Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cẩn trọng khi đổi mới thi tốt nghiệp THPT
Thứ sáu: 03:04 ngày 03/01/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với chủ trương giảm môn thi xuống còn 4 môn kết hợp với kết quả lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đang được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ, không khó để thấy một số khâu “kỹ thuật” cần phải điều chỉnh để tối ưu hơn.

Với hai phương án Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều độc giả đều chọn phương án 1. Tuy nhiên vẫn còn đó những trăn trở về phương án 2 với lý do Ngoại ngữ là môn học quan trọng trong thời kỳ hội nhập.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Ngoại ngữ là môn công cụ, là năng lực cần phải có trong thời kỳ hội nhập. Môn Ngoại ngữ sắp tới trong chương trình mới thì dạy và học ngoại ngữ sẽ là môn học bắt buộc đến lớp 12. Lúc đó không học ngoại ngữ như cũ. Dạy và học ngoại ngữ phải hướng tới sử dụng được ngoại ngữ. Nghĩa là không phải dạy về ngữ pháp là chính mà phải hướng tới năng lực giao tiếp. Như vậy cách thi và kiểm tra đánh giá phải khác. Hiện nay, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm với 4 phương án chọn 1, nôm na là thí sinh chỉ cần gật với lắc thì không kiểm tra được năng lực. Trong đề án ngoại ngữ sắp tới, một trong những trọng tâm là thay đổi cách kiểm tra đánh giá.

"Thực tế học sinh vẫn học lệch. Nhưng học lệch chính đáng là điều tốt, tức là học sinh vẫn bảo đảm kiến thức tổng hợp nhưng từng em vẫn phải thể hiện năng lực, sở trường của mình" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển 

Với những lý do trên, Thứ trưởng Hiển khẳng định: “Với việc thi ngoại ngữ như hiện nay thì chỉ mang tính hình thức. Chính vì thế Bộ không muốn đưa môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc để các nhà trường cũng như Bộ GD-ĐT có điều kiện đổi mới kiểm tra đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ trong thời gian tới cương quyết hơn, nhanh hơn. Nếu chúng ta cứ kéo dài, lấn cấn vào cách thi như hiện nay thì quá trình đổi mới sẽ chậm hơn. Ý của Bộ là như vậy chứ không phải là coi nhẹ môn Ngoại ngữ”.

Nên đưa Ngoại ngữ là môn tự chọn

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những giải thích khá chi tiết về việc không đưa Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nhưng theo PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp; dự kiến: bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 trở lên được cộng 1,0 điểm.

Dự thảo về điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT đang được
Dự thảo về điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Với quy định như vậy chắc chắn các thí sinh đều đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ để kiếm điểm cộng khuyến khích bởi nếu kết quả có kém cũng không ảnh hưởng đến việc xét tốt nghiệp. Mô hình chung chúng ta phải kéo thời gian thi sang ngày thứ 3 gây tốn kém, lãng phí.

“Theo tôi nên đưa môn Ngoại ngữ vào nhóm các môn tự chọn. Những thí sinh đạt điểm như quy định trên thì cộng điểm khuyến khích cho các em. Với cách làm này chúng ta vẫn chỉ cần tổ chức thi hai ngày và loại bớt những em không đủ năng lực ngoại ngữ nhưng vẫn cố thi để “cầu may” kiếm điểm cộng khuyến khích” – PGS Văn Như Cương đề xuất.

Cân nhắc dùng điểm trung bình cả năm lớp 12

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, điểm xét tốt nghiệp được xác định bằng: (Điểm trung bình các bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)/số bài thi. Với cách xét tốt nghiệp như vậy thì điểm trung bình cả năm lớp 12 sẽ quyết định 50%.

Nhìn thì có vẻ sẽ tạo tiền đề để bắt buộc học sinh phải học toàn diện các môn nhằm có điểm tổng kết tốt. Tuy nhiên, đây cũng là kẻ hở để “cấy” tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT nếu quá trình đánh giá thiếu khách quan. Bên cạnh đó nó còn làm mất công bằng giữa các học sinh. Chẳng hạn, trường đánh giá nghiêm túc thì học sinh sẽ bị thiệt thòi so với trường đánh giá thiếu nghiêm túc. Nguy hiểm hơn, nó có thể khiến các trường THPT chạy đua bệnh thành tích với nhau.

Sở dĩ có tính trạng này là do chúng ta chưa có một hệ thống ngân hàng đề thi. Việc kiểm tra đánh giá học sinh chủ yếu là do các trường THPT thực hiện. Chính vì thế không khó để đưa điểm tổng kết của học sinh cao lên bằng cách ra đề thi dễ đi và ngược lại.

Nhìn kỹ công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT của Bộ không khó để nhận thấy việc đưa điểm trung bình cả năm lớp 12 là không cần thiết. Chính việc không đưa vào còn có khả năng đánh giá thực chất kết quả thi hơn và học sinh bắt buộc phải cố gắng hơn.

Như chúng ta đã biết, theo quy định một trong những điều kiện để được dự thi tốt nghiệp THPT đó là học sinh có học lực không bị xếp loại kém ở năm lớp 12, nghĩa là điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 5,0 trở lên. Do đó đưa tiêu chí này vào để xét tốt nghiệp gần như và là điều vô nghĩa. Nó thực sự chỉ có nghĩa khi khâu đánh giá của học sinh là thực chất và điều này chỉ có thể làm được khi học sinh cả nước cùng dùng chung hệ thống ngân hàng đề thi.

"Giải mã" con số 20% học sinh được miễn thi thật kỹ

Tại cuộc họp báo chiều 2.1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Cơ sở để đưa ra tính toán này là để bảo đảm miễn thi cho số học sinh khá giỏi. Kinh nghiệm các năm trước hơn 20% học sinh khá giỏi, vì thế lấy 20% để bảo đảm chặt chẽ. Miễn thi để các em không phải thi bởi các em này thi chắn chắn là đỗ, chúng ta sẽ tiết kiệm được 20% phòng thi”.

Phương thức nhìn chung theo hướng tính cực nhưng dự thảo lại quy định: Trong kì thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau. Như vậy tỷ lệ miễn thi ở các trường THPT của mỗi tỉnh là khác nhau, thậm chí có trường THPT sẽ có số lượng miễn thi cao hơn nhiều so với con số 20%.

PGS Văn Như Cương cho rằng, với cách làm như vậy sẽ rất phức tạp và dễ phát sinh tiêu cực. Nói là thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án được phê duyệt nhưng liệu có đảm bảo khách quan. Chúng ta đã từng chứng kiến vụ việc tiêu cực của trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) khi mà cả Hội đồng tham gia…

“Bộ cần phải có những biện pháp kỹ thuật kết hợp khác để đảm bảo làm sao việc miễn thi tránh được tiêu cực” - PGS Cương chia sẻ.

 

 

Nên giao việc công nhận tốt nghiệp cho các trường

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, ý tưởng đổi mới của Bộ GD-ĐT không đáp ứng được những mục tiêu mà kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay cần phải có: Đảm bảo giáo dục toàn diện; Ảnh hưởng tích cực trở lại quá trình dạy học tại trường phổ thông; Sử dụng kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH.

Không nên đặt vấn đề cho học sinh miễn thi tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT đã có lộ trình bỏ ba chung thì cũng cần phải có một kỳ thi để các trường ĐH lấy đó làm căn cứ xét tuyển. Hơn nữa, chúng ta đã từng có chính sách miễn thi khiến bao nhiêu tiêu cực nảy sinh, kết cục là đã phải bỏ miễn thi.

Không nên đặt vấn đề cho học sinh miễn thi tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT đã có lộ trình bỏ ba chung thì cũng cần phải có một kỳ thi để các trường ĐH lấy đó làm căn cứ xét tuyển. Hơn nữa, chúng ta đã từng có chính sách miễn thi khiến bao nhiêu tiêu cực nảy sinh, kết cục là đã phải bỏ miễn thi.

“Để giảm áp lực cũng như giảm tiêu cực, nên giao cho các trường THPT xét công nhận tốt nghiệp. Gắn trách nhiệm của Hiệu trưởng vào nhiệm vụ này. Nếu Hiệu trưởng làm sai thì xử lý nghiêm và tôi chắc chắn khi giao cho các trường thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn con số 97-98% khi mà Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức. Sau đó, nhà nước tổ chức một kỳ thi để lấy đó làm cơ sở phân loại tốt nghiệp, đồng thời các trường ĐH có cơ sở tuyển sinh. Thí sinh dự thi không phải với mục tiêu thi đỗ, mà là để thể hiện năng lực cá nhân”, TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị.

Theo dantri.com.vn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục