Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Để giúp người nông dân bớt khó khăn khi hội nhập, vấn đề quan trọng là khâu tuyên truyền, để bà con nông dân hiểu được trong sản xuất; phải làm ra những hàng hoá có chất lượng, xuất khẩu được; không thể sản xuất nhỏ lẻ mà phải hợp tác; phải tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật để sản xuất có hiệu quả cao.

Bí đao của gia đình ông Nguyễn Văn Đỏ, thành viên HTX RAT Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện tại vẫn còn mang tính truyền thống, manh mún khiến hiệu quả kinh tế thấp, khó thích nghi trong quá trình hội nhập. Hiệp định TPP được ký kết, bước vào sân chơi lớn người nông dân buộc phải sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, bảo đảm an toàn theo hướng bền vững, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thì mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Vừa qua, Tây Ninh đã rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực (mía, mì, cao su, hoa màu các loại), xác định quy mô sản xuất từng loại nhằm phát huy lợi thế tốt nhất ở từng vùng, từng địa phương; xác định nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Theo đó, diện tích cây mía trên địa bàn tỉnh là 14.245 ha, cây mì là 57.608 ha, cây cao su là 95.354 ha, rau các loại là 19.858 ha, mãng cầu là 4.223 ha...
Tuy nhiên, cho đến nay sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng vẫn lệ thuộc vào thời tiết, năm nào mưa thuận gió hoà thì được mùa, ngược lại là thất. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa chú trọng đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật sâu vào sản xuất để phát triển cây trồng ổn định, lâu dài. Vụ nào, loại cây nào được mùa, được giá thì chắc chắn vụ sau diện tích cây trồng đó sẽ tăng mạnh, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng. Đến khi cung vượt cầu, giá rớt, bị thua lỗ, nông dân lại tìm cây trồng khác.
Ông Nguyễn Văn Đỏ- thành viên trong HTX RAT Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành cho biết, người nông dân hiện nay vẫn sản xuất theo lề lối cũ, thấy người ta trồng cây gì mình cũng trồng theo mà không cần biết loại cây đó có phù hợp trên đất của mình hay không. Đương nhiên việc chuyển đổi “chụp giật” như vậy không thể mang lại hiệu quả cao được. Bên cạnh đó, phần lớn nông sản làm ra phải thông qua thương lái, tiêu thụ nông sản phải qua nhiều khâu trung gian khiến lợi nhuận thấp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội nhập nông sản là một quá trình dài với nhiều khó khăn, thách thức, do có sự tác động từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Bản thân các doanh nghiệp cũng như nông dân cần phải thay đổi nhận thức để không đánh mất cơ hội liên kết, nâng cao vị thế nông sản của mình trong cuộc hội nhập; và việc tập hợp diện tích sản xuất nhỏ lẻ trong dân theo mô hình THT, HTX với sự liên kết của doanh nghiệp đang là giải pháp được ngành nông nghiệp Tây Ninh chú trọng. Trong đó, ngành cũng đặc biệt quan tâm, định hướng các mô hình gắn kết giữa quy hoạch vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến theo đề án tái cơ cấu ngành để từng bước gia tăng chuỗi giá trị nông sản theo hướng bền vững.
Đại diện Công ty TNHH MTV Nam Trạng Tây Ninh chia sẻ, khách hàng tại các quốc gia tiên tiến rất quan tâm đến nguồn gốc cũng như việc sử dụng sản phẩm của họ tác động như thế nào đến người nông dân, môi trường sống, hệ sinh thái nơi sản phẩm được sản xuất ra. Đặc biệt, họ không chấp nhận hành vi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lao động trẻ em trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Vì vậy, nhiều đối tác nước ngoài đã đưa những nội dung này vào trong các hợp đồng mua bán hàng hoá của mình, nếu không bảo đảm các yêu cầu đó, doanh nghiệp Việt có thể bị cắt hợp đồng. Do vậy, Nhà nước cần chú trọng đến quy hoạch và giám sát quy hoạch cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững, giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tận dụng cơ hội của mình trong công cuộc hội nhập.
Để giúp người nông dân bớt khó khăn khi hội nhập, vấn đề quan trọng là khâu tuyên truyền, để bà con nông dân hiểu được trong sản xuất; phải làm ra những hàng hoá có chất lượng, xuất khẩu được; không thể sản xuất nhỏ lẻ mà phải hợp tác; phải tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật để sản xuất có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến hiện đại, có sự nghiên cứu sâu rộng về thị trường cũng như am hiểu về các hiệp định thương mại, chính sách pháp luật của các nước mình muốn bán hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất-chế biến- xuất khẩu cùng một ngành hàng để có sự tương trợ ngay từ trong nước, nhằm tận dụng nguồn nhân lực, máy móc giữa các đối tác liên kết để giảm áp lực đầu tư, tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
THANH NHI