mùa dịch.

Một trong những con đường lây truyền của Covid-19 là qua các bề mặt nhiễm bẩn. Theo một nghiên cứu mới đây, virus corona có thể sống trên các bề mặt như màn hình điện thoại 96 giờ ở nhiệt độ phòng. Việc mua bán, trao đổi đồ điện tử cũ trong giai đoạn dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh. Người dùng có thể áp dụng một số phương pháp sau để hạn chế tối đa nguy cơ này.

 

Thiết bị điện tử cũ tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh và lây truyền dịch bệnh nguy hiểm. Ảnh: TS

Giao dịch online thay vì gặp trực tiếp

Nhiều người Việt khi giao dịch đồ điện tử cũ thường muốn gặp trực tiếp để "test" máy và thỏa thuận giá cả. Trong một cuộc trao đổi như vậy, việc truyền tay nhau thiết bị để kiểm tra hay việc trả tiền mặt là điều khó tránh và đây cũng là một trong những con đường dễ lây truyền virus.

Thay vào đó, người dùng có thể tận dụng các hình thức trao đổi trực tuyến để nắm được tình trạng của món hàng, sau đó dùng hình thức giao nhận có thể kiểm tra hàng trước khi trả tiền.

Để yên tâm hơn, người mua nên chọn mua từ các cửa hàng bán đồ cũ uy tín, có thời gian bảo hành, thay vì mua lại trực tiếp từ người dùng khác. 

Vệ sinh thiết bị trước khi sử dụng

Các thiết bị như smartphone, smartwatch, tai nghe, máy ảnh... đều có nguy cơ dính "dịch bắn" từ người dùng, chẳng hạn khi đưa máy lên miệng gọi điện, khi ngắm chụp trên máy ảnh, hay nói chuyện trong lúc sử dụng thiết bị. Tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều loại bệnh.

Vì vậy, sau khi mua máy từ người lạ, người dùng nên vệ sinh thiết bị ngay lập tức rồi mới sử dụng.

Việc vệ sinh thiết bị điện tử có thể dùng cồn, tuy nhiên, người dùng nên tìm hiểu trước để biết chắc chắn chất này không ảnh hưởng đến việc vận hành của máy. Theo một số người kinh doanh đồ điện tử cũ, các thiết bị này đặc biệt dễ nhiễm bẩn ở các khe kẽ, như cổng sạc, loa trên smartphone, các nút bấm trên máy ảnh, lưới tai nghe... Vì vậy, người dùng cần quan tâm vệ sinh các khu vực này.

Hạn chế mua những đồ dễ nhiễm bẩn, khó vệ sinh

Bàn phím máy tính, màn hình smartphone, tai nghe nhét tai... được đánh giá là những nơi chứa nhiều vi khuẩn do thường xuyên phải tiếp xúc với bề mặt cơ thể người. Đây cũng là những đồ có nhiều khe, kẽ, hay bị bỏ qua khi vệ sinh.

Để hạn chế tối đa việc lây truyền bệnh dịch nguy hiểm, người dùng tìm đến các đơn vị vệ sinh đồ số chuyên nghiệp để khử bụi bẩn và vi khuẩn đi kèm.

Nguồn VNE