Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua mạng
Thứ bảy: 07:14 ngày 22/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, như: “combo du lịch giá rẻ”, lừa đảo cuộc gọi video Deepfake và lừa đảo “khoá SIM” vì chưa chuẩn hoá thuê bao.

1. Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”

* Dấu hiệu nhận diện:

Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền (từ 30%-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt tiền.

Đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hoá đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xoá mọi dấu vết.

Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.

Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.

Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự huỷ sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

* Biện pháp phòng tránh:

Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.

Bên cạnh đó, cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30%-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể, nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Đồng thời, chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Đặc biệt, đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

2. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake

Deepfake đang là một mối đe doạ đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung, tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Người dân nhận được các cuộc gọi liên quan đến các nội dung về tài chính thì nên tỉnh táo xác nhận thêm.

* Dấu hiệu nhận biết:

+ Thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây.

+ Khuôn mặt thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói, hoặc tư thế trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán với nhau…

+ Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên.

+ Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

+ Ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu... Yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.

* Biện pháp phòng tránh:

Theo đó, nếu nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên hãy bình tĩnh và xác minh thông tin:

Liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác xem có đúng là họ cần tiền không.

Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch.

Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không.

Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.

3. Lừa đảo “khoá SIM” vì chưa chuẩn hoá thuê bao

* Dấu hiệu nhận diện:

Các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc nhà mạng gọi điện và thông báo số điện thoại của người sử dụng sẽ bị khoá 2 chiều trong 2 tiếng với các lý do như “chưa nộp phạt”, “thuê bao sai thông tin”.

Sau khi yêu cầu cung cấp thông tin, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện một số bước tiếp theo như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi...

Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

* Biện pháp phòng tránh:

Để phòng tránh, người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hoá hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Chỉ thực hiện theo các thông báo cập nhật, chuẩn hoá thông tin từ các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông di động sử dụng cho mục đích nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hoá thông tin thuê bao.

Người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp để được hỗ trợ, hướng dẫn. Đối với các thuê bao đã bị khoá hai chiều, người dân phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hoá và mở khoá liên lạc lại.

Đức An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục