BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góc nhìn

Cần trang bị cho học sinh kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục

Cập nhật ngày: 04/01/2019 - 11:02

BTN - Cần giúp con hiểu được phần đồ lót che là bộ phận sinh dục của con người, bộ phận ấy là tài sản riêng không ai có quyền xâm phạm (kể cả cha mẹ). Con cũng không được chạm vào vùng đồ lót của người khác; dạy cho con không để lộ đồ lót nơi công cộng, bé gái cần khéo léo ngồi khép chân khi ngồi xổm...

Vừa qua, dư luận lại phẫn nộ với sự việc Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam về tội danh “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Thực ra, nạn xâm hại tình dục trẻ em không phải là mới. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung vào tháng 6.2018, các đại biểu đã nêu ra vấn đề này khiến nghị trường nóng lên, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng theo số liệu báo cáo, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có khoảng 1.300 đến 1.500 trẻ bị xâm hại tình dục. Ðây chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm thôi. Ðiều này có lẽ là đúng bởi thực tế chỉ trong thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em, như vụ thầy giáo ở Hà Nội bị tố xâm hại tình dục 8 học sinh lớp 3, vụ người hàng xóm ở Nông Cống, Thanh Hoá xâm hại học sinh lớp 9, vụ Lê Văn Tuấn trèo tường vào một trường tiểu học ở quận 12 xâm hại hàng loạt trẻ em nữ…

Những chuyện được phanh phui ít hơn nhiều so với thực tế, bởi xâm hại tình dục trẻ em là chuyện nhạy cảm (vì 59% thủ phạm là người thân, người quen) nên nạn nhân và người nhà thường giấu kín, không tố giác. Ðối tượng thực hiện nhiều lần, trong một thời gian dài mới bị phát hiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nạn nhân, gia đình lại không hợp tác.

Ðại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Hiện có đến 17 cơ quan phụ trách vấn đề bảo vệ trẻ em nhưng dường như các gia đình nạn nhân vẫn rất đơn độc”. Nhiều đại biểu cũng nêu ra những khó khăn của việc phát hiện, khởi tố, xử lý tội phạm bởi nạn nhân là trẻ em, năng lực hiểu biết hạn chế, tâm lý dễ bị tác động, tinh thần bị hoảng loạn nên khai báo không chính xác.

Mặt khác, khi cơ quan chức năng nhận được tố cáo thì sự việc diễn ra khá lâu, việc khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn... Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định: “Ðây là vấn đề bức xúc nên trong phòng chống, xử lý phải bảo đảm tính đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm yêu cầu đấu tranh chứ không dừng lại ở quyết tâm”. Các giải pháp mà những người có trách nhiệm đưa ra là tuyên truyền phòng, chống, phối hợp giáo dục đạo đức truyền thống, xây dựng quy trình điều tra, xử lý nghiêm minh.

Có thể nói rằng xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác, bởi nó để lại hậu quả rất lớn về thể xác, tâm lý và tinh thần của nạn nhân. Cho đến nay, chúng ta vẫn còn lúng túng và ngăn chặn chưa có hiệu quả. Theo các chuyên gia đào tạo kỹ năng sống, trong khi chờ đợi sự hoàn thiện về pháp luật, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì gia đình và nhà trường phải chủ động trang bị cho các em kỹ năng phòng, chống để các em tự bảo vệ mình.

Hai nội dung được nhiều quốc gia áp dụng là “Luật bàn tay” và “Quy tắc đồ lót” với những quy tắc đơn giản, dễ nhớ và cực kỳ cần thiết. Khi đã thấm sâu sẽ giúp các em nâng cao kỹ năng giao tiếp, có thể tránh xa những đối tượng nguy hiểm và biết tìm sự hỗ trợ kịp thời.

Luật bàn tay bao gồm 5 vòng tròn/5 ngón tay, 5 vòng tròn lớn nhỏ bao quanh nhau tương ứng với 5 ngón tay của mỗi người và cũng là xác định 5 nhóm người mà các cháu tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày. Vòng tròn nhỏ nhất bên trong cùng/tương tự ngón tay cái là ngón gần ta nhất có tên là vòng tay.

Ðây là mối quan hệ khi con còn nhỏ thì những người ruột thịt như cha, mẹ, ông bà... được phép lau, chùi, ôm, hôn, bế, cõng...  Vòng tròn thứ hai/ngón trỏ dành cho người thân như họ hàng, thầy cô giáo, bạn bè... có thể vuốt tóc, vỗ vai, xoa đầu, khoác vai, nắm tay. Vòng tròn thứ ba/ngón giữa là đối với người quen như hàng xóm, đồng nghiệp của cha mẹ và những người đã được cha mẹ sàng lọc thì có thể chào hỏi, chuyện trò. Vòng tròn thứ tư/ngón đeo nhẫn dành cho những người lạ chỉ được vẫy tay chào lúc gặp, tạm biệt. Vòng tròn thứ năm/ngón tay út sẽ dành cho những người đáng ngại, những người có thể gây cho trẻ cảm giác bất an, không thoải mái khi tiếp xúc, trẻ có quyền phản ứng, bỏ đi chỗ khác.

Cha mẹ, thầy cô có thể tổ chức trò chơi xếp nhân vật vào vòng tròn, yêu cầu trẻ nhắc đi nhắc lại để nhớ: Ruột thịt - vòng tay; người thân - nắm tay; người quen - bắt tay; người lạ - vẫy tay; người đáng ngại - xua tay... Tuy nhiên, ngay cả những người thuộc vòng 2, 3, 4 cũng có thể gây cho trẻ sự đáng ngại, bất an, vì thế cha mẹ cần quan tâm đến thái độ của con, lắng nghe con, tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời bảo vệ con.

Nguyên tắc 5 ngón tay. Ảnh kenh14

Ngay từ tuổi mẫu giáo, trẻ đã cần được cha mẹ dạy về “Quy tắc đồ lót”. Ðồ lót để che vùng kín của mình. Tuy nhiên khi dạy quy tắc này, cha mẹ cần lưu ý, nếu có điều kiện, cha mẹ không nên ngủ chung với con, không thay quần áo trước mặt con, không nên tắm rửa, kỳ cọ quá kỹ vùng kín của con; dù yêu con thế nào cũng không vuốt ve đồ lót, vùng kín của con; không khen, chê bộ phận sinh dục của con và  không nên tắm chung với con, hoặc tắm chung hai trẻ khác giới...

Cần giúp con hiểu được phần đồ lót che là bộ phận sinh dục của con người, bộ phận ấy là tài sản riêng không ai có quyền xâm phạm (kể cả cha mẹ). Con cũng không được chạm vào vùng đồ lót của người khác; dạy cho con không để lộ đồ lót nơi công cộng, bé gái cần khéo léo ngồi khép chân khi ngồi xổm, không ngồi dạng chân, không mặc váy quá ngắn; tuyệt đối không được vuốt ve vùng đồ lót của mình và của người thân...

Dạy cho con những điều này là những điều nhạy cảm, nhiều người ngại nhưng cũng rất nhiều người thấy cần thiết và đã thực hiện có hiệu quả. Trẻ con cần được giáo dục giới tính đúng cách, để được mọi người tôn trọng và có cuộc sống tương lai hạnh phúc.

Nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng trở nên phổ biến và đáng báo động. Ngăn chặn, phòng chống để bảo vệ các em là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, muốn bảo đảm hiệu quả bền vững thì chúng ta phải chủ động  giúp trẻ có hiểu biết, tự bảo vệ bản thân và tránh bị xâm hại tình dục. “Luật bàn tay” và “Quy tắc đồ lót” là hai nội dung đầu tiên, quan trọng mà từng gia đình, mỗi thầy, cô giáo cần dạy cho các em để áp dụng, tự bảo vệ mình khi cần thiết. Ðây là việc cần làm ngay!

HOÀNG NAM