BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cẩn trọng với nguy cơ cháy rừng 

Cập nhật ngày: 08/03/2019 - 21:52

BTN - Hiện nay, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng đang ở cấp độ 5- cấp cực kỳ nguy hiểm, vì vậy công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Đốt chủ động những nơi nhiều cỏ khô để hạn chế nguy cơ cháy rừng.

Rừng phòng hộ Dầu Tiếng

Có dịp theo chân các nhân viên Đội Bảo vệ rừng của khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu) đi tuần tra trong khu rừng rộng hơn 33 ngàn ha này, mới nhận ra nguy cơ “bà hoả” viếng thăm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không khí nóng hầm hập. Lá khô rụng đầy mặt đất, ven đường nhiều cỏ khô… Tất cả những yếu tố đó cộng với việc sơ suất khi đốt ong lấy mật hay nấu nướng thức ăn trong rừng đều có thể dẫn đến khả năng phát hoả trong rừng.

Ông Vũ Anh Đức- Phó Giám đốc Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, khó khăn chủ yếu là địa bàn quản lý rộng, địa hình chia cắt, nhiều khu dân cư sống ven rừng, gần rừng nên các hoạt động tác động tiêu cực vào rừng là rất lớn. Tình hình bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây không đúng mục đích tồn tại nhiều năm chưa xử lý triệt để.

Các đối tượng phá rừng làm rẫy ngày càng manh động, thực hiện hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, người dân sinh sống đan xen trong rừng, ra vào thường xuyên; cùng với một số đối tượng lén đốt rừng để lấỵ đất sản xuất, gây nhiều khó khăn cho công tác PCCCR.

Để công tác PCCCR có hiệu quả, từ đầu mùa khô, BQL tăng cường tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện, niêm yết thông báo về chấp hành các quy định của Nhà nước về Bảo vệ và PCCCR tại UBND các xã, trụ sở các ấp, các chốt, trạm bảo vệ rừng; bố trí thêm phương tiện, bồn chứa nước, dụng cụ PCCCR ở các chốt trạm, đội quản lý bảo vệ rừng (BVR), đồn, chốt biên phòng, chốt dân quân, Ban CHQS các xã có rừng; tiếp tục xử lý đốt chủ động tại các điểm đã có kế hoạch, tạo đường băng trắng khu vực ven đường, ven trảng đảm bảo không để cháy lây lan vào rừng; kiểm tra nhắc nhở các hợp đồng nhận khoán thực hiện xử lý thực bì cục bộ ở bờ lô, bờ ranh, những nơi còn có khả năng xảy ra cháy. Mỗi chốt trạm BVR đều bố trí  nhân viên trực phòng chống cháy 24/24 giờ; duy trì thuê mướn công lao động tham gia trực phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn ấp Con Trăn.

Đến thời điểm ngày 4.3, dù chưa xảy ra vụ cháy rừng nào nhưng thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài, vẫn có thể xảy ra cháy rừng ở những nơi có nhiều lá khô lẫn với cỏ tranh, cỏ mỹ (rừng trồng) và các trảng cỏ, le, cây bụi, dây leo, cây mục (rừng tự nhiên). Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân, như vứt tàn thuốc lá trong rừng, phá rừng, đốt để làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã, đốt lửa để bắt ong, chăn thả gia súc trong rừng.

Đáng ngại nhất là có trường hợp đốt để phá. Các đối tượng này thường cho người canh đường, theo dõi hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng. Chúng thực hiện phá rừng bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, như: khoanh gốc cây rừng, bơm thuốc làm cho cây chết khô, sau đó châm lửa đốt cháy để lấn đất rừng làm nương rẫy.

Từ thực tế nêu trên, Ban Quản lý rừng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham gia phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý rừng xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hợp đồng trồng rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật vệ bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động đặc thù trong công tác PCCCR hằng năm cho đơn vị.

UBND huyện Tân Châu quan tâm chỉ đạo UBND các xã có rừng, các phòng chuyên môn của huyện thường xuyên hỗ trợ cho Ban Quản lý rừng trong công tác PCCCR. Chi cục Kiểm lâm bố trí lực lượng thường trực hỗ trợ Ban Quản lý rừng tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng, phá rừng và bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc

Tương tự, BQL rừng VH-LS Chàng Riệc cũng đang căng thẳng với công tác PCCCR trong mùa khô năm nay. Trưa 5.3, khi chúng tôi đến đây, thấy một tốp nhân viên bảo vệ rừng đang chủ động đốt những đám cỏ ven đường để tạo hành lang an toàn cho đường băng cản lửa, phòng khi hoả hoạn xảy ra, tránh lây lan theo diện rộng. Ngay khi các nhân viên đốt cỏ, một chiếc xe máy cày chở bồn nước theo sát đám cháy và một nhân viên khác chủ động xịt nước để hạn chế lửa cháy lan vào rừng. Công việc cứ diễn ra thận trọng từng mét một để có một đường băng cản lửa và hành lang an toàn cho đám rừng nguyên sinh.  

Ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc Ban Quản lý khu rừng VH-LS Chàng Riệc chia sẻ, tuyên truyền giáo dục được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ban Chỉ huy PCCCR, Ban Quản lý khu rừng VH-LS Chàng Riệc phối hợp cùng Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã, thủ trưởng các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp dân ở địa phương, đặc biệt là số hộ dân đang sống trong và gần rừng theo những nội dung chính như: các văn bản pháp luật, ý thức trách nhiệm khi sử dụng lửa ven rừng, trong rừng vào các tháng cao điểm mùa khô, tác hại của cháy rừng ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống; tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR; biển cấm lửa và biến báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; in ấn và phát hành các tài liệu phổ biến về PCCCR.

Ban Quản lý khu rừng VH-LS Chàng Riệc phối hợp với đội PCCC&CNCH khu vực Tân Châu - Tân Biên tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật PCCCR, nghiệp vụ quản lý lửa rừng cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác PCCCR thuộc lực lượng của Ban Quản lý và các chốt dân quân du kích, biên phòng đóng trên địa bàn.

Triển khai các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, đảm bảo hoàn thành trước mùa khô hằng năm, xây dựng đường băng cản lửa. Việc xây dựng các đường băng cản lừa nhằm chia nhỏ diện tích tại các vùng trọng điểm dễ cháy bằng các băng trắng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chữá cháy rừng; giao các Đội PCCCR tổ chức thực hiện vào đầu mùa khô với tổng diện tích các tuyến hơn 53ha; chủ động đốt ven đường, ven rừng từ 10 đến 20m, đốt cục bộ dưới tán rừng, các trảng cỏ vào thời điểm thích hợp như ban đêm hoặc sáng sớm lúc gió nhẹ để không ảnh hưởng đến số cây tái sinh, đặc biệt là rừng khộp.

Hằng năm, trước khi vào mùa khô, Ban Quản lý khu rừng VH-LS Chàng Riệc xây dựng phương án PCCCR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các đơn vị phối họp căn cứ vào phương án được duyệt và tình hình thực tế tại đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác PCCCR của đơn vị. Các đơn vị phối hợp chủ động rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR, chống phá rừng của các đơn vị đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả công tác PCCCR, chống phá rừng trên địa bàn.

Thủ trưởng các đơn vị tham gia phối hợp chủ động tổ chức rà soát, kịp thời bổ sung quân số sẵn sàng làm nhiệm vụ PCCCR, chống phá rừng khi có yêu cầu. Xây dựng lịch trực cháy rừng, có sổ nhật ký theo dõi cháy rừng; đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong đơn vị. Xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện công tác PCCCR tại cơ sở để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong thực hiện PCCCR trên địa bàn.

Trong những tháng cao điểm của mùa khô, Ban Quản lý và các đơn vị phối hợp PCCCR tổ chức trực 24/24 giờ; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng. Lực lượng kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng, dân quân tự vệ, các lực lượng khác trên địa bàn tổ chức kiểm tra, truy quét những tổ chức, cá nhân phá rừng.

Khi phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng cùng tang vật, lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng, dân quân tự vệ bắt giữ người, thu giữ tang vật, bảo vệ hiện trường, báo cáo cơ quan chức năng giải quyết. Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng PCCC của Ban Quản lý phải chủ động chữa cháy.

Khi cần phải huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, ban lãnh đạo Ban Quản lý thông báo đến ƯBND các xã trên địa bàn, các đồn Biên phòng và các đơn vị đóng trú trên địa bàn để điều động lực lượng, phương tiện phối hợp tham gia chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng. Tất cả các phưorng tiện, thiết bị, dụng cụ PCCCR phải được thường xuyên kiểm tra, duy trì, sẵn sàng triển khai khi có cháy rừng trong suốt những tháng mùa khô.

Hiện nay đang giữa mùa khô, nhưng phải đến tháng 4 mới thật sự là đỉnh điểm của nắng nóng. Vì vậy, đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp phải hết sức tập trung đối với công tác PCCCR, tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

Đại Dương