Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã Phước Chỉ:
Cần thêm những “cú hích”
Thứ hai: 16:14 ngày 09/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phước Chỉ là xã biên giới thuộc huyện Trảng Bàng, với địa hình khá đặc biệt là vừa có đất gò giồng vừa có vùng trũng ven sông. Xã có diện tích tự nhiên hơn 4.817 ha, được chia làm 12 ấp, gồm 7 ấp giồng và 5 ấp ven sông Vàm Cỏ Ðông.

Nông dân Phước Chỉ phơi lúa.

Xã có đường biên giới 8,9km giáp với nước láng giềng Campuchia. Là xã thuần nông miền biên giới lại có vùng trũng, sông rạch chằng chịt, dân cư sống phân tán, thưa thớt nên trước đây, đời sống của người dân Phước Chỉ gặp rất nhiều khó khăn.

Từ khi thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), diện mạo nông thôn ở đây từng bước được đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần người nông dân ngày càng được nâng cao.

Ðược Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng trạm bơm và hệ thống kênh mương thuỷ lợi, nhiều năm qua, diện tích ruộng đất vùng gò giồng của xã (khoảng 500 ha) luôn có đủ nước tưới. Nông dân được hưởng nguồn nước thuỷ lợi miễn phí, giảm được chi phí đầu tư, từ đó an tâm sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ðối với vùng trũng ven sông, Nhà nước đầu tư làm 3 đê bao tiểu vùng ngăn lũ (với diện tích khoảng 800 ha). Nhờ đó, nông dân chủ động sản xuất kịp thời vụ, giảm chi phí, nâng cao thu nhập.

Trong nông nghiệp, nhiều mô hình mới được thực hiện. Ðáng lưu ý là mô hình liên kết “4 nhà” thâm canh cây lúa nước được triển khai trên địa bàn 5 ấp ven sông. Những năm gần đây, một bộ phận nông dân xã Phước Chỉ chuyển đổi từ sản xuất lúa thường sang sản xuất lúa nếp. So với lúa thường, lúa nếp có giá bán cao hơn từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg...

Bình quân mỗi ha đất trồng lúa, sau khi trừ chi phí đầu vào, nông dân còn lời 40 triệu đồng/năm. Ngoài cây lúa, một số hộ dân ven sông rạch còn nuôi cá trong vèo, nông dân vùng gò giồng tập trung chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Hiện đàn trâu, bò trên địa bàn xã được hơn 1.100 con.

Ðể giúp nông dân, nhất là nông dân nghèo có điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập, thời gian qua, thực hiện chính sách vùng biên giới, Nhà nước đã hỗ trợ không hoàn lại 3 chiếc máy xới cho 3 nhóm hộ nông dân (mỗi nhóm 5 hộ); hỗ trợ 61 máy phun thuốc bảo vệ thực vật để nông dân nghèo vừa chăm sóc lúa nhà, vừa làm dịch vụ phun xịt thuốc thuê cho nhiều hộ nông dân khác; hỗ trợ 65 con bò sinh sản...

Nhờ đó mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Phước Chỉ đạt 42 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân năm 2008 của xã 16,5 triệu đồng/người/năm).

Ðược các cấp quan tâm đầu tư về hạ tầng cùng với sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, những năm gần đây, diện mạo nông thôn xã Phước Chỉ có nhiều thay đổi rất đáng kể. Khoảng cách giữa vùng sông nước và vùng gò giồng ngày càng được giảm dần.

Do vùng trũng, sông rạch, kênh mương chằng chịt nên trước đây việc lưu thông bằng đường bộ ở 5 ấp ven sông hết sức khó khăn. Người dân khu vực này chủ yếu lưu thông bằng đường thuỷ. Từ khi có đê bao tiểu vùng, bờ đê được nâng cấp làm đường giao thông, hệ thống giao thông đường bộ vùng sông nước từng bước được hình thành.

Ngày nay, giao thông đường bộ thông suốt từ trong giồng ra tận bờ sông Vàm Cỏ. Cùng với việc làm mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ, hệ thống cầu đúc bê tông cốt thép cũng lần lượt thay thế cầu cây, cầu “khỉ”.

Tính đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng được hơn 50 chiếc cầu bê tông. Trong đó có 15 cầu lớn (tải trọng hơn 3 tấn) do Nhà nước đầu tư, số còn lại do các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức vận động đóng góp xây dựng.

Ngoài ra, còn có hơn 40 chiếc cầu bê tông nhỏ, do các hộ gia đình tự làm. Có đường bộ, có cầu vững chắc, hầu hết người dân vùng sông nước Phước Chỉ đều sắm xe máy, việc đi lại thuận tiện. Hệ thống giao thông ở các ấp gò giồng, vùng biên giới cũng được nâng cấp mở rộng cùng với việc đầu tư trạm xá, trường học, điện, nước sạch đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND xã Phước Chỉ, do đặc điểm vùng sông nước và miền biên giới, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, địa phương này vẫn còn những khó khăn nhất định. Xã còn cần đến 7 đê bao tiểu vùng ngăn lũ (với diện tích khoảng 1.000 ha).

Cây trồng chính của xã là cây lúa nhưng chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá cả do thương lái quyết định. Việc chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây khác (khóm, hoa màu...) còn khó khăn do thổ nhưỡng không phù hợp.

Nông dân ven sông Vàm Cỏ chưa mạnh dạn đầu tư nuôi cá vèo, cá bè, vì vốn đầu tư nhiều mà nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ nước sông bị ô nhiễm. Hiện hai ấp ven sông (Phước Trung và Tràm Cát) còn gặp khó về đường giao thông. Còn nhiều cánh đồng trên địa bàn xã thiếu điện phục vụ sản xuất, nông dân phải sử dụng máy bơm chạy xăng, dầu làm cho chi phí sản xuất tăng cao.

Từ những khó khăn trên, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết “tam nông”, đồng thời thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo địa phương kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đê bao tiểu vùng ngăn lũ ở những cánh đồng vùng trũng chưa có đê bao; đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia trên những cánh đồng chưa có điện; tiếp tục  làm cầu, đường bộ ở hai ấp còn gặp khó khăn về giao thông.

Song song đó, ngành chức năng cần nghiên cứu, tổ chức thí điểm mô hình và hướng đến sản xuất đại trà lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường để xuất khẩu; vận động nông dân sản xuất lúa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn để dễ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình liên kết “4 nhà” thâm canh lúa.

D.H

 

Tin cùng chuyên mục