Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi phải được lập hồ sơ xử lý theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, kể cả các trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm.
Đất kênh bị hộ ông Tài rào, xây dựng công trình hiện nay.
Theo Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 20.3.2019 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, huyện Châu Thành có 140 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, chủ yếu là trồng cây, xây hàng rào, xây nhà hoặc công trình phụ. Riêng xã Hảo Đước có 43 trường hợp vi phạm (14 trường hợp trồng cây, 24 trường hợp rào chắn, 5 trường hợp xây nhà, công trình phụ trên đất thuỷ lợi).
Do không có danh sách cụ thể từng trường hợp vi phạm trong số liệu thống kê của UBND tỉnh nên chúng tôi chưa xác định được UBND xã có báo cáo 2 trường hợp vi phạm mà Báo Tây Ninh đã phản ánh gần đây là hộ ông Ngô Khánh Tài và hộ bà Trần Thu Giang hay không. Nếu hai hộ trên không có trong danh sách thì UBND xã Hảo Đước đã “bỏ sót”. Còn nếu có trong danh sách, chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh đã chưa được thực hiện nghiêm.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 766 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi; các trường hợp vi phạm đều được lập biên bản, chuyển đến UBND các xã để xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, công tác xử lý các trường hợp vi phạm vẫn còn chậm.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vi phạm công trình thuỷ lợi nêu trên là do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi chưa được thực hiện đồng bộ và thường xuyên. Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ công trình thuỷ lợi của các hộ dân và ở một vài địa phương (xã, ấp) còn hạn chế.
Sự phối hợp giữa Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh với chính quyền các xã chưa chặt chẽ; chưa có kế hoạch, biện pháp phối hợp xử lý, ngăn chặn vi phạm triệt để tồn đọng, phát sinh nhiều. Việc xử lý vi phạm trong thời gian qua, chủ yếu là lập biên bản, nhắc nhở, vận động hộ vi phạm tự khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu, chưa xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định...
Để thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, và đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt như đã nêu trên.
Mục đích của kế hoạch này trước hết là tổ chức tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi để các đối tượng vi phạm tự chấp hành di dời, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, chặt bỏ cây lâu năm trồng trong phạm vi bảo vệ cồng trình thuỷ lợi. Kế đến là giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, bảo đảm an toàn công trình, khi vận hành điều tiết nước và duy tu bảo dưỡng hệ thống công trình thuỷ lợi.
Quan điểm của tỉnh trong việc xử lý, giải toả các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi là phải được tiến hành đồng bộ, kiên quyết, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đơn vị liên quan. Mọi trường hợp vi phạm đều phải được lập hồ sơ xử lý công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình xử lý, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu và chấp hành.
Theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan sẽ tập trung xử lý đồng bộ, dứt điểm từng trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh và hoàn thành vào cuối năm 2019. Các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi phải được lập hồ sơ xử lý theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, kể cả các trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm.
Trước đề xuất của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã thống nhất biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm như sau: Đối với trường hợp vi phạm trồng cây lâu năm, xây hàng rào, xây nhà tạm và công trình phụ, giao Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh phối hợp với chính quyền, các tổ chức Mặt trận, hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động để người dân biết về nội dung kế hoạch xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi; đồng thời thông báo đến các đối tượng vi phạm để chủ động, khắc phục trong thời gian 30 ngày kể từ ngày được thông báo, các hộ vi phạm phải tự di dời cây trồng, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Trường hợp các hộ vi phạm không chấp hành, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cùng với UBND các xã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, chuyển cho cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý theo quy định. Sau 1 tháng kể từ ngày ra quyết định xử phạt hành chính, các hộ vi phạm không chấp hành, lập thủ tục cưỡng chế theo quy định.
Như vậy, đối chiếu với thực tế, có thể thấy trường hợp vi phạm hộ ông Ngô Khánh Tài (xã Hảo Đước) chưa được thực hiện đúng kế hoạch xử lý lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng đối với trường hợp hộ bà Trần Thu Giang, chỉ đến khi Báo Tây Ninh tham gia tìm hiểu và phản ánh, UBND xã mới tiến hành nạo vét, khơi thông dòng kênh bị công trình xây dựng của bà Giang làm tắc mấy năm qua.
BẢO TÂM