Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Góc nhìn
Cần trang bị kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên
Thứ tư: 17:03 ngày 24/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể thực hiện tốt dạy học trực tuyến trong môi trường số, các cấp quản lý giáo dục cần phải nhanh chóng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia vào những khoá học trực tuyến như giao tiếp qua trung gian máy tính, tham gia mô hình trường học ảo, mô hình cộng đồng học tập trực tuyến…

Năm 2020, do dịch bệnh Covid- 19, cả hệ thống giáo dục đồng loạt triển khai dạy học trực tuyến. Ðầu năm 2021, khi dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện khẩu hiệu “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, dạy học trực tuyến lại được khởi động. Ðể triển khai và thực hiện có hiệu quả hoạt động này, đòi hỏi nhiều yếu tố, Nhưng quan trọng và có tính quyết định vẫn là năng lực, trình độ, kỹ năng cần có của giáo viên.

Ðại dịch Covid- 19 ảnh hưởng rất lớn đến dạy học truyền thống, buộc giáo dục phải sáng tạo và tìm cách thích nghi bằng dạy học trực tuyến. Phương thức dạy học này mang tính trực quan, dễ đọc, dễ hiểu, dễ truy cập… giúp người học dần dần xây dựng ý thức tự học, tự trau dồi, chủ động trong việc bố trí thời gian và không gian học tập (tại nhà, trên đường đi, tại trường, tại cơ quan…). Dạy học trực tuyến còn gián tiếp giúp cho cả người dạy và người học đạt được một trình độ nhất định về công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, để việc dạy học trực tuyến trở thành phương thức phổ biến và mang lại hiệu quả là điều không đơn giản, cần nhiều yếu tố và những yêu cầu của các đối tượng tham gia.

Trước hết để triển khai, cần có hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đường truyền, thiết bị kết nối đầu - cuối, các thiết bị phục vụ dạy học, điện thoại thông minh, kho học liệu, các phần mềm… và phải thực hiện trong khuôn khổ pháp lý cho phép.

Các cấp quản lý giáo dục phải có năng lực, trình độ nhất định để quản lý và hỗ trợ người dạy, người học, ý thức của người học và sự đồng thuận, ủng hộ và phối hợp của phụ huynh. Nhưng cũng như dạy học truyền thống, giáo viên có vai trò quan trọng và mang tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả của phương thức dạy học này.

So với dạy học truyền thống, dạy học trực tuyến yêu cầu những kỹ năng mới, khiến giáo viên phải đối mặt với một loạt thách thức đòi hỏi sự hỗ trợ, nâng cao chuyên môn liên tục mới có thể đem đến cho học sinh trải nghiệm học trực tuyến tốt nhất.

Việc dạy học trực tuyến là một sự thay đổi lớn. Trên nền tảng của những kỹ năng dạy học truyền thống, giáo viên cần phải có nhiều kỹ năng khác. Trước hết là phải nắm vững kiến thức về môn học và bài dạy. Nắm chắc nội dung mới có cách giúp học sinh tiếp cận và hiểu được nội dung bài học.

Nhiều người quan niệm rằng, hình thức dạy học trực tuyến là một quá trình tự học, trong đó nội dung đóng vai trò “tài liệu giáo khoa”, người học có thể tự học các ý tưởng, nội dung chính bằng cách xem video hoặc đọc văn bản, giáo viên hướng dẫn chỉ tập trung vào giao tiếp với học sinh, lưu trữ hồ sơ và các công việc hành chính…

Thực chất của dạy học trực tuyến, giáo viên không chỉ biết rõ nội dung môn học, bài dạy mà còn phải biết cách giúp người học hiểu sâu về các nội dung này, và biết cách sử dụng các chiến lược giảng dạy phù hợp với nội dung trong môi trường trực tuyến.

Một kỹ năng mà rất nhiều giáo viên hiện nay chưa làm được đó là hiểu được cách giao thoa giữa công nghệ, phương pháp sư phạm và nội dung môn học, bài dạy để có thể mang lại những trải nghiệm học tập có ý nghĩa cho học sinh, giúp các em có khả năng định hướng và quản lý thời gian để nâng cao hiệu quả học tập. Giáo viên cần phải hiểu được tầm quan trọng và có kỹ năng để cung cấp hỗ trợ tích cực và hỗ trợ qua trung gian là công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, không ít người chưa biết cách sửa đổi các phương pháp giảng dạy và kỹ thuật sư phạm được sử dụng trong môi trường trực tuyến, do được đào tạo trong môi trường trực tiếp mà việc kết hợp giữa công nghệ, sư phạm và nội dung trực tiếp khác rất nhiều so với trực tuyến.

Ðể khắc phục tình trạng này, các chuyên gia nêu ra một số giải pháp: Cần thu hút giáo viên tham gia vào cộng đồng học tập trực tuyến để họ có thể trau dồi chuyên môn thông qua việc kết nối với đồng nghiệp từ nhiều môi trường khác nhau; trang bị cho giáo viên kiến thức, nội dung sư phạm công nghệ, mối liên hệ giữa công nghệ, phương pháp sư phạm, chương trình giảng dạy… tạo mọi điều kiện để giúp giáo viên thực hành dạy học qua các nền tảng trực tuyến để họ làm quen dần.

Một kỹ năng khác là thiết lập sự hiện diện trực tuyến. Giáo viên phải chuẩn bị để thiết lập sự chào đón thân thiện đối với người học bằng giọng điệu phù hợp để thu hút người học. Phải tạo được môi trường thân thiện, an toàn để người học cảm thấy thân thuộc, từ đó, giúp các em quản lý thời gian và thực hiện nhiệm vụ học tập.

Dạy học trực tuyến không phải là truyền thụ một chiều, mà phải có những cuộc thảo luận, coi đó là “sợi dây ràng buộc” một tập hợp những cá nhân vào một cộng đồng học tập hợp tác. Nếu không có sự tương tác, những cuộc thảo luận, thì cơ hội học tập sẽ trở thành một nỗ lực cá nhân, sẽ không có cơ hội học sâu.

Vì vậy, giáo viên phải có kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn, khơi gợi niềm tin và sự đóng góp của học sinh. Giáo viên xác định đúng thời điểm và cách thức đưa ra phản hồi cho cá nhân, nhóm để thúc đẩy tương tác.

Khi cần thiết, giáo viên trợ giúp bằng lời nói, kịp thời để gắn kết các cá nhân, các nhóm người học nhằm thu hẹp hoặc nới rộng khoảng cách ảo giữa giáo viên và học sinh. Cũng cần hiểu rằng, việc dạy học trực tuyến có “cấu trúc mở”. Giáo viên và học sinh ở xa nhau, học sinh “rất tự do và tự tiện”, chưa bao giờ người học được trao quyền độc lập như học trực tuyến…

Ðợt dạy trực tuyến năm 2020, rất nhiều giáo viên cho biết, đầu giờ điểm danh tất cả học sinh đều có mặt, nhưng học được một lúc, nhiều buổi chỉ còn một vài em, đó là chưa kể đến những em có mặt nhưng không học mà làm việc khác.

Vì thế, một kỹ năng cần thiết đối với giáo viên là quản lý người học. Giáo viên phải dành thời gian để hỗ trợ học sinh bằng cách kiểm tra, động viên, tư vấn, cung cấp hỗ trợ kịp thời, theo dõi kết quả học tập, kèm riêng tuỳ vào nhu cầu của từng cá nhân.

Giáo viên cũng phải liên tục hỗ trợ, động viên và kiểm tra người học thông qua công nghệ hiện có (tin nhắn, điện thoại, e-mail…). Có thể nói rằng, kỹ năng quản lý người học trong dạy trực tuyến khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải “cao tay” hơn so với dạy học truyền thống!

Ðể thực hiện tốt dạy học trực tuyến trong môi trường số, các cấp quản lý giáo dục cần phải nhanh chóng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia vào những khoá học trực tuyến như giao tiếp qua trung gian máy tính, tham gia mô hình trường học ảo, mô hình cộng đồng học tập trực tuyến…

Giáo viên phải khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, ra sức học hỏi để có được những kỹ năng cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến. Phải cố gắng nhiều hơn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau!

DM

Tin cùng chuyên mục