Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ tàu không số hiệu hút cát gần rừng phòng hộ Dầu Tiếng:
Cần xử lý dứt điểm
Thứ hai: 07:46 ngày 25/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Liên quan đến vụ tàu không số hiệu hút cát gây sạt lở đất và cây rừng tự nhiên tại Tiểu khu 58 kKhu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, ngày 13.3.2024, Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) đã có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Một đoạn hiện trạng khu vực đất bị sạt lở (ảnh chụp ngày 12.3.2024)

Sạt lở đất bán ngập

Theo báo cáo, khoảng cuối tháng 11.2023, Đội Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Suối Bà Chiêm thuộc BQL đã phát hiện tàu hút cát (chưa rõ doanh nghiệp) tại khu vực giáp ranh với Tiểu khu 58, gây sạt lở đất. BQL đã dùng máy định vị GPS xác định vị trí, diện tích sạt lở nằm ngoài diện tích đất được UBND tỉnh giao cho BQL quản lý. Tại thời điểm này, mực nước hồ Dầu Tiếng dâng cao nên việc xác định mức độ sạt lở như độ sâu, diện tích… rất khó khăn.

Sau khi Báo Tây Ninh Online đăng bài viết phản ánh vụ việc, ngày 12.3.2024, BQL tổ chức kiểm tra thực tế và đo đạc tại khu vực khoảnh 8, 9, 10, Tiểu khu 58 mà báo phản ánh. Kết quả, toàn bộ diện tích đất sạt lở nằm ngoài ranh giới đất do BQL quản lý, chỗ sạt lở gần ranh giới rừng phòng hộ nhất là 10m, chỗ sạt lở xa nhất là 55m.

Vụ việc tàu hút cát tại khu vực khoảnh 8, 9, 10, Tiểu khu 58 gây sạt lở đất đã được lực lượng bảo vệ rừng tuần tra, phát hiện từ cuối tháng 11.2023. Tuy nhiên, do đây là thời điểm cuối năm, Đội Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Suối Bà Chiêm tập trung thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục lâm sinh, chuẩn bị cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô nên công tác tuần tra, kiểm tra khu vực này chưa được thường xuyên; việc nắm bắt thông tin, báo cáo của BQL chưa kịp thời.

Ngày 13.3, UBND huyện Tân Châu cũng có văn bản gửi đến Báo Tây Ninh cung cấp thêm thông tin liên quan đến bài báo trên và tình hình cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho các công ty, doanh nghiệp trên sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Trong đó, vị trí mà tàu hút cát như báo phản ánh không nằm trong phạm vi khai thác khoáng sản của các công ty, doanh nghiệp này. Tàu không số hiệu hút cát cách phạm vi khai thác khoáng sản của công ty gần nhất đến 1km, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh.

Theo UBND huyện Tân Châu, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản, huyện đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh vụ việc. Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các địa phương có liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động bơm hút cát tại vị trí đang đề cập nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời việc bơm hút cát trái phép. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân địa phương giám sát, khi phát hiện có tàu hút cát tại đây, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền. Tàu của doanh nghiệp nếu vi phạm đến mức phải thu hồi giấy phép thì huyện sẽ đề xuất thu hồi theo quy định.

Để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn việc bơm hút cát trái phép trong thời gian tới, UBND huyện Tân Châu kiến nghị Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát tại khu vực trên; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 04/QCPH-BNN-UBND ngày 2.6.2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bình  Dương, Bình Phước, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ công tác của BQL đo đạc xác định lại phạm vi đất rừng và đất bị sạt lở (ảnh chụp ngày 12.3.2024)

Nguy cơ ảnh hưởng đến đất rừng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tây Ninh, hiện trạng khu vực đất bị sạt lở có ảnh hưởng đến cây rừng mọc tự nhiên bên ngọn nước Ùn Cầu Sập. Nhiều đoạn bờ vực đất bị sạt lở khuyết sâu kiểu hình răng cưa vào dãy rừng cây mọc tự nhiên trên đất.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước đây từng có sự chồng lấn trong việc xác định ranh giữa đất bán ngập thuộc hồ Dầu Tiếng và đất rừng phòng hộ; nay đã có sự phân định ranh tương đối rõ ràng trên bản đồ. “Khu vực bị sạt lở hiện nay nằm trên vùng đất bán ngập chưa thuộc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý, tuy nhiên, đã có ảnh hưởng tới một số cây trong thảm thực vật mọc tại khu vực này, về lâu dài có thể ảnh hưởng tới rừng”- ông Xuân nêu rõ.

Ông Xuân còn cho biết thêm, rừng phòng hộ là rừng trên cạn, tàu bơm hút cát hoạt động dưới nước và có tiến vào gần bờ. Vấn đề ở đây là tàu không số hiệu, bơm hút cát ngoài phạm vi được cấp phép, cơ quan chức năng đã xác định hoạt động trên là trái phép, hậu quả của việc này là gây sạt lở đất và ảnh hưởng đến một số cây mọc tự nhiên trên thảm thực vật như đã nêu. Về phân định chức năng, Sở NN&PTNT không quản lý các tàu khai thác cát. Nhưng trên thực tế, tàu hút cát đã tiến vào gần bờ nên sắp tới, Sở sẽ phối hợp chính quyền địa phương quản lý thật tốt địa bàn được giao.

Ông Trần Quang Hùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam cho hay, sau khi Báo Tây Ninh có bài phản ánh, Công ty đã cử tổ công tác đến khảo sát, nhận thấy tình hình sạt lở đất tại đây rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến chức năng chóng xói mòn, giảm dòng chảy lũ, mất ổn định kết cấu công trình thuỷ lợi hướng thượng nguồn của hồ Dầu Tiếng. Vị trí mà tàu khai thác cát trái phép nằm trong đất bán ngập hồ Dầu Tiếng và gần giáp ranh với đất rừng phòng hộ. Việc sạt lở nếu còn tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng tới diện tích đất rừng phòng hộ.

Theo ông Hùng, địa hình tại đây phức tạp, nếu quan sát bằng mắt thường rất khó xác định ranh giữa đất bán ngập hồ Dầu Tiếng và đất rừng phòng hộ, do thời gian ngập nước kéo dài, cây cối mọc hỗn tạp. Thời điểm này thường diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép, đặc biệt là các tàu không số hiệu khai thác cát vào ban đêm. Trong khi lực lượng của Công ty còn mỏng, lại cách xa vị trí tàu khai thác cát trái phép và không có thẩm quyền xử phạt. Việc quản lý tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh liên quan. Trong đó, vai trò của cơ quan chức năng quản lý địa bàn là rất quan trọng trong việc kịp thời phát hiện, thông báo, phối hợp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Dù là đất bán ngập hay đất rừng phòng hộ thì cũng cần phải chấn chỉnh, xử lý dứt điểm ngay.

Trong thời gian tới, ông Trần Quang Hùng kiến nghị chính quyền địa phương các tỉnh giáp ranh khu vực trên tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp theo quy chế phối hợp đã ký kết, nhằm lập lại trật tự về khai thác khoáng sản tại đoạn sông Sài Gòn qua địa bàn các tỉnh liên quan. Với vai trò là chủ hồ, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam đã thành lập tổ công tác, chủ động kiểm tra, giám sát, phối hợp các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý những tàu khai thác cát trái phép, bảo đảm trật tự và an toàn công trình thuỷ lợi quan trọng cấp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia.

Trường Lộ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục