Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cẩn trọng với hàng đa cấp
Thứ sáu: 17:39 ngày 10/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong hệ thống bán hàng đa cấp thường có nhiều “chiêu trò” để thổi phồng giá trị thực của sản phẩm. Hiện bán hàng đa cấp đang nở rộ tại Tây Ninh và có không ít người tham gia vào các mạng lưới này. Một trong những loại sản phẩm được phân phối theo phương thức bán hàng đa cấp phổ biến nhất hiện nay là thực phẩm chức năng.

Đoàn kiểm tra tiến hành thanh, kiểm tra một điểm kinh doanh hàng đa cấp trên đường Trần Quốc Toản, khu phố 2, phường 2, TP Tây Ninh.

Tại điểm kinh doanh hàng đa cấp trên đường Trần Quốc Toản (khu phố 2, phường 2, TP Tây Ninh) có sản phẩm Herbalife được thành viên, hội viên cho là thần dược. Chị A.Đ nhà ở Ninh Sơn, TP Tây Ninh là hội viên đang dự hội thảo tại cơ sở cho biết, cách đây 2 năm, chị bị béo phì, tiểu đường và nhiều bệnh trong người khiến chị phải đi bệnh viện nhiều lần, uống nhiều thuốc vẫn không khỏi.

Từ khi được sự giới thiệu của người thân, chị bỏ ra 187.000 đồng để làm thẻ thành viên và 1,35 triệu đồng để được tư vấn và sử dụng bộ sản phẩm Herbalife. Sau một thời gian ngắn sử dụng, người chị giờ rất thon gọn, da hồng hào đầy sức sống.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế, thực phẩm chức năng chỉ dùng để hỗ trợ chức năng những cơ quan, bộ phận trong cơ thể, có tác dụng cung cấp dinh dưỡng, tạo tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bệnh, chứ thực phẩm chức năng không thể thay thế những nguồn dinh dưỡng tự nhiên và càng không thể thay thế thuốc chữa bệnh.

Nếu dùng quá nhiều thực phẩm chức năng, kéo dài liên tục, không những tốn kém tiền bạc, mà còn có hại cho cơ thể như: rối loạn quá trình đồng hoá trao đổi chất do liên tục phải tiếp nhận dư thừa nhiều loại chất bổ và chất dinh dưỡng; làm tăng mỡ máu, tăng đường huyết, gây hại đến nhiều cơ quan, bộ phận, đẩy nhanh quá trình lão hoá của cơ thể...

Thế nhưng, hầu hết các loại sản phẩm được bán bằng hình thức này- từ hàng tiêu dùng đến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… đều có giá rất cao. Chẳng hạn như tại cơ sở kinh doanh M. (khu phố 1, phường 1, TP Tây Ninh), hộp tổ yến chưng của Everrich có giá 8 triệu đồng; tại cơ sở P. (phường 3, TP Tây Ninh), bộ sản phẩm “Máy tạo khí Ozone và Ion âm” có giá 15,2 triệu đồng, hộp thực phẩm chức năng “Tổ hợp dinh dưỡng toàn diện dành cho trẻ em” có giá 8 triệu đồng, trà rau trái cây hoà tan có giá 14 triệu đồng/hộp... Đáng chú ý là các sản phẩm này đều không niêm yết giá theo đúng quy định.

Được biết, để trở thành nhà phân phối của mạng lưới bán hàng đa cấp, mỗi tháng các thành viên bắt buộc phải mua một bộ sản phẩm với giá từ 2- 5 triệu đồng, thậm chí có loại lên vài chục triệu đồng.

Do vậy, tuy mức hoa hồng của các thành viên khá cao, nhưng họ phải bỏ tiền túi mua nhiều sản phẩm với giá không hề rẻ. Để khỏi bị “ôm vốn”, nhiều người phải ngược xuôi tìm mối bán hàng, họ dùng mọi phương thức để lôi kéo những “nhà phân phối” mới, hoặc người tiêu thụ sản phẩm.

Chị N.T.T- một nhân viên văn phòng ở TP Tây Ninh kể, chị cũng là nạn nhân của hệ thống bán hàng đa cấp. Nghe bạn bè giới thiệu kinh doanh đa cấp dễ kiếm tiền, bán sản phẩm được càng nhiều thì chiết khấu càng cao. Thấy hấp dẫn, chị bỏ ra mấy chục triệu đồng mua sản phẩm, làm tuyến dưới của một chị bạn thân với ý định kiếm thêm thu nhập.

Nhưng vô làm rồi mới biết, bán được sản phẩm không hề đơn giản, giá cả sản phẩm lại quá cao. “Hơn 2 tháng tôi không bán được sản phẩm nào, nên đến giờ vẫn ôm cục nợ, mà sản phẩm đã gần hết hạn sử dụng. Giờ tôi không biết xử lý đống hàng này như thế nào”- chị N.T.T than thở.

Trên lý thuyết, bán hàng đa cấp là một cách tiếp thị và bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thay vì để khách hàng tự nguyện mua, sử dụng và đánh giá về sản phẩm, người bán lại có nhiều “chiêu trò” để thuyết phục khách mua hàng.

Thêm nữa, họ chỉ muốn bán được nhiều sản phẩm, kiếm được nhiều lợi nhuận, chứ không hề quan tâm đến chất lượng hàng hoá bán ra, giá cả có phù hợp hay không. Nếu khách hàng không hài lòng với sản phẩm, họ cũng không cho đổi trả, mặc dù trong hợp đồng có ghi rõ “Yêu cầu trả hàng được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày “nhà phân phối” nhận hàng”.

Theo Sở Công Thương, trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính, hoặc bán hàng đa cấp khi chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

THANH NHI

Tin cùng chuyên mục