Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Giám đốc Sở GD-ĐT Đổng Ngọc Lập được đại biểu HĐND tỉnh “quan tâm” chất vấn trong hai vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học và giáo dục mầm non.
(BTNO) – Tại Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh vừa qua, sau Giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Công Nghiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT Đổng Ngọc Lập được đại biểu HĐND tỉnh “quan tâm” chất vấn nhiều nhất trong hai vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học và giáo dục mầm non.
Ông Đổng Ngọc Lập trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh |
* Căn-tin không có giấy chứng nhận ATVSTP: Ngưng hoạt động
Đại biểu chất vấn: Hiện nay trong trường học, nhất là cấp Tiểu học không bán trú, nhiều trường đều có căn-tin bán đồ chơi không rõ nguồn gốc, bán nhiều loại thức ăn chưa được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm dễ gây ngộ độc và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ em.
Về vấn đề này, ông Đổng Ngọc Lập cho biết, để đảm bảo công tác ATVSTP trong các bếp ăn tập thể (đối với các trường bán trú) và căn-tin các trường Tiểu học, tháng 9.2008, Sở GD-ĐT đã có Công văn về quản lý, kiểm tra ATVSTP trong các trường học, và đến tháng 6.2011 có công văn về việc đảm bảo an toàn thực phẩm và chống tác hại của thuốc lá đối với học sinh, hướng dẫn các đơn vị trường học tổ chức thực hiện một số nội dung như: Tham mưu với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cấm các loại hàng rong, bán thực phẩm không đủ điều kiện ATVSTP, các sản phẩm không tốt như kẹo phát sáng, kẹo thuốc lá, kẹo Ben 10… xung quanh các trường học. Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện thích hợp để giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP, đặc biệt là nội dung Luật an toàn thực phẩm… Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát trong ngành và liên ngành về thực hiện các văn bản pháp luật về ATVSTP. Phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, kiên quyết không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đủ điều kiện ATVSTP cung cấp thực phẩm và thức ăn, các loại hàng hoá được chế biến sẵn như: thạch dừa, bánh, kẹo… cho các bếp ăn tập thể, căn-tin trong trường. Đảm bảo mỗi nhân viên làm việc trong các bếp ăn tập thể, căn-tin trường học hằng năm được khám sức khoẻ, học tập kiến thức và thực hành tốt chế độ vệ sinh cá nhân.
Theo ông Đổng Ngọc Lập, năm học 2011 – 2012, Tây Ninh có 60 trường mầm non và 16 trường tiểu học tổ chức loại hình bán trú; 175/402 điểm trường tiểu học có tổ chức bán căn-tin trong nhà trường. Qua kiểm tra, số lượng căn-tin được cấp giấy chứng nhận ATVSTP ở các trường còn ít. 6 tháng đầu năm 2011, chỉ có 47 căn-tin trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận. Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ đẩy mạnh phối hợp với ngành Y tế kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho căn-tin các trường đủ điều kiện. Đối với căn-tin các trường chưa đủ điều kiện, ngành sẽ yêu cầu đóng cửa hoặc cho tạm ngưng hoạt động đến khi đủ điều kiện cấp giấy phép.
Theo ghi nhận của Sở GD-ĐT, từ đầu năm 2011 đến nay chưa có trường học nào trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng học sinh ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp nếu xảy ra rủi ro hoặc để học sinh ngộ độc thực phẩm, trách nhiệm trước hết thuộc về hiệu trưởng và tập thể nhà trường. Tuỳ theo mức độ vi phạm, Sở GD-ĐT sẽ có hình thức xử lý cụ thể.
Để thắt chặt vấn đề ATVSTP trong trường học, ông Đổng Ngọc Lập nhấn mạnh, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức thực hiện nghiêm công tác quản lý, kiểm tra ATVSTP trong các trường học và chống tác hại của thuốc lá đối với học sinh. Phòng GD-ĐT các huyện, thị chủ động phối hợp với ngành Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra ATVSTP và vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ATVSTP đối với các bếp ăn tập thể và căn-tin trường học trên địa bàn. Ban giám hiệu các trường học có trách nhiệm tuyên truyền với phụ huynh học sinh việc tổ chức cho các em ăn sáng tại nhà; tham mưu với chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng rong bên ngoài nhà trường.
Ở một số nơi, vẫn còn cảnh bán hàng rong trước cổng trường (ảnh minh hoạ) |
Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, khâu chế biến nấu nướng, khâu bảo quản. Các trường tổ chức bán trú thực hiện tốt các quy định về ATVSTP. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ đối với nhân viên cấp dưỡng (đối với bếp ăn tập thể) và người bán căn-tin…
* Thiếu GV mầm non, thiếu phòng học cho trẻ 5 tuổi
Tuy nhiên, phần trả lời của Giám đốc Sở GD-ĐT Đổng Ngọc Lập về ATVSTP lại không gây “nóng” diễn đàn như khi ông trả lời những câu hỏi về giáo dục mầm non. Đại biểu chất vấn: Chủ trương phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi được ngành GD-ĐT đề ra và triển khai thực hiện trong năm học 2011 – 2012. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc: thiếu cơ sở vật chất, giáo viên… Vì vậy nhiều nơi dồn lớp dạy kê, hợp đồng bảo mẫu…, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trong khi đó, nhu cầu học của trẻ 5 tuổi không nhỏ dẫn đến tình trạng hình thành các nhóm giữ trẻ gia đình tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp và nhiều rủi ro. Ngành GD-ĐT có giải pháp gì để chấn chỉnh vấn đề này?
Trả lời về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, ông Đổng Ngọc Lập cho biết, hiện ngành GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch đào tạo mới khoảng 500 giáo viên mầm non còn thiếu, đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu, chất lượng đội ngũ giáo viên phục vụ công tác phổ cập trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015. Đối với những địa bàn còn thiếu giáo viên giai đoạn 2011 – 2012, ngành GD-ĐT khắc phục bằng cách tiến hành hợp đồng người lao động để hỗ trợ công tác chăm sóc trẻ mầm non 5 tuổi học 2 buổi/ ngày. Hiện ngành đã hợp đồng được 64 nhân viên bảo mẫu, trong đó có 06 nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ và 58 nhân viên hợp đồng thời vụ do trường tự chi trả.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, rút ngắn thời gian đào tạo từ CĐSP 12+3 thành THSP 12+2 nhằm đáp ứng kịp thời thực trạng thiếu giáo viên giai đoạn 2011 – 2013 (năm học 2010 – 2011 tuyển mới 156 sinh viên 12+2 và 9+3; năm học 2011 – 2012 tuyển mới 131 sinh viên 12+2). Bảo đảm giai đoạn 2013 – 2015 có đủ giáo viên dạy các lớp mầm non 5 tuổi theo định mức quy định.
Còn tiếp
HY UYÊN