BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh báo 5 triệu người Thụy Điển có thể nhiễm nCoV 

Cập nhật ngày: 03/04/2020 - 17:49

Giáo sư Tom Britton cảnh báo nửa dân số Thụy Điển sẽ nhiễm nCoV cho tới cuối tháng 4, khi quốc gia này "một mình một kiểu" chống Covid-19.

"Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến mức có thể khiến một nửa dân số Thụy Điển bị nhiễm vào cuối tháng này. Sau đó nó sẽ lây lan không thể kiểm soát và chỉ có thể chậm lại một chút vào cuối tháng 5 khi 2/3 dân số đã mắc bệnh", Tom Britton, giáo sư tại Đại học Stockholm và là người chuyên nghiên cứu về mô hình hóa cách lan truyền bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng, đưa ra cảnh báo trên đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT hôm 1/4.

Người dân Thụy Điển tản bộ dưới tán hoa anh đào ở thủ đô Stockholm. Ảnh: AFP.

Hơn 2.000 bác sĩ, nhà khoa học và giáo sư ở Thụy Điển đã cùng ký bản kiến nghị kêu gọi chính phủ đưa ra những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm khắc và mạnh tay hơn.

"Chúng ta chưa xét nghiệm, theo dõi và cách ly đủ. Chúng ta vẫn để nCoV thoải mái lây lan ngoài kia và chúng đang dẫn chúng ta đến thảm họa", giáo sư Cecilia Söderberg-Nauclér, chuyên gia về virus tại Viện Karolinska, nhận định.

Thụy Điển, quốc gia hơn 10 triệu dân, hiện đứng ở vị trí 19 trong danh sách các nước chịu ảnh hưởng của Covid-19 trên toàn cầu, với gần 5.600 ca nhiễm và 308 người tử vong. Sau khi chứng kiến số người nhiễm và chết vì nCoV tăng mạnh, cùng nhiều cảnh báo từ các chuyên gia, chính phủ Thụy Điển cuối cùng cũng quyết định đóng cửa tất cả khu trượt tuyết và khuyến nghị người già ở nhà để đảm bảo an toàn.

Thủ tướng Stefan Lofven cũng siết chặt thêm nhiều quy định khác, như hạn chế tụ tập quá 50 người thay vì mức 500 người trước đó. Chính quyền của ông cũng ban hành hướng dẫn cho công dân như tránh đi lại trong giờ cao điểm, không tới thăm người thân dịp lễ Phục sinh và người già nên tránh tới cửa hàng. Họ cũng yêu cầu không tổ chức các sự kiện thể thao như đá bóng.

Cho đến nay, Thụy Điển vẫn từ chối thực hiện nhiều biện pháp chống dịch quyết  liệt như các nước láng giềng và nhiều quốc gia ở châu Âu khác. Cuộc sống ở đất nước này dường như vẫn diễn ra như bình thường, khi siêu thị, nhà hàng, quán bar vẫn mở cửa hoạt động. Không có lệnh phong tỏa nào được ban bố dù số ca nhiễm bệnh của quốc gia này vẫn đang tăng lên từng ngày.

Giới chức Thụy Điển cho biết họ không phủ nhận mức độ nguy hiểm của Covid-19 nhưng tin rằng họ có thể kiểm soát được dựa vào ý thức trách nhiệm của cộng đồng, bên cạnh những khuyến nghị rửa tay thường xuyên, cách biệt cộng đồng và hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi.

"Đó là cách chúng tôi hoạt động. Tất cả hệ thống kiểm soát dịch bệnh của chúng tôi đều dựa trên nguyên tắc hành động tự nguyện. Hệ thống tiêm chủng cũng hoàn toàn tự nguyện và được bảo hiểm chi trả tới 98%", Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển, cho biết.

Thủ tướng Lofven cũng kêu gọi công dân hành động có trách nhiệm với cộng đồng nếu xuất hiện triệu chứng bệnh, khi cho rằng chính phủ không thể ban hành luật và cấm đoán mọi thứ.

"Chúng ta là người trưởng thành thì cần hành xử có trách nhiệm: không lan truyền tin đồn và gieo rắc sự hoảng loạn. Không ai cô đơn trong cuộc khủng hoảng, nhưng mỗi người đều có một trách nhiệm lớn", ông Lofven nói.

Ông Tegnell cùng với nhóm của mình trước đó công bố những đánh giá về diễn tiến của Covid-19 ở Thụy Điển và nhận định khi dịch đạt đỉnh, Stockholm sẽ ghi nhận khoảng 250 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt. Ông khẳng định hệ thống bệnh viện của quốc gia này có thể đối phó.

Ông cũng cho biết thêm một bệnh viện dã chiến với khoảng 600 giường bệnh sẽ được mở cửa ở phía nam thành phố Stockholm để đối phó với Covid-19, do đó hiện chưa cần áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Nhà hàng vẫn mở cửa ở thủ đô Stockholm hôm 27/3. Ảnh: AFP.

Tegnell từng tranh luận rằng có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của biện pháp phong tỏa đang được thực hiện khắp châu Âu.

"Họ chỉ nghiên cứu về cúm, nhưng cúm rất khác và ngay cả khi phải đóng cửa vì cúm, biện pháp này cũng nên được thực hiện ở giai đoạn sau. Hơn nữa, bạn không thể đóng cửa trường học trong một thời gian dài. Nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, không chỉ về mặt giáo dục mà còn về sức khỏe. Do đó, nếu có phải đóng cửa trường học, bạn nên làm điều đó vào thời điểm quan trọng nhất", Tegnell nói.

Ông cũng lưu ý rằng, không giống Tây Ban Nha và Italy, các gia đình nhiều thế hệ sống chung rất hiếm thấy ở Thụy Điển, nên nước này sẽ dễ dàng cách ly những người già dễ bị tổn thương nhất.

Tuy nhiên, cách tiếp cận "một mình một kiểu" của Thụy Điển đang khiến nhiều quốc gia trên bán đảo Scandinavia, gồm Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy, cảm thấy lo ngại. Ba quốc gia này đã thực hiện các biện pháp ngăn dịch như phong tỏa, đóng cửa trường học, nơi làm việc và biên giới từ nhiều tuần trước, dù tổng số người chết của ba nước gộp lại vẫn ít hơn Thụy Điển. Cụ thể, Đan Mạch ghi nhận 123 trường hợp, trong khi Na Uy và Phần Lan báo cáo lần lượt là 50 và 19 ca tử vong.

"Chứng kiến những gì đang diễn ra ở Thụy Điển như xem một bộ phim kinh dị. Chúng tôi sợ rằng tình hình ngày càng xấu đi khi quốc gia này vẫn rất thoải mái với dịch", Lisbeth Davidsen, nhà báo Đan Mạch nói trên mạng truyền hình TV4 của Thụy Điển hồi cuối tháng 3.

Nguồn VNE