Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, tình hình vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo diễn biến phức tạp; đặc biệt là tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên tuyến biên giới, qua mạng internet, bưu chính, xe khách vận chuyển hàng hoá...
Một đối tượng tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng bị lực lượng Công an bắt giữ.
Theo Ban Chỉ đạo tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tỉnh (Ban Chỉ đạo 110 tỉnh), hiện nay, tình hình vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo diễn biến phức tạp; đặc biệt là tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên tuyến biên giới, qua mạng internet, bưu chính, xe khách vận chuyển hàng hoá...
Nhiều vụ vi phạm “điển hình”
Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Lực lượng chức năng bằng các biện pháp nghiệp vụ và thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra kiểm soát trên tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều đối tượng. Trong năm 2018, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 30 vụ, 42 đối tượng vi phạm; thu giữ 4 súng quân dụng, 2 quả lựu đạn, 1 súng tự chế, 307 viên đạn; khởi tố 5 vụ, 8 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và xử lý hành chính 25 vụ, 34 đối tượng.
TAND huyện Bến Cầu mở phiên toà xét xử các bị cáo Phan Công Lợi, Nguyễn Phương Thảo và Lê Hoàng Tiến về hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Ngày 29.5.2018, tại quán cà phê thuộc khu phố 1, thị trấn Bến Cầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an huyện Bến Cầu bắt quả tang Lê Hoàng Tiến và Phan Công Lợi có hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng, thu giữ 1 khẩu súng ngắn màu đen, 1 hộp tiếp đạn, 41 viên đạn và một số đồ vật có liên quan.
Tại phiên toà, các bị cáo khai nhận, khoảng đầu tháng 5.2018, Lợi đến gặp và nhờ Thảo tìm người mua giúp 1 khẩu súng ngắn loại K59 để phòng thân. Thảo đồng ý và cho Lợi số điện thoại của một người đàn ông tên Phong (không rõ lai lịch) làm nghề chạy xe ôm để chở sang Campuchia liên hệ người mua súng và đạn. Đến 16 giờ ngày 29.5.2018, Lợi đến một quán cà phê thuộc thị trấn Bến Cầu để chờ người từ Campuchia đem súng và đạn qua giao. Khi đến nơi, người Campuchia giao 1 cây súng K54, 1 hộp tiếp đạn và 41 viên đạn với giá là 22 triệu đồng.
Sau khi giao nhận súng và đạn, Tiến cất giấu trong người và đi ra gặp Lợi thì bị bắt quả tang. Riêng Thảo bỏ trốn về Đồng Nai, đến ngày 25.7.2018 thì đến Công an xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đầu thú. HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Phan Công Lợi 6 năm tù, Lê Hoàng Tiến và Nguyễn Phương Thảo 5 năm tù về cùng tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”.
Cũng liên quan đến hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, mới đây, vào khoảng 17 giờ 50 phút, ngày 3.2.2019, tại một quán nước thuộc khu vực xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh, Công an Thành phố đã kiểm tra một đối tượng. Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện đối tượng này cất giấu trên người 1 khẩu súng quân dụng K54 cùng 5 viên đạn. Qua làm việc ban đầu, đối tượng khai tên L.H.H (sinh năm 1987), quốc tịch Campuchia. Hiện vụ việc đang được Công an TP.Tây Ninh điều tra làm rõ.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Bên cạnh các biện pháp kiểm tra, phát hiện và thu giữ tang vật vi phạm, lực lượng Công an các cấp chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo cơ quan ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Ngành chức năng đã phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; vận động qua hình thức thư ngỏ. Trong năm 2018, các lực lượng chức năng đã vận động thu hồi được 38 khẩu súng các loại (vũ khí quân dụng 17 khẩu, súng săn 8 khẩu, súng tự chế 13 khẩu), 110 công cụ hỗ trợ, 1 vũ khí thô sơ và 360 viên đạn các loại.
“Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện việc mua bán công khai các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Có một số người, nhất là thanh thiếu niên vì thiếu hiểu biết về pháp luật đã vào giao dịch mua bán. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, nguy cơ phát sinh tội phạm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương. Lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh với hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, ông N.T.H, ngụ phường 3, TP.Tây Ninh bày tỏ.
Ban Chỉ đạo 110 tỉnh cho biết, hiện nay, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua mạng internet, dịch vụ bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hoá và vận chuyển trái phép qua biên giới vẫn còn hạn chế. Các đối tượng chỉ giao dịch với người quen biết, luôn cảnh giác với người lạ và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với loại tội phạm này…
Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo 110 tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về hậu quả, tác hại của các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm.
THIÊN DI