BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh báo cháy rừng ở Tây Ninh: Đã đến cấp 5 - cấp đặc biệt nguy hiểm

Cập nhật ngày: 24/03/2010 - 11:35
HTML clipboard

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo PCCC rừng Trung ương, hiện có khoảng hơn 5 triệu ha rừng của nước ta có nguy cơ xảy ra cháy, trong đó có hơn 3 triệu ha được cảnh báo có nguy cơ xảy ra cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Tỉnh Tây Ninh hiện có gần 70.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đang khoanh nuôi, bảo vệ là hơn 34.000 ha, rừng trồng là hơn 8.000 ha, còn lại là cây cao su và cây ăn trái. Trong tình hình mùa khô hiện nay, tại Tây Ninh đang cảnh báo cháy rừng ở cấp 4. Nhưng riêng vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát và rừng phòng hộ Dầu Tiếng được cảnh báo đang ở cấp 5. Từ đầu năm đến nay, riêng ở hai khu vực này đã xảy ra 3 vụ cháy, gây thiệt hại gần 5 ha rừng trồng. Mới đây, lại xảy ra thêm 1 vụ nữa làm cháy 20 ha trảng cỏ, trong đó có 2 ha tràm nước tái sinh.

Mùa khô năm nay dự báo còn kéo dài, cho nên, nguy cơ cháy rừng vẫn còn tiếp diễn. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống, với nền kinh tế và môi trường cũng như những hậu quả do cháy rừng để lại, Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác PCCC rừng. Đã có rất nhiều văn bản từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PCCC rừng. Ở tỉnh ta, ngay từ đầu mùa khô, Ban chỉ đạo PCCC rừng đã triển khai phương án PCCC rừng. Tổ chức thực hiện tốt việc chăm sóc, chống cháy rừng trồng theo đúng quy trình kỹ thuật; tiến hành kiểm tra giám sát chặt chẽ việc xử lý thực bì chống cháy; chủ động xử lý tốt các đường băng cản lửa, các đường ranh, các bờ lô rừng trồng ngay đầu mùa khô; có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước tại chỗ, đồng thời bố trí các bồn tiếp nước và xây dựng một số hồ chứa nước dã chiến tại rừng. Đối với rừng tự nhiên và các trảng cỏ thì chủ động đốt các loại thực bì dễ gây cháy ven rừng, ven đường, đốt cục bộ dưới tán rừng vào thời điểm thích hợp. Thực hiện việc chia nhỏ trảng cỏ bằng những đường băng trắng để hạn chế và tránh cháy lan vào rừng. Nghiêm cấm việc chăn thả gia súc vào rừng, sử dụng lửa bừa bãi trong rừng, gần rừng. Tổ chức diễn tập PCCC rừng ở cấp cơ sở và phân công trực để kịp thời phát hiện và xử lý khi cháy mới xảy ra. Toàn bộ trang thiết bị phương tiện PCCC rừng luôn trong tình trạng sẵn sàng để ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy.

Tuy các phương án PCCC rừng đã được Ban chỉ đạo PCCC rừng hoạch định sẵn, nhưng trên thực tế, công tác PCCC rừng ở tỉnh ta còn gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là về nguồn nước chữa cháy. Những cánh rừng rộng hàng trăm ha, phân bố khắp các địa bàn, mà chỉ có một vài con sông, con suối chảy qua. Dù có làm hầm chứa nước cũng không đáp ứng đủ nhu cầu nếu có cháy lớn xảy ra. Bên cạnh đó, phương tiện, công cụ chữa cháy cũng còn thô sơ lạc hậu.

Với những khó khăn trên thì việc phòng tránh cháy rừng là hết sức quan trọng. Xét lại những nguyên nhân gây ra cháy rừng thì xuất phát từ con người là chủ yếu. Vì vậy, tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người, từ đó làm cho người dân có ý thức bảo vệ rừng là việc làm cần thiết.

NHẤT MINH - ĐỨC TRỌNG