Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chương trình mới nếu áp dụng sẽ có nguy cơ dôi dư khoảng hơn 40.000 giáo viên ở cấp học THCS và THPT, đó là một trong những tính toán của Bộ GD-ĐT đưa ra.
Muốn nâng cao chất lượng thì đổi mới là cần thiết
Một bộ phận giáo viên được cho dôi dư nhiều là giáo viên THCS và THPT. Trước tính toán đó của Bộ GD-ĐT cô giáo Phùng Thị Hà (trường THPT Yên Lãng, Hà Nội) chia sẻ thời gian qua cô cùng đồng nghiệp có nghe nhiều thông tin về nguy cơ thừa giáo viên, nếu chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng.
Gắn bó và tâm huyết với nghề, cô Hà cho rằng không hẳn là bản thân cảm thấy lo lắng với việc mình sẽ có nguy cơ thất nghiệp.
Ảnh minh họa.
Theo cô góp ý, nếu không đổi mới mà vẫn tiếp tục dạy học theo kiểu không gắn liền với thực tiễn, nặng về lý thuyết như hiện tại thì chất lượng học tập và đào tạo khó được cải thiện.
“Dạy học cần gắn với thực tiễn ở tất cả các môn, tất cả nhằm hướng học sinh tới tình yêu quê hương đất nước, nhân cách sống, cải tạo cuộc sống, áp dụng khoa học kỹ thuật để cuộc sống tốt hơn lên… chứ học những điều xa vời thì thật sự rất phí. Chính vì vậy, giáo viên phải là người cần thay đổi trước tiên”, cô Hà nói.
“Khi đã có kiến thức cơ bản thì giáo viên sẽ phải linh hoạt tùy vào học trò ở vùng miền để có cách điều tiết chương trình dạy học phù hợp với vùng miền, với thực tế diễn ra ở nơi dạy học. Giáo viên cần được tập huấn một cách thực chất, nghĩa là người tập huấn phải hết mình và người được tập huấn cũng phải toàn tâm toàn ý với việc bồi dưỡng. Thầy cô có sức ì lớn quá, sẽ rất khó thành công”.
Theo ý kiến của PGS.TS Đặng Thị Oanh – giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo viên lo lắng thất nghiệp trước nguy cơ dư thừa người dạy là có cơ sở. Nhưng bà tin tưởng rằng, luôn có cách để giải quyết tốt mối lo lắng này.
“Điều này phụ thuộc lớn ở sự nỗ lực của giáo viên. Trước đây, sinh viên đào tạo hệ cao đẳng sư phạm đã được học theo hướng tích hợp các môn, nên để hoàn thiện phân môn còn lại của bộ môn Khoa học tự nhiên thì thầy cô cần bổ sung một khóa học tín chỉ để có thể vững vàng đứng môn ấy.
Có thể trong môn học này sẽ có 2 giáo viên cùng giảng, hoặc chỉ có thể có 1 giáo viên thôi. Tôi tin thầy cô hoàn toàn làm được nếu được bồi dưỡng tập huấn đầy đủ và thầy cô sẵn sàng cho điều này” – bà nhấn mạnh.
Cần có tính toán để cân đối giáo viên
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, số giáo viên thừa của các cấp học là 40.264 người. Bộ GD-ĐT khuyến cáo các địa phương trong thời gian tới cần tính toán để cân đối giáo viên ở bậc học này, thậm chí có thể dừng tuyển mới.
Theo Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT, sẽ có 2 hình thức bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới là đại trà và cốt cán. Theo đó, việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán sẽ thực hiện theo hình thức tập trung trong 8 ngày.
Mỗi tỉnh, thành phố chọn ra 2 giáo viên mỗi môn để tham gia khoá học. Sau đó, đội ngũ này sẽ cùng thực hiện việc bồi dưỡng đại trà cho phần lớn giáo viên còn lại.
Khác với hiện nay, mỗi giáo viên chỉ dạy một hoặc một số ít khối lớp trong suốt thời gian công tác, giáo viên cốt cán của chương trình mới sẽ dạy học sinh từ lớp 1 đến 5.
Từ năm 2019, việc bồi dưỡng giáo viên đại trà sẽ được triển khai cho lớp 1, năm 2020 là lớp 2 và 6; lần lượt như thế đến năm 2023 là hai lớp cuối 5, 12.
Đối với giáo viên dạy môn tích hợp, từ năm 2018, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng để có thể dạy phủ sang môn khác chuyên môn đào tạo ở đại học. Mỗi thầy cô sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ) cho môn không phải chuyên môn. Ví dụ giáo viên Địa lý học thêm 20 tín chỉ môn Lịch sử và ngược lại.
Nguồn congly