Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bốn loại bệnh không lây nhiễm chính là bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.

Bệnh không lây nhiễm là một trong những vấn đề sức khoẻ lớn nhất hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), loại bệnh này là nguyên nhân gây ra khoảng 41 triệu ca tử vong mỗi năm, chiếm 71% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Bệnh không lây nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.
Nhiều bệnh không lây nhiễm đang tăng nhanh
Bệnh không lây nhiễm (hay bệnh mạn tính) là những bệnh có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung là tiến triển chậm. Bốn loại bệnh không lây nhiễm chính là bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.
Theo thống kê của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam; cứ 10 người chết thì đến 7 người có nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm (BKLN); số ca tử vong do BKLN chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi; gánh nặng bệnh tật do BKLN chiếm 66%.
Bác sĩ khám bệnh cho người cao tuổi. (Ảnh minh hoạ)
Nguyên nhân của tình trạng này là nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (9,4g/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...
Gần 10 năm sống với căn bệnh tăng huyết áp, bà N.T.H (ngụ thị xã Hoà Thành) đã quen với việc ăn nhạt (giảm muối), duy trì tập thể dục và uống thuốc đúng giờ. “Nghe lời bác sĩ, bữa ăn của tôi đã giảm bớt muối”- bà H chia sẻ. “Hiện nay huyết áp ổn định rồi, tôi đã đi xe đạp, đi bộ được”.
Ông T (69 tuổi, ngụ huyện Gò Dầu) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu dữ dội, mệt nhiều, huyết áp cao (200/100mmHg). Người nhà ông T cho biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và thường xuyên bị đau đầu thoáng qua. Trước khi nhập viện, ông T đột ngột xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội, hoa mắt, chóng mặt kèm theo nôn ói, gia đình lập tức đưa ông đến BVĐK Xuyên Á Tây Ninh cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận, phía bệnh viện nhận định đây là những dấu hiệu của bệnh cảnh đột quỵ nguy hiểm nên lập tức kích hoạt báo động đỏ nội viện, huy động đội ngũ chuyên gia thuộc Đơn vị Đột quỵ để thăm khám và chỉ định cận lâm sàng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não (CTA) chẩn đoán xác định bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch cảnh trong thông sau phải.
Sau khi được phẫu thuật và qua 3 ngày theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân đã dần hồi phục ý thức; triệu chứng đau đầu và buồn nôn cũng giảm đáng kể. Đến nay, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Nâng cao nhận thức của người dân
BS.CKI Hồ Hoài Hưng- Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BVĐK Xuyên Á Tây Ninh cho biết: “Trường hợp của ông T là một minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp”.
Bác sĩ Hưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tốt huyết áp, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đau đầu kéo dài. Khi có dấu hiệu đột ngột như đau đầu dữ dội, buồn nôn, chóng mặt, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
BKLN vừa phòng ngừa được vừa điều trị được. Nguy cơ phát triển BKLN có thể giảm được nhờ lối sống lành mạnh hơn và môi trường thuận lợi. Nếu các yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạn tính được loại bỏ thì khoảng ba phần tư số ca bệnh tim, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2, 40% số ca ung thư sẽ được ngăn ngừa.
Tại Tây Ninh, mặc dù ngành Y tế đã có nhiều hình thức để triển khai các hoạt động phòng, chống BKLN tại cộng đồng, song, thực tế, việc quản lý BKLN tại cộng đồng còn những khó khăn nhất định. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến tháng 12.2024, ước tính toàn tỉnh có 83.858 bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp và 50.612 bệnh nhân mắc đái tháo đường. Số thực tế được phát hiện thông qua các hoạt động tầm soát bệnh tăng huyết áp tại các bệnh viện và cộng đồng là 58.930 bệnh nhân, trong đó, tổng số bệnh nhân đang được quản lý điều trị tại các bệnh viện và trạm y tế là 57.510 bệnh nhân (riêng quản lý tại trạm chỉ có 36.339 người).
Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản, tổng số bệnh nhân được phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 6.145 người, trong đó tổng số bệnh nhân đang được quản lý điều trị tại các cơ sở y tế là 4.240 người (riêng quản lý tại trạm y tế chỉ có 942 người).
Các BKLN có xu hướng ngày càng gia tăng. Hầu hết các BKLN phải dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, việc triển khai công tác quản lý và điều trị các BKLN tại các cơ sở y tế, đặc biệt là ngay tại địa phương sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng bệnh, giảm chi phí đi lại, giảm các tai biến và giảm gánh nặng bệnh tật. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn.
Để phòng, chống BKLN, ngành Y tế Tây Ninh đưa ra các giải pháp thực hiện như: chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ và biện pháp phòng ngừa BKLN, khuyến khích lối sống lành mạnh, thực hiện chế độ ăn uống cân đối, tăng cường hoạt động thể chất và hạn chế sử dụng chất kích thích.
Tăng cường đào tạo cho cán bộ y tế về phát hiện sớm và quản lý BKLN, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ thiết bị y tế cần thiết cho việc quản lý, chẩn đoán và điều trị BKLN.
Yên Khuê