Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cẩn thận với… sách tham khảo

Cập nhật ngày: 24/11/2010 - 11:27

Rảo một vòng quanh các hiệu sách, tôi bị choá mắt bởi hằng hà sa số sách tham khảo, sách luyện thi, sách của các nhà xuất bản rất quen thuộc từ Hà Nội trải dài vào tận Cà Mau, nào là sách tiếng Việt, sách học tiếng Anh… Chợt nhìn vào một cuốn sách Toán 2, tôi thấy phía dưới đề: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Cũng cuốn sách Toán 2 khác lại ghi: Nhà xuất bản Giáo dục (không có chữ Việt Nam) không khỏi thắc mắc có hai nhà xuất bản Giáo dục khác nhau chăng? Để ý quan sát sẽ thấy những cuốn sách của “Nhà xuất bản Giáo dục” như Vở bài tập Toán 2 và một số quyển khác cũng vậy, mực đậm nhưng lại không rõ nét, hình ảnh khó nhận ra.

Tiếp tục xem thêm quyển Đọc thầm Luyện từ và câu, Tập 1 của Lê Thanh Long, Nhà xuất bản Thanh Hoá. Sách này được dùng để luyện tập sau khi các em học xong mẩu chuyện kể trong sách Tiếng Việt. Đây là loại sách dành cho học sinh lớp 2 củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng dùng từ và câu. Song đáng tiếc, cuốn sách này mắc phải một số sai sót về kiến thức, cụ thể là không chính xác ở một số bài tập và cũng không đảm bảo tính giáo dục. Dẫn chứng: Sách có 32 bài tập, mỗi bài tập có 5 câu trắc nghiệm. Trước khi vào các câu hỏi, mỗi bài tập đều có một dòng yêu cầu: “Dựa vào bài tập đọc, em hãy chọn câu trả lời đúng nhất bằng cách đánh dấu x vào ô trống”. Như vậy, theo yêu cầu, học sinh phải đọc kỹ, rồi chọn một câu đúng nhất trong số 3 câu a, b, c (đều đúng). Nhưng ở một số bài tập này, trong 3 câu để chọn, chỉ có một câu đúng, 2 câu còn lại đều sai. Ví dụ, bài tập “Có công mài sắt, có ngày nên kim” (trang 3 và 4), Câu 2: Cậu bé thấy bà cụ đang làm gì? a) Cậu bé thấy bà cụ đang cầm thỏi sắt mải miết mài vào tảng đá; b) Cậu bé thấy bà cụ đang mài dao; c) Cậu bé thấy bà cụ đang mài đá. Câu trả lời là a, câu duy nhất đúng chứ không phải là câu đúng nhất, còn trong bài tập “Ngày hôm qua đâu rồi” (trong sách thiếu dấu hỏi) ở trang 4 và 5, Câu 3: Câu thơ nào được lặp lại 3 lần trong bài thơ? a) Ngày hôm qua ở lại; b) Ngày hôm qua đâu rồi? c) Là ngày qua vẫn còn. Câu đúng chỉ là a, còn hai câu b và c đều sai. Cũng ở bài tập này, Câu 4: Tìm các từ chỉ tính nết của người học sinh? a) ngủ, nhảy dây, đọc, viết,…; b) chơi, vẽ, bút, vở; c) chăm chỉ, cần cù, ngoan, đoàn kết. Chúng ta thấy rõ câu đúng là c, còn hai câu a và b đều là câu sai…

Ở cuốn sách kể trên, xét về tính giáo dục cũng cần xem lại. Trong bài tập “Ngày hôm qua đâu rồi?” ở trang 4 và 5, Câu 2: Em cần làm gì để không phí thời gian? a) Em cần học tập, vui chơi để không phí thời gian; b) Em cần chăm học, chăm làm, giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà; c) Em cần vui chơi, chăm làm để không phí thời gian. Dựa theo nội dung câu chuyện trong sách Tiếng Việt, lớp 2, tập 1 (trang 10), thì học sinh phải chọn câu đúng là b. Nhưng quan sát 2 câu a và c, ta thấy có điểm trùng khớp, đó là cả 2 câu đều nêu “vui chơi”, còn câu b thì không có ý này. Như vậy, qua bài tập này đã khẳng định “vui chơi” là lãng phí thời gian! Cũng có nghĩa rằng: để không lãng phí thời gian thì các em “cần chăm học, chăm làm, giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà” mà, không được vui chơi! Điều này mâu thuẫn với một bài học. Cũng trong sách Tiếng Việt lớp 2, tập 1 (trang 132). Đó là bài “Thời gian biểu”: nêu lên lịch học tập, vui chơi của một học sinh tên Ngô Phương Thảo. Trong đó ở buổi chiều và tối đều có giờ chơi. 

Theo tôi, tác giả Lê Thanh Long đã sai phạm về mặt kiến thức, nếu không nói là phản giáo dục. Có lẽ tác giả đã không bao quát được nội dung, chương trình học sách giáo khoa, không nghiên cứu kỹ mối tương quan giữa các đơn vị bài học.

Trong tình hình “loạn sách, loạn tài liệu tham khảo” như hiện nay, thiết nghĩ nhà trường cũng nên có trách nhiệm tư vấn, giúp phụ huynh học sinh cách chọn lựa các loại sách đáng tin cậy, có tác dụng tốt đối với việc luyện tập, củng cố kiến thức và góp phần giáo dục nhân cách cho các em.

VŨ HỒNG