BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cẩn trọng với “bẫy” vay tiền trực tuyến 

Cập nhật ngày: 15/08/2022 - 16:33

BTNO - Vay tiền qua ứng dụng trực tuyến là hình thức vay khá phổ biến, thông qua các trang website, sàn giao dịch trực tuyến hoặc ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động với những thao tác hết sức đơn giản.

Ông P.V.V nhận được hàng loạt email có nội dung quảng cáo cho vay tiền.

Theo đó, người dân không cần thế chấp, không cần tài sản bảo đảm mà chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, hình ảnh, CMND/CCCD là sẽ nhận được tiền. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số đối tượng đã thực hiện nhiều chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng cho vay tiền, gây hệ luỵ khôn lường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

Chị K.T (ngụ huyện Châu Thành) chia sẻ, trước đó, thấy trên điện thoại có tin nhắn quảng cáo cho vay tiền không cần thế chấp tài sản, lãi suất thấp; người vay chỉ cần cung cấp số CMND/CCCD và sổ hộ khẩu bằng cách nhắn tin là vay được. Do có nhu cầu vay tiền giải quyết khó khăn, chị đã nhắn tin đăng ký vay tiền.

Sau đó, chị nhận nhận cuộc gọi xưng là nhân viên ngân hàng quốc tế, đồng ý cho chị T vay tiêu dùng không thế chấp với mức từ 60 -80 triệu đồng, lãi suất chỉ 1%/tháng. Nếu muốn nhận tiền nhanh, chị chỉ cần xác nhận lại thông tin, nhân viên sẽ làm hồ sơ và chị T phải trả phí hơn 1,5 triệu đồng, sau 2, 3 ngày là nhận tiền.

Tuy nhiên, sau khi nộp phí, chị T không hề nhận được bất kỳ số tiền vay nào. Chị T liên tục gọi điện vào số điện thoại của người tự xưng là nhân viên ngân hàng quốc tế nhưng không ai nghe máy. Lúc này, chị T mới biết mình bị lừa.

Ông P.V.V (ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) cho biết, khoảng 1 tuần nay, ông đã nhận khoảng 10 e-mail quảng cáo có nội dung cho vay tiền với thủ tục đăng ký nhanh chóng, đơn giản, lãi suất thấp. “Tôi thấy rất phiền khi nhận được những e-mail có nội dung như vậy.

Đây là e-mail chính thức, có bảo mật mà còn như vậy, chưa kể trên các nền tảng số khác, như Zalo, Facebook… thì không biết như thế nào? Điều đáng nói, nội dung cho vay tiền hấp dẫn, thử hỏi với những người đang thiếu tiền hay cần vay tiền nhanh… làm sao tránh khỏi cạm bẫy. 

Đã có biết bao câu chuyện khóc dở, chết dở từ việc vay tiền qua ứng dụng trực tuyến. Người nhận được tiền vay, phải trả nợ (dù là lãi suất cao) đã đành. Còn có nhiều trường hợp, bị lừa chưa nhận được tiền mà vẫn bị “ghi nợ”, thế mới oan” - ông V nói.

Còn chị Đ.T.T.H (ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) cho hay, chị chưa từng thực hiện vay tiền ở bất cứ tổ chức tính dụng nào, nhưng bị một số tài khoản ảo vào bình luận trên trang Facebook cá nhân của chị với nội dung bêu xấu, vu khống chị vay tiền nhưng không trả. 

“Việc bị đăng ảnh đòi nợ lên Facebook khiến công việc và cuộc sống của tôi cũng ít nhiều bị xáo trộn, uy tín, danh dự bị ảnh hưởng. Ngày nào tôi cũng nhận được hàng chục tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm từ người thân, bạn bè” - chị H bức xúc cho biết.

Người dân cần cẩn thận với hình thức cho vay tiền trên các trang mạng.

Trước đó, Bộ Công an khuyến cáo khi vay tiền qua ứng dụng trực tuyến, để bảo đảm quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền trực tuyến chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện ứng dụng cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua ứng dụng trực tuyến.

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các ứng dụng trực tuyến cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. 

Theo khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tại khoản 3 Điều 201, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Đối với hành vi gọi điện đe doạ, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan Công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan Công an xác minh, điều tra, xử lý.

Ngoài ra, việc vay tiền thực chất là giao dịch vay tài sản được ghi nhận tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay theo đúng số lượng, chất lượng, lãi suất cho vay (nếu có thoả thuận) khi đến hạn trả. 

Do đó, dù thực hiện vay trực tiếp hay vay online qua ứng dụng trực tuyến, bên vay đều phải có nghĩa vụ trả lại đúng số tiền đã vay khi đến hạn trả. Vì vậy, hành vi không trả tiền khi vay tiền trực tuyến qua các ứng dụng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, người vay thậm chí có thể bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thiên Di