Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2022, tội phạm vi phạm về trật tự xã hội trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra trên 733 vụ, có nhiều vụ thanh thiếu niên tụ tập, gây rối đánh nhau.
Tang vật gây án trong một vụ án của nhóm thanh thiếu niên
Gần đây, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, sử dụng hung khí để đánh nhau trên địa bàn Tây Ninh đang có xu hướng gia tăng về số lượng. Điều đáng nói, độ tuổi vi phạm ngày càng trẻ hoá, tính chất bạo lực ngày càng tăng, dùng hung khí để đánh nhau, bất chấp hậu quả xảy ra.
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2022, tội phạm vi phạm về trật tự xã hội trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra trên 733 vụ, có nhiều vụ thanh thiếu niên tụ tập, gây rối đánh nhau.
Mới đây, Công an thị xã Hoà Thành tạm giữ hình sự 11 đối tượng để điều tra hành vi cố ý gây thương tích; thu giữ 1 cây kiếm tự chế, 8 cây rựa, 6 cây ba chĩa, 1 cây phóng lợn, 1 lọ thuỷ tinh bên trong có chứa xăng, 1 bình nhựa chứa xăng; 2 xe mô tô…
Theo đó, Nguyễn Trần Phước Tâm (18 tuổi, ngụ thị xã Hoà Thành) có nợ tiền của Quan Nhị Kha (không rõ lai lịch) nên Hải Triều (cháu của Kha) hẹn Tâm ra khu vực cầu K13, huyện Dương Minh Châu giải quyết. Tâm rủ thêm nhóm bạn khoảng 14 người chuẩn bị hung khí và mua xăng về chế làm “bom xăng”.
Sau đó, cả nhóm kéo đến khu vực cầu K13 nhưng không gặp nhóm của Hải Triều, trên đường về, nhóm này đã chặn đánh và đâm trọng thương anh Trần Phát Đạt, 23 tuổi, ngụ thị xã Hoà Thành do nhầm tưởng anh Đạt là người trong nhóm của Hải Triều.
Đây là vụ việc điển hình, xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, các đối tượng đã không ngần ngại sử dụng hung khí, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người khác. Theo Thiếu tá Nguyễn Trung Hưng- Phó trưởng Công an xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành, trước thực trạng thanh thiếu niên sử dụng vũ khí tự chế nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn trên địa bàn, Công an xã Trường Tây xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác vận động người dân tham gia cung cấp những thông tin liên quan băng nhóm- nhất là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya, chạy xe biểu diễn và sử dụng hung khí có biểu hiện nghi vấn; đồng thời tập trung điều tra các băng nhóm trên địa bàn có liên kết với nhau.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, hiện nay, đa phần vụ việc liên quan đến các nhóm thanh thiếu niên sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xuất phát từ nguyên nhân xã hội, mang tính bộc phát. Nhóm thanh thiếu niên trên chỉ vì những xích mích, mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống hoặc bị bạn bè kích động, rủ rê đã ra tay không chút do dự và máu lạnh với nạn nhân. Có vụ hàng chục thanh thiếu niên tham gia thanh toán lẫn nhau, có đối tượng mới chỉ 12-13 tuổi và sử dụng nhiều loại vũ khí, hung khí nguy hiểm để thanh toán lẫn nhau.
Thiếu tá Huỳnh Văn Sửu- Đội trưởng Đội chuyên đề nghiệp vụ cơ bản, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an Tây Ninh cho biết: đối tượng thanh thiếu niên thực hiện hành vi phạm tội đã nghỉ học từ rất sớm, thiếu sự quan tâm quản lý giáo dục của gia đình.
Công an tỉnh mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; Công an các đơn vị nghiệp vụ, huyện, thành phố, thị xã đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý đối tượng- nhất là đối với các băng, ổ nhóm, đối tượng có biểu hiện nghi vấn về chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Làm tốt công tác nắm tình hình trên không gian mạng, phát hiện tài khoản mạng xã hội, fanpage, các hội nhóm, diễn đàn… lợi dụng không gian mạng để quảng cáo mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kêu gọi tụ tập đánh nhau…
Đồng thời phối hợp với các lực lượng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đến các gia đình, nhà trường nhằm hạn chế tối đa tình trạng sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn.
Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng Công an, cần có sự giúp sức của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện để thanh thiếu niên có được môi trường học tập và làm việc lành mạnh, được giáo dục cách ứng xử có văn hoá, kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống, hạn chế tiếp xúc với những tiêu cực.
Ngoài ra, gia đình phải quan tâm tới con em nhiều hơn, kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm, qua đó động viên con em, uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc… góp phần hạn chế thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.
Hà Thuỷ - Tấn Lực - Phạm Công