Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh tháng 3.2024:
Cảnh báo tình trạng tống tiền, lừa đảo qua mạng
Thứ sáu: 08:26 ngày 22/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người dùng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội, không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội.

Ngày 20.3, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh tháng 3.2024. Hội nghị kết nối với 73 điểm cầu, trong đó 1 điểm cầu cấp tỉnh, 10 điểm cầu cấp huyện và tương đương, 62 điểm cầu cấp xã, phường, thị trấn, tổng cộng 3.924 đại biểu tham dự. Tại điểm cầu Tỉnh uỷ, ông Lê Thành Công- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị, cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh thông tin chuyên đề đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tại hội nghị, lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh thông tin chuyên đề tình hình và kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây và nhiệm vụ thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Tây Ninh xảy ra nhiều vụ lừa đảo qua mạng, tổng số tiền nạn nhân bị lừa hơn 17 tỷ đồng. Quý I năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ việc có bị hại đến cơ quan chức năng trình báo.

Hành vi, hình thức lừa đảo qua mạng liên quan đến mua bán quần áo, điện thoại, xe máy giá rẻ, tuyển cộng tác viên online, đầu tư ngoại hối, sàn tiền ảo, kết bạn qua mạng, hứa hẹn tặng quà giá trị cao, tiền mặt, cá cược…

Ngoài các hình thức trên, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn có một số hành vi khác như quay video clip nhạy cảm, riêng tư để tống tiền, trong đó có một học sinh ở huyện Châu Thành.

Tống tiền bằng ảnh “nóng”

Tháng 2.2024, Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận trình báo của một thiếu nữ tên K và một nam thanh niên tên Đ bị các đối tượng dùng ảnh nóng tống tiền. Cuối năm 2023, K nhận được lời mời kết bạn từ tài khoản Facebook tên “Thành Đạt”.

Qua những lần trò chuyện bằng tin nhắn và gọi video giữa K với người có tài khoản Thành Đạt, K để lộ video nhạy cảm. Sau đó, tài khoản Thành Đạt chặn kết bạn với K, lúc này có một tài khoản Facebook khác kết bạn với K và người này nói có đoạn video nhạy cảm của K, yêu cầu K chuyển 5.000.000 đồng để người này xoá đoạn video đó. Nếu K không chuyển, người này sẽ công khai đoạn video nhạy cảm của K lên mạng xã hội.

Tương tự, Đ cũng kết bạn với tài khoản Facebook Hằng Ni, hai bên nhắn tin thể hiện lời yêu đương, nhiều lần gọi video khoe cơ thể với nhau thì bị tài khoản Hằng Ni quay phim và chụp màn hình.

Sau đó, chủ tài khoản này dùng những hình ảnh có được đe doạ sẽ gửi cho các tài khoản mạng xã hội của bạn bè Đ nếu Đ không chuyển tiền. Vì lo lắng bị lộ hình ảnh nhạy cảm cá nhân, mất danh dự và tin theo lời hứa của đối tượng sẽ xoá hết hình ảnh kia nên Đ đã chuyển 8.000.000 đồng vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp.

Thế nhưng, đối tượng không giữ lời xoá hình ảnh, ngược lại tiếp tục yêu cầu Đ chuyển thêm 20.000.000 đồng. Do không xoay xở tiền được và lo sợ đối tượng không giữ lời hứa nên Đ đã đến Công an trình báo.

Nạn nhân bị tài khoản Facebook tên “Thành Đạt” tống tiền đến Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh trình báo sự việc. (Ảnh: T.N)

Mất 264 triệu đồng vì “bác sĩ ngoại quốc”

Chị M, 54 tuổi, ngụ huyện Tân Châu thường xuyên sử dụng tài khoản cá nhân Facebook để kết bạn trò chuyện trên mạng xã hội. Tháng 10.2023, tài khoản Facebook có tên Kofia Decoration gửi lời kết bạn với chị M.

Qua nhắn tin, người này giới thiệu tên thật là Daniel, quốc tịch Đức, một bác sĩ chuyên khoa mắt. Tài khoản này hứa đến Việt Nam chữa bệnh cho con trai chị, sau đó đón chị M ra nước ngoài sinh sống. Tiếp đó, người này nhắn cho chị M rằng sẽ gửi tặng gói quà gồm điện thoại, áo, dép và 50.000 USD, đồng thời chụp hình những món quà gửi cho chị M thấy và hứa sẽ sang Việt Nam điều trị mắt cho con trai của chị.

Người này còn cho chị M biết, những món quà đó đã trả phí vận chuyển hàng và phía công ty giao hàng sẽ liên lạc để chị M đến nhận. Anh ta còn dặn chị M phải làm theo hướng dẫn của công ty giao hàng để nhận được tiền và quà.

Sau vài ngày, chị M nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên Công ty Fedex yêu cầu chị chuyển 20 triệu đồng phí vận chuyển hàng để công ty giao hàng. Sau khi chuyển tiền, chị M tiếp tục bị nhân viên yêu cầu chuyển thêm tiền với lý do gói hàng của chị nhận là hàng từ nước ngoài gửi về không có uỷ quyền, thừa kế, nếu chị M muốn nhận thì phải chuyển thêm tiền. Chị M tiếp tục chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền là 264 triệu đồng.

Chị M trình báo sự việc với cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: T.N)

Cuối tháng 12.2023, trong lúc chờ nhận quà, chị M nhận tin nhắn từ Kofia Decoration là đã đến Việt Nam nhưng bị Hải quan giữ do vận chuyển đô la có giá trị tương đương 6,7 tỷ đồng vào Việt Nam, nhờ chị M kết bạn Zalo với một tài khoản tên Nguyễn Lan Phương, tự xưng là nhân viên Cục Hải quan để hướng dẫn chị M làm thủ tục.

Vì tin tưởng, muốn lấy được gói hàng và trả tự do cho Kofia Decoration, chị M tiếp tục chuyển khoản 7 lần cho Nguyễn Lan Phương với số tiền 1,9 tỷ đồng. Tổng cộng chị M đã chuyển hết 2,1 tỷ đồng nhưng vẫn tiếp tục bị Nguyễn Thị Lan Phương yêu cầu chuyển khoản thêm 925 triệu đồng, đến lúc này, chị M nhận ra mình bị lừa nên đến Công an trình báo.

Ngoài hai trường hợp cụ thể nêu trên, lãnh đạo Công an Tây Ninh thông tin thêm, thời gian gần đây xuất hiện một số đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan Công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID (ứng dụng giả mạo), kích hoạt tài khoản định danh điện tử; sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, đối tượng sẽ yêu cầu cấp quyền truy cập điện thoại, thực hiện lệnh chuyển tiền, thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

“Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Người dùng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội, không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội”-  lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ lưu ý.

Phát triển công nghiệp văn hoá

Cũng tại hội nghị, ông Lê Thành Công- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ giới thiệu chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hoá. Ông Lê Thành Công cho biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hoá và công nghiệp văn hoá.

Để ngành công nghiệp văn hoá nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm.

Phát triển công nghiệp văn hoá phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, các nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, Đề cương văn hoá Việt Nam (1943), phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.

Phát triển công nghiệp văn hoá phải gắn liền với việc quảng bá, lan toả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin liên quan