BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần xem xét quyền lợi người hợp đồng bảo vệ rừng khi giao đất rừng về địa phương quản lý

Cập nhật ngày: 30/11/2015 - 12:30

Theo đơn, ngày 31.8.1996, chồng bà Tính là ông Trần Ngọc Sang ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với Công ty Cao su 1.5 Tây Ninh. Theo đó, ông Sang được công ty giao bảo vệ diện tích 14,83 ha rừng tại dự án cao su Tân Đông, huyện Tân Châu.

Hợp đồng ghi rõ bên ông Sang được trồng xen các loại hoa màu, các loại cây họ đậu, mì trên đất rừng được giao khoán. Sau đó, công ty yêu cầu ông Sang ký hợp đồng liên kết trồng xen cây keo trên diện tích 14,83 ha này từ năm 2003. Hai bên cũng thống nhất, sau khi trừ đi chi phí và lãi ngân hàng, mỗi bên hưởng 50% giá trị cây trồng.

Năm 2014, Công ty Cao su 1.5 Tây Ninh tiến hành bán cây keo trồng xen trên đất giao cho ông Sang nhận khoán, được trên 548 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí là trên 24,3 triệu đồng, Công ty Cao su 1.5 Tây Ninh chỉ chia cho ông Sang 137,5 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu tính 50% giá trị như thoả thuận trong hợp đồng thì ông Sang được hưởng trên 261,8 triệu đồng. Giải thích việc này, Công ty cho rằng công ty phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, thuế thu nhập cá nhân 10% và chịu luôn thuế sử dụng đất.

Bà Nguyễn Kim Tính cho rằng, cách tính như trên là chưa hợp lý nên bà khởi kiện tại TAND thành phố Tây Ninh. Sau đó, bà Tính đề nghị với công ty cho bà tiếp tục trồng xen cây mì trên đất như hợp đồng ban đầu đã ký kết.

Ngày 17.3.2015, Công ty Cao su 1.5 Tây Ninh gửi công văn cho bà Tính cho biết, hiện nay, UBND tỉnh chủ trương không cho phép canh tác xen cây hoa màu trên đất rừng, nên không đồng ý. Bà Tính cho rằng, hợp đồng giao khoán có ghi “được trồng xen cây hoa màu, các loại cây họ đậu, mì” đến năm 2046, nay UBND tỉnh có chủ trương không cho trồng xen, gây thiệt hại cho bà.

Vấn đề này, đại diện Công ty Cao su 1.5 Tây Ninh cho biết, theo hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng giữa công ty và ông Trần Ngọc Sang, công ty liên kết trồng xen cây rừng với ông Sang đến ngày 31.12.2014. Quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đã tiến hành bán đấu giá cây keo, có sự tham gia và thống nhất của bà Tính.

Ngày 24.4.2015, Cục Thuế Tây Ninh có Công văn số 1629/CT-TTHT thông báo một số nội dung liên quan đến việc nộp thuế từ kết quả hợp tác kinh doanh, công ty đã thông báo cho bà Tính rõ về những chi phí đầu tư, trong đó có việc thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng bà Tính không đồng ý nên khởi kiện ra toà. Vì vậy, việc chia lợi nhuận 50% từ số cây keo đã bán đấu giá, công ty đang chờ kết quả của toà án.

Vấn đề bà Tính đề nghị tiếp tục trồng cây hoa màu xen đất rừng, theo chủ trương chung của tỉnh, công ty đã có đề án giao lại đất rừng cho địa phương quản lý, nên cũng không có thẩm quyền tiếp tục ký hợp đồng giao khoán bảo vệ đất rừng cho gia đình bà Tính nữa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 20.11.2015, TAND thành phố Tây Ninh đã đưa vụ án bà Tính kiện Công ty Cao su 1.5 Tây Ninh ra xét xử. Kết quả, TAND thành phố Tây Ninh tuyên: không chấp nhận Công ty Cao su 1.5 tính thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, thuế thu nhập cá nhân 10% trong việc chia lợi nhuận từ việc trồng cây keo. Toà chỉ chấp nhận nội dung công ty thuê đất UBND tỉnh với giá 500.000đ/ha.

Bên cạnh đó, bà Tính có gửi đơn khiếu nại đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, đơn vị này đã chuyển đơn đến Công ty Cao su 1.5 Tây Ninh. Ngày 18.11.2015, công ty này có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bà Tính với nội dung:

“Theo quyết định 2496/QĐ-UBND ngày 2.11.2015 của UBND tỉnh phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới Công ty TNHH MTV Cao su 1.5 Tây Ninh, phần diện tích 6,5 ha đất trước đây công ty ký hợp đồng thực hiện liên kết trồng xen cây rừng với ông Trần Ngọc Sang nằm trong phần diện tích rừng sản xuất (33,18 ha) thuộc diện tích đất thu hồi giao về địa phương quản lý.

Như vậy, phần diện tích ông Sang đã thực hiện trồng xen, sau khi đã thanh lý cây trồng xen, công ty sẽ giao về địa phương quản lý. Do đó, công ty không có thẩm quyền tiếp tục tái ký hợp đồng với bà Nguyễn Kim Tính”.

Không đồng ý với nội dung trả lời trên, bà Tính gửi đơn đến UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh yêu cầu cho biết UBND tỉnh Tây Ninh có chủ trương thanh lý hợp đồng giữ rừng trước thời hạn hay không? Bà Tính cũng phản ánh: Hiện nay hợp đồng giữ rừng giữa công ty với người dân chưa được thanh lý, vậy quyền và nghĩa vụ của người dân cũng như của công ty đã ký kết trong hợp đồng có phải tiếp tục thực hiện hay không? 

Công tác quản lý, bảo vệ đất rừng cần phải thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, qua trường hợp gia đình bà Tính- ký hợp đồng với Công ty Cao su 1.5 Tây Ninh thời gian từ năm 1996 đến năm 2046, được trồng xen các loại cây hoa màu, các loại cây họ đậu, mì… thì không thể nói là có chủ trương giao lại đất rừng cho địa phương quản lý là đương nhiên chấm dứt hợp đồng, mà không xem xét đến công sức và quyền lợi người giữ rừng suốt hơn 20 năm qua.

Đức Tiến – Sông Ninh