BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 5 

Cập nhật ngày: 12/03/2019 - 15:37

BTNO - Hiện nay, Tây Ninh đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt, các khu rừng trên địa bàn tỉnh được cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

 Đáng chú ý, các khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, khu rừng LSVH Chàng Riệc, Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát… đều là những vùng đang trong thời kỳ khô hanh, nắng nóng nên có nguy cơ xảy ra cháy cao. 

Lá khô tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng.

 Ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù chưa xảy ra vụ cháy rừng nào được thống kê, tuy nhiên, do đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng đang được cảnh báo ở cấp độ 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Ngay từ đầu năm, ngành Kiểm lâm và Sở NN&PTNT đã tham mưu Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đồng thời tổ chức, thẩm định và đề nghị UBND huyện phê duyệt các phương án PCCC của chủ rừng. Ngành lâm nghiệp đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu mùa khô, BCĐ tỉnh cũng đã có kế hoạch kiểm tra việc chuẩn bị PCCCR của các chủ rừng trên địa bàn.

Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã cấp nguồn kinh phí khoảng 9,7 tỷ đồng để trang bị phương tiện, cũng như xây dựng tháp canh lửa những nơi trọng điểm, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ rừng chuẩn bị nguồn nhân lực và trang bị thiết bị sẵn sàng cho công tác PCCCR, nhất là trong mùa khô cao điểm.

Đốt chủ động để hạn chế nguy cơ cháy tại Khu rừng VHLS Chàng Riệc (Tân Biên).

Về giải pháp hạn chế tình trạng đốt rừng làm rẫy, ông Thới cho hay, với phương châm “phòng là chính”, hiện nay Chi cục tăng cường biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức (pano, áp phích, trên các phương tiện thông tin đại chúng…), cũng như các hoạt động tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân. Ông Thới nhấn mạnh: “Vì đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời là trách nhiệm của toàn dân, nhất là dân cư ở gần rừng”.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh khẳng định, chỉ có lực lượng quần chúng tham gia công tác bảo vệ rừng thì mới ngăn ngừa hiệu quả tình trạng phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng như hành vi cố ý đốt, phá để trả thù… Thời gian vừa qua, các hoạt động này gần như được kiểm soát, ngăn chặn bằng nhiều biện pháp, trước hết là bố trí những công cụ, phương tiện  đều khắp những nơi trọng điểm, bố trí canh phòng, phối hợp với dân quân tự vệ, các lực lượng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, kể cả phương án thuê, bổ sung một số người dân để trong thời vụ, họ giúp ngăn chặn những người dân đi vào rừng đốt ong, nhặt phế liệu... vì đây là các hoạt động có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng.

Đường băng cản lửa sau khi được đốt chủ động.

“Từ đầu năm tới nay chưa xảy ra một vụ cháy rừng nào được thống kê. Mặc dù có một số vụ vừa cháy nhưng được phát hiện và xử lý kịp thời nên không gây thiệt hại. Một số trường hợp đốt chủ động đã ngăn chặn đáng kể việc người dân đốt, gây cháy lan trong rừng”- ông Thới cho biết thêm.

Ông Thới cảnh báo, thời gian tới là cao điểm về mùa khô, khả năng cháy rất lớn. Bộ NN&PTNT cũng vừa có Chỉ thị số 557 về tăng cường ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng. Theo đó, ngành cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng hữu quan đóng trên địa bàn rừng tăng cường trách nhiệm chủ động hơn, phòng ngừa cũng như tổ chức lực lượng canh phòng, ứng cứu kịp thời các trường hợp cháy có thể xảy ra.

Ông Thới hy vọng, với sự chuẩn bị chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ), tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh có thể giảm thiểu được, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), nhiều diện tích rừng ở các tỉnh khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ có nguy cơ cháy rất cao và thường xuyên ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Do đó Tổng cục yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc PCCCR tại cơ sở, tuyên truyền người dân chủ động có ý thức phòng ngừa, không để xảy ra cháy rừng.

Ở những địa phương để xảy ra cháy rừng, cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt của các chủ rừng không thực hiện các quy định về PCCCR.

Sở NN&PTNT các địa phương chỉ đạo liên ngành Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các lực lượng có liên quan thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy rừng.

Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, các chủ rừng bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra tại các khu vực trọng điểm dễ cháy rừng; chủ động xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ cháy; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình PCCCR ở các diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Tâm Giang