Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết
Thứ sáu: 08:42 ngày 19/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một số đối tượng đánh vào tâm lý của người muốn đổi tiền mới dịp Tết để thực hiện hành vi lừa đảo.

Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc cho biết dịp cuối năm, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới rất nhộn nhịp. Lợi dụng thời cơ đó, một số đối tượng đã dùng một số chiêu trò lừa đảo, một số nạn nhân đã bị mất tiền khi thực hiện các giao dịch đổi tiền mới.

Dịch vụ đổi tiền tràn lan trên mạng

Anh Phan Thành (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết do có nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết, anh Thành đã lên mạng tìm hiểu và biết được một nhóm chuyên dịch vụ đổi tiền.

Do có nhu cầu sử dụng trong dịp Tết sắp đến, anh Thành muốn đổi tờ 500.000 đồng thành 500 tờ mệnh giá 1.000 đồng. Khi trao đổi trên nhóm, người đổi tiền yêu cầu anh chuyển khoản 550.000 đồng bao gồm phí đổi. Do họ không cho kiểm hàng nên đến ngày nhận anh chỉ lấy hàng, sau đó mới kiểm tra.

“Lúc kiểm tra tôi mới phát hiện cọc tiền bị rút ruột, chỉ có khoảng 200 tờ 1.000 đồng, còn lại là giấy trắng trong lõi. Tôi vội liên lạc với tài khoản đã trao đổi thì bị họ chặn liên hệ” - anh Thành nói.

Tương tự, chị NTC (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng lên mạng tìm đổi tiền mới với số tiền hơn 2 triệu đồng.

Người dân không nên tin vào các quảng cáo đổi tiền lẻ, tiền mới trên các trang mạng xã hội. Ảnh: HUỲNH THƠ

“Muốn có tiền mới để lì xì dịp Tết nên tôi lên mạng tìm kiếm dịch vụ đổi tiền. Sau khi tìm được một nhóm và được một tài khoản giới thiệu đổi tiền với chi phí khá rẻ, tôi đổi 2 triệu đồng thành 100 tờ 20.000 đồng và chỉ mất 100.000 đồng tiền phí. Sau đó, họ yêu cầu tôi phải chuyển 200.000 đồng (20% tiền đổi) để đặt cọc, không nghĩ ngợi nhiều, tôi đã chuyển cho họ. Thế nhưng sau khi chuyển tiền thì họ ngay lập tức chặn liên hệ với tôi” - chị C. nói.

Ngoài những rủi ro trên, người có nhu cầu đổi tiền mới còn có thể bị đổi phải tiền giả vào dịp cuối năm.

Chị Thanh Trúc (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết cũng vì tin vào quảng cáo hấp dẫn trên mạng như tiền thật 100%, nguyên niêm phong của ngân hàng, nguyên cọc, giao hàng nhanh, đủ mệnh giá, đẹp lung linh, an toàn…, chị không chỉ bị mất phí đổi tiền mà còn nhận về tiền giả.

“Mọi người không nên tin vào những quảng cáo trên mạng về các dịch vụ đổi tiền mới, kiểu nào thì người đổi cũng sẽ bị thiệt” - chị Trúc nói.

Dịch vụ đổi tiền trên mạng có nhiều rủi ro

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, cho biết những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền.

Thực tế đã có không ít người thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả.

Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý của người muốn đổi tiền để thực hiện hành vi lừa đảo. Đa số đối tượng khi nhận được tiền thật của người có nhu cầu đổi tiền liền chặn liên lạc và “lặn” mất tăm.

Ông Minh cũng cho biết thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không ai trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.

“Hiện nay, theo quy định của pháp luật, cả người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự với các mức phạt tù khác nhau mà không phụ thuộc vào mệnh giá, giá trị tiền để mua bán” - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cũng cho biết nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao.

Do đó, NHNN luôn có chỉ đạo kịp thời các NHNN chi nhánh tỉnh, TP và các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh toán; công tác tiền tệ - kho quỹ. Mục đích đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa - tiền tệ. Đồng thời nâng cao chất lượng tiền cho lưu thông; thu đổi và tuyển lựa tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

“Chỉ có NHNN chi nhánh tỉnh, TP và các tổ chức tín dụng mới được phép thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Vì vậy, mọi hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch; trao đổi tiền trên mạng không được phép đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh” - ông Lệnh cho hay.

Năm cách kiểm tra, nhận biết tiền thật - giả

Theo NHNN Việt Nam, có năm cách để kiểm tra, nhận biết tiền thật - giả.

Cách 1: Soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị.

Cách 2: Vuốt nhẹ tờ tiền kiểm tra các yếu tố in lõm.

Cách 3: Chao nghiêng tờ tiền kiểm tra mực đổi màu (OVI), IRIODIN; hình ẩn nổi.

Cách 4: Kiểm tra các cửa sổ trong suốt.

Cách 5: Dùng kính lúp, đèn cực tím.

Trong đó, cách 2 vuốt nhẹ tờ tiền (kiểm tra các yếu tố in lõm) là cách thông dụng và được nhiều người sử dụng. Chỉ cần vuốt nhẹ tờ tiền ở các yếu tố in lõm sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in.

Trong khi ở tiền giả, vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật. PV

Nguồn PLO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục