Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn 1 tháng qua, một hộ dân tại ấp Sân Lễ, xã Hảo Đước tự ý móc đất san lấp đất nền tại chỗ, bị chính quyền xã lập biên bản đến hai lần, nhưng vẫn không trả lại hiện trạng ban đầu.
Ao nước sâu bên trong được cho là nơi ông Tràng thuê máy móc lên đắp nền, xung quanh không có hàng rào hay biển cảnh báo nào.
Thời gian qua, giá đất nhiều nơi tăng cao chóng mặt khiến nhiều người tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp trồng lúa sang các loại đất khác để kiếm lời mà không có sự cho phép của chính quyền. Thậm chí, có trường hợp còn móc ao lấy đất san lấp mặt bằng tại chỗ, tạo “sự đã rồi” để có cớ xin phép chính quyền địa phương.
Cụ thể như một trường hợp tại ấp Sân Lễ, xã Hảo Đước. Hơn 1 tháng qua, một hộ dân tự ý móc đất san lấp đất nền tại chỗ, bị chính quyền xã lập biên bản đến hai lần, nhưng vẫn không trả lại hiện trạng ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Út, người có đất giáp ranh hai bên với phần đất của hộ dân tự ý đào ao cho biết, việc người dân đào ao nuôi cá hoặc chuyển đổi cây trồng là điều bình thường. Tuy nhiên, việc móc ao sâu giữa đồng mà không hề có rào chắn hay biển báo cảnh báo khiến ông rất lo lắng, bởi có thể trẻ em chăn bò, thả diều hay những người đi soi ban đêm trượt chân ngã xuống, nguy hiểm đến tính mạng.
Còn theo ông L.V.Q, người dân ngụ ấp Sân Lễ, mảnh đất đang được đào ao lấy đất san lấp nền vừa nêu đã được chuyển nhượng sang nhiều người. Người chủ hiện tại là ông T, nhà ở xã Thái Bình (huyện Châu Thành). Ông T móc ao đắp nền sẽ chuyển đổi thành đất thổ cư, có thể xây nhà để bán với giá cao chứ không phải chuyển đổi cây trồng. Theo ông Q, do giá đất đang cao nên nhiều người tự ý san lấp đất nông nghiệp rồi cất một cái nhà nhỏ ở tạm để có lý do làm đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“Theo tôi được biết, xã đã lập biên bản 2 lần rồi nhưng tôi không hiểu tại sao xã chỉ lập biên bản mà không thấy xử phạt, không thấy giữ xe đào đất, cũng không bắt buộc người vi phạm phải trả lại hiện trạng ban đầu như nhiều vụ vi phạm tương tự. Nếu chính quyền địa phương để cái ao này tồn tại sẽ tạo thành tiền lệ xấu, rất khó xử lý các hộ khác”- một người dân nói.
Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch UBND xã Hảo Đước cho biết, phần đất vi phạm theo phản ánh của người dân là của ông Trương Văn Tràng, ngụ ấp Suối Dộp, xã Thái Bình (huyện Châu Thành). Tổng diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hơn 0,6 ha, là loại đất sản xuất lúa. Ngày 15.4.2019, khi nhận được tin báo của người dân, UBND xã đã xuống kiểm tra thực tế, lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công, đồng thời, yêu cầu hộ ông Tràng khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, đến ngày 25.4, hộ ông Tràng vẫn chưa khắc phục như đã hứa nên UBND xã tiếp tục mời ông Tràng lên làm việc. Ông Tràng viện lý do máy xúc bị hư nên không thể thực hiện được. Ông cam kết sẽ làm trước ngày 30.4.2019.
Ngày 25.5, tức vừa tròn 1 tháng ngày ông Trương Văn Tràng bị chính quyền xã Hảo Đước lập biên bản về việc tự ý đào ao lấy đất san lấp nền, theo ghi nhận của người viết, tại khu vực này vẫn còn một ao khá lớn (diện tích hơn 1.000m2).
Mới đây, Chủ tịch UBND xã Hảo Đước cho biết, trong sáng ngày 27.5, UBND xã đã mời ông Trương Văn Tràng lên làm việc, yêu cầu ông này phải trả lại ngay hiện trạng ban đầu của khu đất. UBND xã cũng sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi vì sao UBND xã lập biên bản vi phạm nhưng không tạm giữ máy móc, công cụ thực hiện thì ông Đạt cho biết, xe múc đất là của đơn vị khác làm thuê cho ông Tràng nên UBND xã chỉ nhắc nhở họ không được tiếp tục thực hiện chứ không có lập biên bản tạm giữ phương tiện (!?).
Rõ ràng, ông Trương Văn Tràng biết rõ hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, móc ao lấy đất san lấp là trái pháp luật. Dù đã bị UBND xã Hảo Đước lập biên bản hai lần nhưng đến nay ông vẫn chây ỳ, cố tình không thực hiện trả lại hiện trạng ban đầu như đã cam kết. Đây là hành vi xem thường pháp luật, cần được xử lý nghiêm minh.
Minh Dương
Mặt khác, việc UBND xã Hảo Đước cho rằng sở dĩ xã không xử lý phương tiện (xe cuốc) tham gia đào ao lấy đất san lấp nền trái quy định là do xe này của một người khác làm thuê cho ông Tràng (!?). Cách giải thích của UBND xã Hảo Đước liệu có phù hợp với các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai? Bởi nếu pháp luật quy định chỉ “nhắc nhở” các phương tiện vi phạm thì chẳng khác gì “khuyến khích” người thuê lẫn người làm thuê tham gia thực hiện các vụ việc trái pháp luật trong lĩnh vực đất đai.
HOÀNG THI