Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố:
Cảnh báo các Facebooker, YouTuber “ăn nói” không có căn cứ
Thứ bảy: 00:09 ngày 26/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đa số người dùng mạng xã hội đăng status bày tỏ quan điểm đồng tình quyết định trên, nhưng cũng có một số người bình luận võ đoán về tội danh, khung hình phạt... khi chưa có căn cứ.

Fanpage Báo Thanh Niên.

Ngày 24.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam được nhiều cơ quan báo chí đưa tin và nhanh chóng lan truyền trên internet và mạng xã hội.

Đa số người dùng mạng xã hội đăng status bày tỏ quan điểm đồng tình quyết định trên, nhưng cũng có một số người bình luận võ đoán về tội danh, khung hình phạt... khi chưa có căn cứ.

Bài viết dưới đây thông tin rõ hơn một số quy định pháp luật liên quan đến quy trình tố tụng hình sự, xử lý người vi phạm, giúp bạn đọc tránh những nhận định chủ quan, chưa có căn cứ, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Tránh quy kết tội khi chưa có bản án

Có lẽ không ai không biết chuyện bà Nguyễn Phương Hằng livestream trên mạng xã hội, đề cập đến các nghệ sĩ, nhất là những người làm từ thiện. Gần đây nhất, trong các buổi livestream, bà Hằng thường đề cập đến ông Võ Hoàng Yên, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển.

Điều đáng lo ngại là, những người được nêu tên cho rằng, bà Hằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí, nhà báo Đức Hiển cảnh báo hành vi chưa chuẩn mực của bà Hằng làm ảnh hưởng đến các cá nhân.

Sau đó, nhà báo này cũng bị bà Hằng liên tiếp livestream với những lời lẽ suy diễn chưa có căn cứ nhắm thẳng vào ông. Ngoài ra, nhà báo Hàn Ni cũng là người được bà Hằng nhắc đến nhiều nhất.

Sau thời gian “lời qua tiếng lại” bằng các status, các buổi livestream trên facebook cá nhân với những nội dung ngày càng “gay gắt”, một số cá nhân làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng cho rằng bà Hằng xúc phạm họ và đề nghị xử lý.

Trong khi các nội dung đơn trên đang được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định pháp luật, bà Hằng và một số cá nhân khác tổ chức livestream, trong đó có ghi lại hình ảnh tổ chức đua chó, đua ngựa, có người đã đọc tên những con chó, con ngựa đua trên bằng chính tên của hai nhà báo trên. Nhiều ý kiến phản ứng không đồng tình.

Trường hợp bà Hằng, hiện nay, theo thông báo của Công an TP. Hồ Chí Minh, bà Hằng bị cơ quan này ra quyết định khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Công an TP. Hồ Chí Minh cũng ra quyết định khởi tố vụ án, lệnh tạm giam đối với bà Hằng để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Đây là một công việc bình thường theo quy trình điều tra được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Thời điểm này, bà Hằng “chưa có tội” mà chỉ là bị can trong vụ án mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT)- Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án.

Theo quy định pháp luật, bà Hằng chỉ “có tội” trên, khi các cơ quan tố tụng của TP. Hồ Chí Minh xem xét giải quyết đúng quy định của BLTTHS, mà giai đoạn cuối cùng là bị Toà án tuyên án, bản án có hiệu lực pháp luật; bản án không có kháng cáo của bị cáo, kháng nghị của người có thẩm quyền được quy định trong BLTTHS. Do đó, trong sự kiện này, mọi người theo dõi, quan tâm đến vụ án cần nhận thức và có hành vi phù hợp, tránh bình luận võ đoán, làm ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức.

Fanpage Báo Tuổi Trẻ.

Chờ kết luận của các cơ quan tố tụng

Bà Hằng bị CQĐT khởi tố tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Khoản 1 Điều 331 BLHS nêu “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”; khoản 2 Điều 331 nêu “Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.

Theo quy định này, người phạm tội tội danh trên có mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm. BLHS quy định khung hình phạt như trên, tuy nhiên, quá trình xác minh tin báo tội phạm, CQĐT có thể khởi tố theo khoản 1, hay khoản 2 Điều 331; Viện Kiểm sát (VKS) có thể truy tố theo các khoản trên nhưng mọi người không thể võ đoán rằng bị can sẽ bị kết tội mức án cao nhất do “ghét” hay mức án thấp nhất do “thương” bị can, mà còn phụ thuộc vào quá trình điều tra, truy tố, xét xử- nhất là quy định tại Điều 52, Điều 51 BLHS về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Dẫn giải nội dung trên để mọi người thấy rõ hơn, hiện nay, CQĐT đã xác định hành vi của bà Hằng vi phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và đang tiến hành điều tra trong quy trình tố tụng. Sau đó, CQĐT sẽ ban hành kết luận điều tra gửi VKS đề nghị truy tố bà Hằng tội danh trên, nếu quá trình điều tra không phát hiện bà vi phạm thêm một tội danh nào khác.

Không nên bình luận, võ đoán

Theo dõi sự kiện này, mọi người đều biết, trước đó, nhà báo Đức Hiển đã gửi đơn tố giác bà Hằng đến CQĐT Công an tỉnh Bình Dương, đề nghị xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra bà Hằng về các tội làm nhục người khác; vu khống; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhà báo Hàn Ni cũng tố cáo bà Hằng có dấu hiệu của tội danh trên.

Liên quan đến nội dung tố cáo của nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni về tội danh làm nhục người khác, vu khống, được biết tại Điều 155 và Điều 156 BLHS 2015 đều có quy định hai tội danh trên. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bà Hằng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, BLHS 2015, còn việc bà Hằng lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nào; xâm phạm như thế nào, chúng ta cần chờ kết luận của CQĐT, không nên vội vàng kết luận, bình luận võ đoán.

Chúng ta cũng cần biết thêm, thông thường, trình tự tố tụng một vụ án hình sự qua 3 giai đoạn: khởi tố, truy tố và xét xử. Đối với từng giai đoạn, BLTTHS quy định thẩm quyền và trình tự khác nhau.

Trong thực tế có thể xảy ra các trường hợp: khi phát hiện có vụ án hình sự theo các căn cứ tại Điều 143 BLTTHS (tố giác của cá nhân về tội phạm; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng về tội phạm; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước…), cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khởi tố vụ án và tiến hành điều tra.

Sau khi kết thúc quá trình điều tra, VKS ra quyết định truy tố, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn xét xử. Quá trình tiến hành tố tụng, trong giai đoạn khởi tố, tại Điều 156 có quy định: CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, VKS ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố. Như vậy khi có căn cứ, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Trong giai đoạn truy tố vụ án, khi xem xét kết quả điều tra, VKS có thể ra quyết định truy tố vụ án hoặc không. Trong trường hợp nhận thấy tội danh đã khởi tố không đúng, VKS có thể trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Khi đó, CQĐT sẽ thay đổi tội danh đúng. Nếu cơ quan điều tra không đồng ý việc thay đổi tội danh thì VKS có thể đình chỉ vụ án đã khởi tố và ra quyết định khởi tố vụ án mới với tội danh khác.

Trong giai đoạn xét xử, theo Điều 298, Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Toà án trả hồ sơ để VKS truy tố lại.

Như vậy, liên quan đến một vụ án, nhất là vụ án có những tình tiết phức tạp, quá trình điều tra cũng vô cùng phức tạp, nhưng tất cả những người tham gia tố tụng đều phải tuân theo quy định của BLTTHS, BLHS để xem xét quyết định và thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao phó, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Do đó, những lời bình luận, võ đoán, khi chưa có căn cứ ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. Vì vậy, quá trình theo dõi vụ án, mọi người cần thận trọng, nhất là sử dụng nội dung chưa có căn cứ để bình luận, phán ai đó trên mạng xã hội, rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật- trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng là bài học cảnh báo chung cho mọi người.

Đức Tiến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục