Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cảnh giác các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh chiếm đoạt tài sản
Thứ bảy: 00:41 ngày 31/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, cả nước đang tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác bảo đảm an ninh trật tự được tăng cường. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác.

Ngày 13.6.2021, Báo Tây Ninh Online có bài “Công an Tây Ninh cảnh báo thủ đoạn phát khẩu trang miễn phí tẩm thuốc mê để chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, một số địa phương trên cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh… xuất hiện đối tượng giả làm người của cơ quan, đoàn thể phát khẩu trang (miễn phí) có tẩm thuốc mê nhằm chiếm đoạt tài sản. Báo cũng cho biết, mới đây, Công an thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang thông báo phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm trên để người dân cảnh giác.

Nhóm đối tượng khoảng 3 đến 5 người, chọn thời điểm vắng người hoặc những gia đình chỉ có người già, trẻ nhỏ để tiếp cận. Nhóm này tự giới thiệu là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương hoặc cán bộ y tế xã, phường đến điều tra về tình hình sức khoẻ.

Các đối tượng này đeo thẻ như cán bộ công chức, đeo khẩu trang bịt kín hoặc mặc quần áo bảo hộ và cho biết đang có chương trình phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng, chống dịch bệnh nhưng những chiếc khẩu trang này đã được tẩm thuốc mê. Khi nạn nhân đeo vào sẽ bị hôn mê, các đối tượng lục soát lấy tài sản có giá trị rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh Tiền Giang ngày 12.6.2021 có nội dung về các đối tượng lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân trong tình hình dịch Covid-19, giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín, khó nhận dạng, đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch để thu tiền hoặc thông báo cách ly qua điện thoại, sau đó yêu cầu cung cấp thông tin để đánh cắp thông tin cá nhân hay giả dạng nhân viên y tế thông báo tiêm ngừa dịch vụ để chiếm đoạt tiền đặt cọc; vận động với lý do quyên góp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản…

Báo Công an nhân dân điện tử ngày 8.7.2021 có nội dung Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát “thuốc diệt khuẩn” để lừa đảo thu tiền hoặc giả mạo nhân viên y tế, đại diện các nhà sản xuất vaccine phòng Covid-19 thông báo cung cấp dịch vụ, người dân được quyền tiếp cận vaccine Covid-19 và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng rồi chiếm đoạt hoặc cung cấp vaccine Covid-19 giả.

Các đối tượng còn giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản. Ngoài ra, các đối tượng còn đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19 để vận động quyên góp, chiếm đoạt tài sản; gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.

Các đối tượng còn gửi các tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên, địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản…

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh như hiện nay, những tiện lợi khi mua hàng online là điều không thể phủ nhận. Báo Công an nhân dân điện tử ngày 29.5.2021 cho biết, lợi dụng hình thức mua bán này, không ít đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, bán hàng trôi nổi, kém chất lượng; người mua hàng qua mạng muốn khiếu nại, đòi lại tiền đã giao dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Báo điện tử Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày 22.4.2021, để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến, các đối tượng tội phạm thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân. Ðiển hình là kết bạn qua mạng xã hội và bán hàng với giá rẻ, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc.

Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khoá trang mạng của mình hoặc xoá hẳn để xoá dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Ngoài ra, chúng thường giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng để rút tiền; giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản...

Ðối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản, tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả đối với xã hội của hành vi đó mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định số 167/2013/NÐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: Người có hành vi trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng; có hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ðối với người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xử lý, cụ thể như sau:

Phạm tội cướp tài sản trong trường hợp lợi dụng dịch bệnh thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Phạm tội trộm cắp tài sản trong trường hợp lợi dụng dịch bệnh thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp lợi dụng dịch bệnh thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Anh Tuyết

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục