Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vấn đề này đã được các cơ quan chức năng liên quan khảo sát, thống nhất hướng giải quyết và đã có kế hoạch nạo vét kênh tiêu trong thời gian sắp tới để bảo đảm thoát nước cho cánh đồng.
Cánh đồng Ba Cụm rộng hàng trăm héc-ta, đổ dài từ kênh N23 xuống khu vực cầu Ba Tấn (tên gọi địa phương, giáp ranh giữa địa bàn ấp Lộc Trung và ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận), bên bờ tả kênh chính Đông. Tình trạng ngập úng vào mùa mưa gây nhiều khó khăn cho việc canh tác nông nghiệp của người dân.
Một góc hiện trạng cánh đồng Ba Cụm.
Cánh đồng Ba Cụm giáp kênh chính Đông (ấp Lộc Trung, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) nhiều năm qua xảy ra tình trạng ngập úng vào mùa mưa. Vấn đề này đã được các cơ quan chức năng liên quan khảo sát, thống nhất hướng giải quyết và đã có kế hoạch nạo vét kênh tiêu trong thời gian sắp tới để bảo đảm thoát nước cho cánh đồng.
Theo người dân canh tác nông nghiệp tại đây, nguyên nhân chủ yếu do kênh tiêu N23-2-2T giáp một cạnh với cánh đồng và liền kề bên bờ tả kênh chính Đông bị hoang hoá, bồi lắng, nhiều cống ngang kênh chưa đồng bộ theo đúng quy cách công trình thuỷ lợi, tình trạng người dân chặt cây xanh vứt nhánh xuống lòng kênh gây cản trở dòng chảy. Ngoài ra, một số hộ tự ý lập rào chắn ngang kênh tiêu để nuôi nhốt vịt, vịt đàn gây sạt lở bờ đất xuống lòng kênh, lục bình và cỏ dại vướng vào rào gây khó thoát nước.
Cuối tháng 9.2023, nhiều hộ dân trồng lúa tại cánh đồng Ba Cụm kiến nghị ngành chức năng khảo sát, có hướng xử lý tình trạng trên, cần thiết nạo vét toàn tuyến kênh N23-2-2T để khơi thông dòng chảy. Trong đó, có ý kiến đề nghị cần nạo vét luôn nhánh rẽ của kênh tiêu này (thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng và xã Trung Lập Thượng, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) thông tới suối Thai Thai dẫn nước đổ ra sông Sài Gòn. Vì nhánh rẽ vừa nêu qua nhiều năm đã bị bùn đất bồi lắng, làm cho lượng nước lớn đổ dồn về đây khó thoát ra sông Sài Gòn nên dội ngược lại kênh N23-2-2T.
Lập rào chắn nuôi nhốt vịt đàn trong lòng kênh N23-2-2T, gây cản trở dòng chảy của kênh và cống ngang kênh (ảnh chụp ngày 22.7.2024)
Đầu tháng 10.2023, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng, UBND xã Hưng Thuận đến khảo sát toàn tuyến kênh N23-2-2T. Qua khảo sát, đoàn công tác nhận thấy việc nạo vét nhánh rẽ của kênh N23-2-2T đổ ra suối Thai Thai là hết sức cần thiết, đây được xem là giải pháp hiệu quả để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại cánh đồng Ba Cụm.
Ngày 17.11.2023, tại nhà quản lý K34 kênh chính Đông, đại diện các đơn vị chức năng nêu trên phối hợp Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức cuộc họp về việc bảo đảm tiêu thoát cho tuyến kênh N23-2-2T. Theo nội dung biên bản cuộc họp thống nhất, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam thực hiện nạo vét toàn tuyến kênh tiêu (đoạn do Công ty quản lý dài 1,6 km từ cầu K32+074 - K34+351). Công ty kiến nghị UBND thị xã Trảng Bàng chỉ đạo UBND xã Hưng Thuận phối hợp, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các hộ chăn nuôi vịt trong phạm vi bảo vệ công trình kênh chính Đông, để việc nạo vét sẽ được triển khai trong năm 2024.
Đối với nhánh kênh tiêu đổ về suối Thai Thai, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất thực hiện kiểm tra, rà soát xử lý ngay các khu vực bị tiêu thoát nước chậm gây ảnh hưởng cục bộ trên các tuyến kênh tiêu. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ các tuyến kênh tiêu nhánh, suối Thai Thai, đánh giá khả năng tiêu thoát nước, nếu cần thiết thì đề xuất phương án đầu tư công năm 2024.
Đến mùa mưa năm nay, kênh tiêu N23-2-2T vẫn chưa được nạo vét, tình trạng cánh đồng Ba Cụm bị ngập úng tái diễn. Người dân canh tác nông nghiệp tại đây tiếp tục nôn nóng kiến nghị cơ quan chức năng sớm thực hiện nạo vét kênh, nhánh kênh đổ về suối Thai Thai.
Ngày 22.7.2024, ông Phạm Đình Đệ, người dân có hơn 2 ha diện đất trồng lúa tại cánh đồng Ba Cụm cho hay, theo địa hình thì nước mưa trên cánh đồng đổ dồn về kênh N23-2-2T. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như trên đã làm cho cả cánh đồng ngày càng khó thoát nước. Thực tế, kênh tiêu có đoạn chỉ còn rộng khoảng 1m, cỏ dại, cây xanh chen chúc mọc. Cống do người dân tự đặt ngang kênh không đồng bộ về độ cao, thấp, nhiều miệng cống không đủ lớn để bảo đảm thoát nước. Hiện tại, do cánh đồng bị ngập úng nên vẫn còn nhiều diện tích lúa chưa thu hoạch được, trong khi các diện tích đã thu hoạch lúa thì không thể cải tạo đất để xuống vụ mới. Ông Đệ kiến nghị ngành chức năng sớm thực hiện nạo vét kênh để bà con canh tác vụ mùa được thuận lợi.
Ông Phạm Đình Đệ mô tả kênh tiêu hiện trạng có đoạn bị thu hẹp chỉ còn rộng khoảng 1m gây khó thoát nước.
Trao đổi với ông Lê Anh Tâm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT vào ngày 23.7.2024, ông cho biết kế hoạch nạo vét kênh tiêu N23-2-2T sẽ được triển khai theo hướng thống nhất tại biên bản cuộc họp nêu trên. Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam nạo vét toàn tuyến kênh tiêu với chiều dài khoảng dài 1,6 km.
Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi Thành phố Hồ Chí Minh nạo vét tuyến kênh nhánh của kênh N23-2-2T đổ ra suối Thai Thai. UBND tỉnh cũng đã có quyết định về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống lụt bão năm 2024 cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam. Trong đó, công ty đã lập kế hoạch sử dụng một phần kinh phí để nạo vét kênh tiêu N23-2-2T.
Cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Mạnh- Phó Giám đốc Chi nhánh Dầu Tiếng - Phước Hoà (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam) cho biết, công ty đã hoàn thành khảo sát toàn tuyến kênh cần nạo vét, lập hồ sơ tư vấn thiết kế, hiện hồ sơ này đang được thẩm định và chuẩn bị tổ chức mời thầu. Dự kiến, khoảng cuối tháng 8.2024, công ty cho đơn vị thi công nạo vét kênh N23-2-2T và hoàn thành trong đầu tháng 10.2024.
Ngoài việc cần thiết phải nạo vét kênh tiêu, ông Mạnh cũng khuyến cáo người dân nên chủ động nạo vét các tuyến mương nhánh thông từ nội đồng Ba Cụm ra kênh tiêu, để bảo đảm thoát nước dứt điểm trên diện tích đất nông nghiệp rộng hàng trăm héc-ta.
Quốc Sơn - Đại Dương