Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần xử lý nghiêm những kẻ “trộm” tài nguyên khoáng sản
Thứ hai: 00:20 ngày 26/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính quyền xã chỉ kiểm tra việc bảo vệ môi trường, rào chắn đối với hầm khai thác theo quy định. Còn những vấn đề khác, liên quan đến chuyên môn, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng khi kiểm tra, thanh tra.

Cần quản lý chặt chẽ đối với các mỏ đất đang trong giai đoạn tận thu- Ảnh minh hoạ

Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết “Có hay không chuyện thất thoát khoáng sản?”, phản ánh những vi phạm trong khai thác khoáng sản đất san lấp như: khai thác đất không giấy phép; khai thác vượt diện tích, độ sâu so với giấy phép; trách nhiệm của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng đối với hoạt động khai thác khoáng sản đất san lấp…

Ðịa phương: phối hợp là chính

Một lãnh đạo UBND xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng cho biết, địa phương rất quan tâm đến công tác khai thác đất san lấp trên địa bàn, các doanh nghiệp khi được cấp phép đều thông báo và nộp giấy phép cho UBND xã quản lý, theo dõi.

Tuy nhiên, xã chỉ quản lý về thời hạn mỏ hoạt động, vấn đề tận thu theo giấy phép là chính… còn về độ sâu, do không có phương tiện nên không thể xác định được doanh nghiệp có khai thác đúng theo giấy phép hay không. Bên cạnh đó, khi giấy phép của doanh nghiệp hết hạn, UBND xã không có thẩm quyền yêu cầu đóng cửa mỏ.

Chính quyền xã chỉ kiểm tra việc bảo vệ môi trường, rào chắn đối với hầm khai thác theo quy định. Còn những vấn đề khác, liên quan đến chuyên môn, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng khi kiểm tra, thanh tra.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Trảng Bàng, ngày 19.11.2020, Sở Tài nguyên và Môi trường có Thông báo số 7810/TB-STNMT về việc nhắc nhở thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn Thị xã đã hết hạn. Qua rà soát, ngày 7.12.2020, Phòng có Thông báo số 06/TB-TNMT, yêu cầu 6 đơn vị, gồm: DNTN Phan Văn Lăng, Chi nhánh DNTN Minh Khánh, Công ty TNHH MTV Thanh Danh, Công ty TNHH Văn Phạm Anh, Công ty TNHH TM-SX-XNK Hưng Thuận Phát, DNTN Quang Sáu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định. Ðến nay đã có 2 doanh nghiệp thực hiện là Chi nhánh DNTN Minh Khánh và Công ty TNHH TM-SX-XNK Hưng Thuận Phát. Còn 4 doanh nghiệp, Phòng sẽ tiếp tục kiểm tra, yêu cầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản. Trường hợp các đơn vị không chấp hành, Phòng sẽ báo cáo Sở xử lý theo quy định.

Khởi tố hình sự để cảnh cáo hành vi “trộm” tài nguyên khoáng sản

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, mới đây, cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đối với hai vụ án, hai bị can để điều tra hành vi phạm tội liên quan đến tội danh “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại Ðiều 227 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong đó có một vụ án liên quan đến ông Nguyễn Văn Nới (sinh năm 1976, ngụ xã Biên Giới, huyện Châu Thành) mà Báo Tây Ninh đã từng phản ánh về hành vi khai thác đất đưa đi tiêu thụ với khối lượng “khủng”, thu lợi bất chính từ hành vi “móc đất trộm” có thể lên đến vài tỷ đồng. Vụ án thứ hai và bị can thứ hai mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố là  Võ Minh Tuấn (sinh năm 1976, ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh).

Ðây có thể xem là tín hiệu nghiêm khắc  đối với những kẻ vi phạm pháp luật, “trộm” tài nguyên khoáng sản là đất san lấp - vốn rất được dư luận quan tâm thời gian qua. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn gây dư luận không tốt đối với hoạt động quản lý nhà nước trong khai thác khoáng sản.

Cần quy định rõ trách nhiệm của các Công ty tư vấn, ðo ðạc

Khi mỏ khai thác khoáng sản hết hạn, chủ mỏ phải làm thủ tục đóng cửa theo quy định. Vậy đối với những doanh nghiệp không thực hiện thì xử lý như thế nào?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường,  Ðiều 73 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định, khi các mỏ hết hạn chủ mỏ phải lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định pháp luật. Sau khi giấy phép hết hạn, phải đóng cửa mỏ theo Luật Khoáng sản năm 2010.

Ðối với doanh nghiệp không đóng cửa mỏ, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Khoản 3, Ðiều 49, Nghị định 33/2020/NÐ-CP ngày 24.3.2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Trong quá trình đóng cửa mỏ, theo quy định, cơ quan có thẩm quyền căn cứ kết quả của công ty đo đạc. Tuy nhiên, nếu kết quả của công ty đo đạc bị sai hoặc công ty đo đạc “cố tình” làm sai lệch kết quả, ai chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ bị xử lý như thế nào?

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, các công ty đo đạc phải có hồ sơ năng lực đo đạc, bảo đảm đầy đủ điều kiện hành nghề đo đạc tính toán trữ lượng theo Thông tư số 17/2012/TT-BTNMT ngày 29.11.2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản.

Việc xác định kết quả trữ lượng thực tế như tổ chức đo đạc và tổ chức khai thác sẽ phải thực hiện theo đúng biểu mẫu và trình tự quy định tại Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24.12.2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập bản đồ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác và quy trình, phương pháp, biểu mẫu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.

Ngoài việc quản lý về diện tích, độ sâu khai thác, cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc các mỏ khai thác có đúng quy định để bảo đảm cảnh quan môi trường.

Nếu kết quả đo đạc bị làm sai lệch, đơn vị đo đạc phải chịu trách nhiệm và bị xử lý vi phạm hành chính theo Khoản 3, Ðiều 7, Nghị định số 18/2020/NÐ-CP ngày 11.2.2020 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc xử phạt hành chính đối với hoạt động vi phạm trong khai thác khoáng sản không đủ sức răn đe. Theo “Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại Ðiều 227 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về dấu hiệu định tội đã có điểm tiến bộ rõ rệt, mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm so với BLHS năm 1999. BLHS năm 2015 quy định về trách nhiệm hình sự của chủ thể là pháp nhân. Trong đó, quy định mức phạt rất nặng đối với pháp nhân về mức phạt tiền và hình phạt bổ sung.

Thiết nghĩ, nếu công ty đo đạc “cố tình” làm sai lệch kết quả đo đạc, liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản như đóng cửa mỏ, xác định trữ lượng… gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền có thể nghiên cứu áp dụng BLHS năm 2015, để bảo đảm tính nghiêm minh pháp luật. Nên chăng, tỉnh nên quan tâm vấn đề này và cho phúc tra lại kết quả đo đạc để bảo đảm tính chính xác, khách quan, hạn chế tình trạng thất thoát khoáng sản, nhất là đối với các mỏ đất đang làm thủ tục tận thu, đóng cửa.

Nhóm phóng viên kinh tế

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh