BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cẩn trọng khi mua đồ hiệu online 

Cập nhật ngày: 10/07/2022 - 13:59

BTNO - Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), hiện nay, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử qua các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Facebook, YouTube, Tiktok... diễn biến phức tạp, trà trộn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm hết sức tinh vi.

Lực lượng QLTT phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh bán hàng mỹ phẩm kiêm kinh doanh online do có hành vi bán mỹ phẩm nhập lậu tại huyện Dương Minh Châu.

Riêng các hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh không còn bày bán công khai mà cất giấu kín đáo, phân tán hàng hoá vi phạm ở nhiều nơi và tổ chức vận chuyển nhỏ lẻ đến các đối tượng kinh doanh nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Dù đối tượng kinh doanh biết là hàng giả nhưng vẫn mua về để bán do lợi nhuận cao và người tiêu dùng có thu nhập thấp vẫn có nhu cầu sử dụng hàng hiệu với giá rẻ.

6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT chủ động kiểm tra, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về các điều kiện trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm, rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo...

Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, các đội QLTT đã kiểm tra 2 vụ, phát hiện 2 vụ vi phạm về buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; phạt 24 triệu đồng; buộc tiêu hủy 532 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, 59 bộ quần áo, trị giá 27,6 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ riêng lĩnh vực buôn bán hàng giả, lực lượng QLTT đã phát hiện xử lý 12 vụ; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xuất 25 vụ; kinh doanh về nhãn hàng hoá là 24 vụ...

Không khó để tìm những địa chỉ quảng cáo hàng xách tay, hàng hiệu với đủ giá trên mạng xã hội Facebook.

Số liệu trên đã cho thấy, nắm được tâm lý thích xài hàng hiệu, hàng xách tay có giá bình dân của một bộ phận người dân,  ngày càng có nhiều đối tượng kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo ông Châu Thanh Long – Cục trưởng Cục QLTT, Tây Ninh có đường biên giới dài và giáp ranh với các tỉnh như Long An, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, là địa bàn trọng điểm trung chuyển hàng hoá từ nước bạn sang các tỉnh lân cận qua tuyến đường bộ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng để hoạt động vận chuyển, mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm vào thị trường nội địa.

Hàng hoá được quảng cáo, giao dịch mua bán qua các trang mạng xã hội, website thương mại; hàng hoá được đặt mua từ các trang website nước ngoài, sau đó được xách tay hoặc qua dịch vụ vận chuyển hàng hoá; hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được trà trộn với hàng hoá nhập khẩu hợp pháp, hàng thật nên khó khăn trong việc phát hiện, kiểm tra.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ công chức QLTT chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực thương mại điện tử, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, Cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường nắm chắc địa bàn, để có những giải pháp kịp thời phát hiện những vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử, các hộ kinh doanh hàng hoá có dấu hiệu kinh doanh hàng nhái, hàng giả mạo sản phẩm.

Thế Nhân