Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng chống cháy chợ dịp cận tết:
Cẩn trọng không thừa!
Thứ sáu: 14:55 ngày 05/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cuối năm, tại các chợ, nhu cầu mua bán tăng cao, lượng hàng hoá được tích trữ, tập trung nhiều hơn. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, đẩy mạnh công tác PCCC tại khu vực chợ để bảo đảm tài sản và tính mạng cho nhân dân.

Nhắc nhở tiểu thương bảo đảm an toàn khi sử dụng hệ thống điện.

Thực tế, tết là thời điểm các hộ kinh doanh trong chợ nhập và tiêu thụ số lượng hàng hoá lớn. Những mặt hàng dễ cháy như giấy, vải, giày dép, quần áo bố trí san sát nhau, che kín lối đi. Một số chợ tạm, chợ cóc nằm xen lẫn trong khu dân cư có hệ thống điện chắp vá, không bảo đảm an toàn, thiếu hoặc không có lực lượng, phương tiện PCCC. Hộ kinh doanh chủ quan, mất cảnh giác, tự câu, móc điện, sử dụng các thiết bị đóng ngắt chưa phù hợp, hàng hoá xếp đè lên hệ thống dây dẫn.

Chị H.T.T, ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh cho biết, “một số chợ tạm hệ thống dây dẫn điện đã cũ, bị xuống cấp. Có nơi còn tự ý lắp thêm các thiết bị chiếu sáng, quạt… không theo thiết kế ban đầu, dễ dẫn đến quá tải, chập điện. Nếu xảy ra hoả hoạn, thiệt hại sẽ rất lớn, bởi hàng hoá, tài sản ở đây đều là vật dễ bắt lửa, cháy nhanh, dù nhanh chóng tập trung lực lượng ứng cứu vẫn khó gây thiệt hại nặng nề”.

Cùng quan điểm, anh T.V.Q (ngụ thị xã Hoà Thành) cho biết: “Nhiều tiểu thương chưa ý thức được sự nguy hiểm của hoả hoạn, trưng bày hàng hoá tràn lan, gây cản trở khi sự cố phát sinh. Chưa kể, lượng người đi chợ vào thời điểm giáp tết khá đông, hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục, nhu cầu sử dụng lửa, điện tăng cao trong khi điều kiện về an toàn PCCC chưa bảo đảm chính là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ”.

Để phòng chống cháy nổ, Ban quản lý các chợ đã tăng cường lực lượng kiểm tra, theo dõi tình hình mua bán. Công tác phòng cháy được các đơn vị đặc biệt quan tâm, thành lập và củng cố Đội PCCC cơ sở, đầu tư trang thiết bị tương đối hoàn chỉnh.

Đến chợ Thành phố Tây Ninh những ngày này dễ nhận thấy không khí mua bán tấp nập. Đây cũng là điều kiện dễ phát sinh các tình huống cháy nổ nếu có sơ suất. Ông Ngô Anh Quyền – Phó Trưởng Ban quản lý chợ Thành phố cho biết, chợ có diện tích 10.050 mét vuông, có khoảng 726 cơ sở kinh doanh. Một số hộ kinh doanh trong chợ lấn chiếm lối đi và che thêm tay nhánh để treo hàng hoá gây cản trở lưu thông và ảnh hưởng đến công tác PCCC.

Công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ luôn được Ban quan lý chợ chú trọng. Đơn vị nhắc nhở, lập biên bản giải quyết các hộ kinh doanh lấn chiếm lối đi, che thêm tay nhánh để treo hàng hoá; bảo đảm việc câu móc điện đúng quy định; vận động tiểu thương và người dân đến chợ chấp hành tốt công tác PCCC.

Bố trí bình chữa cháy tại khu vực trung tâm của chợ.

Ban Quản lý chợ Thành phố duy trì tập dợt các thao tác sử dụng phương tiện PCCC, kiểm tra thường xuyên đối với tiểu thương, yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để mọi người thấy được tầm quan trọng của công tác phòng cháy. Đơn vị tăng cường kiểm tra hệ thống chống sét, vận hành máy bơm chữa cháy, thực tập các thao tác cho lực lượng tại chỗ.

Phó Trưởng Ban quản lý chợ Thành phố cho biết, “với quyết tâm bảo đảm an toàn, không để cháy nổ xảy ra, đơn vị tăng cường kiểm tra việc thời cúng vào mùng 2, 16 âm lịch và những ngày lễ tết. Bố trí bình chữa cháy tại 2 khu vực trong lồng chợ và văn phòng Ban quản lý. Hàng tuần, lực lượng bảo vệ tổ chức kiểm tra từng hộ kinh doanh về ý thức chấp hành PCCC, riêng dịp tết nguyên đán sẽ kiểm tra, nhắc nhở liên tục.

Chợ phường 3 (TP.Tây Ninh) có khoảng 300 hộ kinh doanh với đầy đủ các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Những ngày giáp tết, tiểu thương tích trữ hàng hoá khá nhiều, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập. Ông Nguyễn Hữu Phong- Trưởng Ban quản lý chợ cho biết, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng hàng nhập về chợ chỉ bằng một nửa những năm trước. Tuy nhiên, Ban quản lý chợ vẫn đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy, không lơ là, chủ quan.

Đơn vị cho các hộ kinh doanh cố định ký cam kết chấp hành tốt nội quy, trong đó có việc bảo đảm an toàn PCCC. Để phục vụ nhu cầu mua bán liên tục của tiểu thương trong dịp tết, từ ngày 20 đến 30 âm lịch, Ban quản lý chợ cho mở hệ thống điện liên tục, cử lực lượng trực xuyên suốt, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định, không đốt vàng mã.

“Các tiểu thương đã nhận thức tốt hơn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Lực lượng chữa cháy tại chỗ được thực tập thường xuyên, có khả năng xử lý sự cố ban đầu. Tuy nhiên, để ngăn chặn cháy nổ có hiệu quả, nhất là vào dịp cuối năm, mọi người phải luôn có ý thức phòng cháy là trên hết”, ông Nguyễn Hữu Phong cho biết thêm.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết, việc xây dựng hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá nhanh, nhu cầu mua bán hàng hóa tăng cao- nhất là dịp Tết Nguyên đán. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có trên 100 chợ các loại, trong đó có nhiều chợ truyền thống, nhỏ, lẻ, cơ sở vật chất xuống cấp. Việc bảo đảm an toàn PCCC cho các cơ sở này rất quan trọng và cần thiết.

Trước Tết Nguyên đán, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung toàn lực lượng, tăng cường tuyên truyền, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông xây dựng và phát tin, bài tuyên truyền, phóng sự cảnh báo nguy cơ cháy nổ, kỹ năng thoát nạn trong đám cháy.

Kiểm tra máy bơm chữa cháy.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra tại chợ, mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp đã quy định. Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong lồng chợ.

Niêm yết nội quy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Không thắp đèn, nến, hương và đốt vàng mã trong chợ. Tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh, chiếu sáng bảo vệ, phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho toàn bộ hệ thống điện, từng tầng, nhánh, ngành hàng và quầy, sạp của hộ kinh doanh.

Tiểu thương cần để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, bảng điện tối thiểu 0,5 m; không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn trên cùng một ổ cắm; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm.

Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa ngành hàng, dãy hàng dễ cháy. Không làm thêm mái che, bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ.

Ngoài việc tăng cường công tác phòng chống của lực lượng chức năng, ý thức tự phòng, tự quản của người dân và bà con tiểu thương giữ vai trò quan trọng, góp phần hạn chế rủi ro, thiệt hại về tài sản, tính mạng con người do cháy nổ gây ra.

Phương Thảo

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục