Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chính sách được ban hành với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Ông Thà bên vườn mít.
Quyết định số 21/2019/QÐ-UBND quy định mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Chính sách được ban hành với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện, chính sách trên đã có nhiều bất cập, cần có sự điều chỉnh phù hợp để nhiều đối tượng được thụ hưởng.
Cá nhân thuận lợi trong tiếp cận
Theo Quyết định 21, điều kiện để được hỗ trợ là đối tượng vay vốn có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt mức lãi vay; có hợp đồng vay vốn thực hiện dự án phát triển sản xuất (nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp) đã được giải ngân tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh; việc hỗ trợ lãi vay chỉ thực hiện đối với khoản vay đúng hạn, những khoản vay bị chuyển sang nợ quá hạn không được hỗ trợ kể từ thời điểm phát sinh nợ xấu.
Ðây được xem là một trong những bất cập của Quyết định 21, khiến nhiều đối tượng không thể tiếp cận do vướng điều kiện về tài sản thế chấp tại ngân hàng thương mại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Quyết định số 21 của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư có nhu cầu thực hiện chính sách lập dự án đầu tư (hồ sơ chính sách).
Sở tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ được 13 dự án (năm 2020: 12 dự án, tháng 3.2021: 1 dự án). Trong đó, đã triển khai hỗ trợ đối với 4 dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 9 dự án thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và phần lớn là cá nhân được hỗ trợ.
Là một trong những nông dân thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi vay từ Quyết định 21, ông Phan Văn Thà thực hiện dự án trồng bưởi xen canh cây mít thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với quy mô 20 ha ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên). Dự án được phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2024. Ông Thà chia sẻ: “Tôi rất hoan nghênh những lợi ích thiết thực mà chính sách mang lại, làm cho nông dân chúng tôi tin tưởng, mạnh dạn đầu tư”.
Ông Thà cho biết, nông nghiệp Tây Ninh vẫn còn những khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ nông dân rất phù hợp, đáp ứng được mong muốn của bà con, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển.
“Làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao rất khó, bởi vì chi phí đầu tư quá lớn, trong khi nông dân vẫn còn thiếu kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, đặc biệt là thiếu vốn”- ông Thà bộc bạch. Ông mong rằng các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung cần “thoáng” hơn, để có được nhiều người tham gia, từ đó thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Tây Ninh đi lên.
Các hợp tác xã vẫn còn vướng
Bà Lâm Thị Có- Giám đốc HTX Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, Quyết định 21 ban hành, nhiều HTX trong tỉnh rất phấn khởi, mong muốn được thụ hưởng các chính sách về vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng của tỉnh.
Thế nhưng, khi triển khai thực tế thì vướng mắc khá nhiều thủ tục nên HTX đành bỏ cuộc, không tiếp cận được chính sách này. Bởi lẽ khi vay vốn phải có thủ tục thế chấp, nhưng HTX không có tài sản chung thế chấp để làm thủ tục hưởng hỗ trợ chính sách theo Quyết định 21.
Theo ông Hoàng Phú Hậu- Giám đốc HTX Hùng Hậu, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ để các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt…
Quyết định 21 dù có quy định đối tượng được thụ hưởng là pháp nhân, cá nhân, nhưng rõ ràng, khi triển khai thực tế hầu như chỉ có cá nhân tiếp cận được. Ðây là bất cập mà tỉnh cần quan tâm khi ban hành các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt trong thời gian tới.
Thế Nhân - Trúc Ly
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có chính sách riêng biệt cho việc thu hút phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chỉ có chính sách chung nhằm thu hút doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.