Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cảnh báo thủ đoạn lợi dụng xử phạt qua camera giám sát để lừa đảo
Thứ năm: 23:24 ngày 05/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gần đây, nhiều người nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan chức năng thông báo về việc họ có liên quan đến một biên lai xử phạt nguội vi phạm giao thông nhằm khai thác thông tin để sử dụng vào mục đích xấu.

Cán bộ Phòng CSGT kiểm tra nội dung bản cam kết của người vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Ngày 20.7, chị H.T.H, ngụ thành phố Tây Ninh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đầu dây bên kia có một người phụ nữ giới thiệu là Cảnh sát giao thông, thông báo chị H điều khiển xe mô tô trên đường vi phạm Luật Giao thông đường bộ và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền nộp phạt vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Nghi ngờ lừa đảo, chị H tắt điện thoại, thông báo cho người thân biết về thủ đoạn này.

Anh M.D, ngụ huyện Châu Thành cho biết, anh nhận được cuộc gọi thông báo: “Vào ngày 7.7, anh điều khiển xe mô tô trên địa bàn thành phố Tây Ninh có hành vi vượt đèn đỏ, yêu cầu chuyển khoản 2 triệu đồng để xử lý vụ việc”.

Người này còn hăm doạ nếu không hợp tác sẽ tăng mức xử phạt, tước bằng lái xe 2 tháng. Nghi ngờ bị lừa, anh D yêu cầu gặp trực tiếp để đưa tiền mặt, đối tượng nghe xong liền khoá máy, không thể liên lạc.

Cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, các đối tượng tự xưng là tổng đài viên của CSGT để thông báo cho những người chúng có ý định lừa đảo rằng họ bị xử phạt do vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoặc gây tai nạn giao thông (có thời gian, địa điểm) đến nay đã quá thời hạn xử lý.

Đối tượng này đề nghị cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản sẽ yêu cầu cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, CMND, CCCD, số hộ chiếu, tài khoản ngân hàng để CSGT cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt… Sau đó, chúng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

Trước thủ đoạn lợi dụng hình thức phạt nguội vi phạm giao thông để lừa đảo, Phòng CSGT khẳng định: “Phòng CSGT và lực lượng CSGT Công an các huyện, thị xã, thành phố không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo vi phạm trật tự ATGT, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào”.

Mọi người nêu cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông, không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, CMND, CCCD, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ e-mail) cho bất kỳ ai.

Khi nhận được điện thoại hay tin nhắn có những nội dung trên, hãy thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ trực ban Phòng CSGT qua số điện thoại 02763.822.000 để kịp thời xử lý.

Phạt nguội vi phạm giao thông là hình thức xử phạt được pháp luật công nhận và quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 100/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư số 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.

Theo quy định của pháp luật, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự ATGT được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản đến chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm. Trong văn bản có nêu rõ, đề nghị người dân đến đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý.

Có trường hợp chủ phương tiện được Công an xã, phường, thị trấn mời đến trụ sở để tiếp nhận thông báo của CSGT; hoặc đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị đến đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý. Do vậy, khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở đơn vị CSGT ra thông báo để làm việc.

 

Theo Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng thực hiện nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như:

1. Giả mạo nhân viên của các tổ chức y tế gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm hoặc có liên kết dẫn đến nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm của Covid-19. Khi mở tập tin đính kèm hay nhấp vào đường liên kết sẽ bị lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng…

2. Sử dụng mạng xã hội quảng cáo, tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng, sản phẩm có khả năng phòng ngừa Covid-19.

3. Giả danh bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện, mạo nhận là điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi bệnh Covid-19 và yêu cầu thanh toán chi phí quá trình điều trị.

4. Đối tượng tạo trang bán hàng trên mạng xã hội để bán các vật tư y tế như khẩu trang, nước rửa tay, bộ kit test nhanh Covid-19… Sau khi nhận tiền của người mua, đối tượng chặn liên lạc, không giao hàng như thoả thuận.

5. Sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ cá nhân, khu vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh để quyên góp tiền hoặc dụ dỗ đóng góp cho hoạt động phát triển vaccine, tặng khẩu trang miễn phí tẩm thuốc mê…

Công an tỉnh khuyến cáo mọi người cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên. Nếu phát hiện đối tượng thực hiện các hành vi này phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan Công an gần nhất.

Phương Thảo

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục