BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng chợ truyền thống

Cần thích ứng với văn minh, hiện đại: Thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới 

Cập nhật ngày: 09/04/2024 - 09:02

BTN - Thời gian gần đây, với sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình thương mại hiện đại, thương mại điện tử, hoạt động buôn bán ở chợ truyền thống trở nên ế ẩm.

Từ lâu, chợ truyền thống được coi là kênh bán lẻ phổ biến, quan trọng trong hoạt động cung ứng hàng hoá cho người dân từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình thương mại hiện đại, thương mại điện tử, hoạt động buôn bán ở chợ truyền thống trở nên ế ẩm. Để giải quyết tình trạng này, cần một hướng đi mới, phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Chợ Dương Minh Châu hoạt động đã lâu, cần được nâng cấp.

Khó khăn trong quản lý, kêu gọi đầu tư

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh có 109 chợ đang hoạt động, bao gồm cả chợ bán một buổi sáng hoặc chiều, chợ tạm, chợ tự phát. Kết cấu hạ tầng thương mại của chợ chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu văn minh thương mại và phát triển theo hướng thị trường. Số lượng chợ hạng 2 ít, tập trung chủ yếu ở thành phố, thị xã và các thị trấn lớn. Nhiều chợ tại khu vực nông thôn đã xuống cấp, không bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc kêu gọi thu hút đầu tư, nâng cấp các chợ truyền thống từ các thành phần kinh tế theo hướng xã hội hoá vào phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn- nhất là ở nông thôn, do lộ trình thu hồi vốn lâu. Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Trên địa bàn huyện Gò Dầu, chợ truyền thống chủ yếu là chợ nông thôn (chợ hạng 3) đã được xây dựng từ nhiều năm, cơ sở hạ tầng một số chợ xuống cấp. Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các chợ truyền thống chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do vốn ban đầu lớn nên cơ sở hạ tầng tại các chợ chưa đáp ứng quy chuẩn về chợ văn minh, hiện đại. Cùng với đó, bán hàng qua mạng- hình thức kinh doanh bán lẻ mới phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây cũng phần nào làm ảnh hưởng tới sự phát triển, kinh doanh của các chợ truyền thống.

Hiện nay, công tác quản lý tại chợ gặp nhiều khó khăn đối với trường hợp bán hàng rong, bán hàng không có điểm cố định, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường khi không có lực lượng chức năng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại chợ.

Bên cạnh đó, địa phương cũng chưa quản lý được các đối tượng kinh doanh hàng online. Việc này dẫn đến bất cập là trong khi các hộ kinh doanh ở chợ truyền thống trên địa bàn huyện phải làm đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí... thì những người kinh doanh online không phải đóng các loại phí nêu trên nên giá bán hàng hoá thấp hơn. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho các tiểu thương ở chợ truyền thống.

Còn trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có 12 chợ nằm trong quy hoạch và đang hoạt động, hầu hết đều là chợ truyền thống. Các tiểu thương buôn bán tại chợ bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuy vậy, bà Lê Thị Ngọc Bích- Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Dương Minh Châu cho biết, việc thu hút vốn đầu tư để xây chợ gặp rất nhiều khó khăn, do nhu cầu vốn lớn nhưng khả năng hoàn vốn thấp và kéo dài. Các nhà đầu tư chỉ chọn những chợ có khả năng sinh lợi nhanh để đầu tư. Trên địa bàn huyện chưa phát triển hệ thống phân phối hiện đại như trung tâm thương mại; lưu thông hàng hoá còn qua quá nhiều khâu trung gian làm giá hàng hoá khi đến tay người tiêu dùng còn cao.

Người tiêu dùng mua hàng tại chợ Dương Minh Châu.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Hiệu quả chưa cao

Thực hiện Công văn số 488/SCT-QLTM ngày 28.2.2022 của Sở Công Thương về việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương tại các chợ, UBND huyện Dương Minh Châu đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, phối hợp với Ban Quản lý các chợ hỗ trợ Viettel Tây Ninh trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương tại các chợ; giúp cho tiểu thương nhận biết được tiện ích vượt trội so với hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, việc thanh toán này được tiểu thương áp dụng theo kiểu tự phát, và chỉ được áp dụng ở các sạp hàng lớn trong chợ, chủ yếu là qua hình thức chuyển khoản. Tức là, khách hàng mua hàng xong sẽ chuyển khoản cho người bán. Còn lại đa phần các sạp trong chợ vẫn thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu.

Bà Lê Thị Ngọc Bích cho biết, với xu thế chuyển đổi số trong kinh doanh hiện nay, rất mong các ngành cấp trên quan tâm, tạo điều kiện mở thêm nhiều buổi đào tạo nâng cao kiến thức pháp luật, khuyến khích phát triển tiềm năng kinh doanh, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho các tiểu thương; giúp nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng văn hoá kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng khi đến với chợ truyền thống.

Để góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương tại các chợ, UBND huyện Gò Dầu đã chỉ đạo triển khai đến Ban Quản lý chợ Gò Dầu, Hợp tác xã chợ Phước Đông và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho các tiểu thương tại chợ Gò Dầu thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Dẫu vậy, hiệu quả mang lại chưa cao do tiểu thương và người tiêu dùng tại chợ truyền thống vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt.

Cần đổi mới tư duy

Sở Công Thương cho biết, muốn chợ truyền thống có sức hút trở lại, các tiểu thương cần nỗ lực đổi mới tư duy và cách làm trong việc thực hiện văn hoá kinh doanh, tạo lòng tin và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Các tiểu thương phải bán những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết; bố trí hàng hoá sao cho đẹp mắt, tiện lợi; trang bị kỹ năng bán hàng theo hướng văn minh hiện đại, lịch sự, tạo môi trường kinh doanh thân thiện.

Ngoài ra, người bán cần áp dụng các chương trình khuyến mãi, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương cần quyết liệt xử lý, dẹp bỏ các chợ tự phát, tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hoá để bảo đảm sự công bằng trong kinh doanh; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và chất lượng hàng hoá, từng bước thực hiện văn minh thương mại. Nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả, mô hình bán lẻ truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mô hình bán lẻ hiện đại.

Cùng với đó, tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh thương mại phải hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm… Việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cần giải quyết hài hoà lợi ích giữa Nhà nước - tiểu thương - doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người dân. Có như vậy, chợ truyền thống mới phát triển bền vững, không bị tụt hậu và nguy cơ tiến tới bị.... “xoá sổ” trong tương lai.

Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trước thực trạng chợ truyền thống đang dần bị các kênh bán lẻ hiện đại lấn át, tiểu thương phải chú trọng việc tổ chức nguồn hàng, có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Xây dựng văn hoá kinh doanh ở chợ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài chợ dân sinh ở các huyện, địa phương cần tập trung xây dựng chợ đầu mối như chợ Long Hoa, chợ thành phố Tây Ninh… có khả năng tiêu thụ cao cả về số lượng và chất lượng. Từ đó, góp phần kích cầu về đầu tư, du lịch của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sản xuất vùng và sản xuất tại chỗ của địa phương phát triển.

Nhi Trần