Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cánh Đông Trảng Bàng, những mảng màu son
Thứ tư: 06:21 ngày 13/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo con đường từ cổng trụ sở UBND huyện Trảng Bàng thẳng tới, băng ngay đường Xuyên Á là tới khu phố Lộc Du, thuộc thị trấn Trảng Bàng. Dọc phố là kề vai sát cánh những quán ăn từng nổi tiếng với người Tây Ninh và cả nước qua một món ăn nổi tiếng- bánh tráng phơi sương. Thế là ta đã đi trên tỉnh lộ số 6- trục xuyên suốt qua các xã cực Đông để về tới tâm điểm của vùng tam giác sắt.

Chợ Lộc Hưng.

Cũng xin nói ngay rằng, lộ 6 nay đã được thảm bê tông nhựa đến tám, chín phần mười. Các công trình lớn hoặc nhà biệt thự mới xây còn chưa có mấy nhưng những dấu tích xưa một thời lửa khói đạn bom đều đã sạch rồi. Những hố đạn bom xưa đều đã lút dưới bời bời lúa, đậu.

Thỉnh thoảng ta lại gặp một con đường kiểu xương cá chạy từ lộ 6 vào những xóm xa- đường nhựa, đá dăm phẳng phiu. Trưa vắng hoe, chỉ thấy những hàng dừa cau và hàng cột điện thẳng tắp bên đường. Nhà ở thấp, lưa thưa như lim dim ngủ giữa những khoảng vườn thưa im vắng.

Chỉ khi đến khoảng gần trung tâm xã Lộc Hưng cách Thị trấn gần 10km mới thấy không gian thị tứ đông vui. Con đường vòng qua Lộc Tân về Lộc Chánh đưa ta tới đình Lộc Hưng mới dựng lại cách nay khoảng 5-7 năm.

Trước đó, khuôn viên rộng thênh thang này chỉ có một nhà bia liệt sĩ. Nay ngôi đình mới đã mọc lên, óng ả ngói đỏ. Xưa, đây là nơi ra mắt của chính quyền cách mạng huyện lần đầu tiên trên đất Trảng Bàng. Ở đầu con đường này, nơi giáp lộ 6, chợ Lộc Hưng gọn gàng, sạch đẹp trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Những mái ngói đỏ au còn thấp thoáng phía sau.

Phía trước chợ là những quầy, sạp ngăn nắp. Không còn cảnh hàng hoá, người xe lấn ra tới lề đường. Từ chợ, ngược trở lại lộ 6 hướng Trảng Bàng một đoạn sẽ gặp Trường tiểu học Thanh Hoà hai tầng ngói đỏ.

Nghe nói trường mới xây năm 2009, nay sân trường đã sum suê bóng mát, trước cổng xoè rộng tán phượng, có cả những rặng hoa dâm bụt đỏ chập chờn sau những bụi tra loáng thoáng bông vàng. Nhưng muốn ngắm hoa thật đẹp thì phải sang trụ sở Đảng uỷ và UBND xã.

Bên ấy có hai cây bằng lăng lớn trùm bóng rộng tròn lên hai khoảng sân rừng rực màu bông hồng tím thẫm. Đây cũng là một công trình đẹp và nghiêm túc kiểu cơ quan hành chính phục vụ người dân. Con người thì thân thiện dễ gần - ngay ở lần đầu mới gặp.

Qua cầu kênh Đông có chiếc cổng chào đón ta vào Hưng Thuận mà trước năm 2004 nó còn thuộc về Đôn Thuận. Công trình bên đường đẹp nhất vẫn là trường học.

Là Trường tiểu học mang tên nữ liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thị Hiệt với những dãy nhà hai tầng quây lấy sân rộng, sum suê bóng phượng vĩ, xà cừ.

Tên ấp Cầu Xe gợi nhớ cho người Tây Ninh về một trận bom dội của địch xuống Trường học Cầu Xe năm 1963. Bia tưởng niệm cũng gần đây, bảng đá đen khắc tên 11 học sinh tuổi 9-10 đã bị giết hại. Xin nhắc lại, đây cũng là nơi xảy ra khởi nghĩa Trảng Cỏ - Cầu Xe tháng 2.1958.

Năm ấy, chị Hiệt đang là đảng viên phụ trách ấp Cầu Xe. Sau, chị là Bí thư xã Đôn Thuận. Chị đã anh dũng hy sinh ngay trên đất quê mình ngày 26.3.1966, sau một trận bom chiến dịch phản kích mùa khô lần thứ nhất của quân đội Mỹ vào khu căn cứ Bời Lời.

Nhắc đến hy sinh mất mát, xin đừng quên đất này còn có một nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bàng. Nghĩa trang huyện nhưng có tới hơn 1.700 ngôi mộ. Và liệt sĩ là người của hơn 60 tỉnh, thành cả nước. Sau khối tượng đài Tổ quốc ghi công cao vút là một bức phù điêu màu đồng mô tả cuộc đấu tranh kiên cường trên đất Trảng Bàng.

Thật đẹp cái ý tưởng này- trên cái nền như những tấm phên phơi bánh tráng rất mộc mạc hiền lành kia là những khối tượng người, biểu hiện đầy đủ cả ba mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận.

Về Hưng Thuận và Đôn Thuận. Ngã ba Bùng Binh nổi tiếng có biển chỉ đường, mách ta biết về đền Bến Dược chỉ còn 6km.

Theo đường ấy chừng hơn 2 cây số, ta sẽ gặp khu mộ cụ Đại Hương cả Đặng Văn Trước, người được triều Nguyễn phong làm thành hoàng đình Gia Lộc, nay nằm trong thị trấn Trảng Bàng.

Vẫn còn chung quanh mộ dấu tích bom B52 trên thềm sông Sài Gòn. Phía trong đường là những cánh rừng hun hút cao su cao như những bức tường thành của thời dựng xây đất nước.

Phía ngoài kia là sông, miên man nước chảy, bèo trôi về phía Sài Gòn. Dọc đường 789 về Bến Củi cảnh quan cũng tương tự thế, chỉ khác là con đường cũng trườn qua những dốc cao, lũng thấp y như phố phường Đà Lạt. Thỉnh thoảng lại gặp những bến sông sâu hun hút dưới chân đường. Mưa.

Mô tả thế! Để những người ở xa yêu mến đất Tây Ninh biết rằng miền cực Đông Trảng Bàng này không chỉ là miền đất thép năm xưa; mà còn là miền đất tiềm năng của mọi ngành kinh tế mũi nhọn thời đương đại.

Nhờ kênh Đông mà nay tất cả các xã cực Đông đã dào dạt và trong ngần nước chảy. Chỉ riêng kênh các cấp 1, 2, 3 ở Lộc Hưng cũng đã tới gần 76km. Gia Lộc cũng có 54km. Đôn Thuận và Hưng Thuận thì khỏi bàn, một bên sông và bên kia, kênh Đông chảy dọc ngay giữa đất chiến khu Bời Lời khi trước.

Tha hồ đất và nước mà chuỗi giá trị nông nghiệp đang cần. Nhưng có vẻ như, người Tây Ninh vẫn còn luyến tiếc ý tưởng phát triển cảnh quan du lịch trên miền đất này từng có khoảng 10 năm trước.

Thì khu tái hiện di tích cách mạng miền Nam đã được quy hoạch ở ngay Bời Lời, diện tích 146 ha lâu nay bỗng “chững” lại, sau khi tái tạo rừng và xây được mấy con đường trục; kết hợp với khu Bến Dược, Củ Chi cách khoảng trên dưới 10km. Kết hợp với tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đây, vươn tới mũi Cà Mau thì hỏi có đâu bằng?

Và ngay trước mắt, chỉ cần liên kết với Củ Chi thôi, ta sẽ có ngay một “tour du lịch chiến trường” như Quảng Trị đã làm. Cứ theo những địa danh đã kể cũng đã có muôn màu vẻ cảnh quan; để những cái tên như: Trảng Cỏ, Cầu Xe, Bời Lời, Bùng Binh, Bà Nhã, Sóc Lào, Đôn Thuận… có thể thành những dấu son trên bản đồ du lịch Tây Ninh và cả nước.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục