Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng:
Cảnh giác để không sập bẫy
Thứ sáu: 00:34 ngày 26/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng tuy không mới và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo khá nhiều lần, nhưng vẫn có không ít nạn nhân sập bẫy, bị lừa hàng tỷ đồng.

Người dân cần cảnh giác để không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng (ảnh minh hoạ)

Bị lừa hàng tỷ đồng

Thượng tá Phan Văn Triều- Trưởng Công an thành phố Tây Ninh cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xảy ra một số vụ các đối tượng lợi dụng môi trường mạng thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn giả mạo tới người dân, mạo danh là lực lượng Công an, Toà án, Viện Kiểm sát thông báo cho người dân đã vi phạm một vấn đề nào đó như mua bán sử dụng trái phép chất ma tuý, rửa tiền, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phải nộp tiền hoặc chịu mức xử phạt tù.

Đối tượng mà tội phạm hướng đến đa phần là phụ nữ, người già trên 60 tuổi, chúng đánh vào tâm lý khiến bị hại hoang mang, lo sợ, thực hiện theo yêu cầu cung cấp số căn cước công dân, số tài khoản, cấp mã OTP giao dịch ngân hàng… dẫn đến bị mất tiền.

Điển hình, ngày 8.11 vừa qua, một phụ nữ lớn tuổi ngụ trên địa bàn thành phố Tây Ninh bị một số đối tượng tự xưng là cán bộ Bộ Công an đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và mua bán trái phép chất ma tuý” có liên quan đến số CMND và số tài khoản ngân hàng mà bà đang sử dụng.

Các đối tượng đã đe doạ, yêu cầu bà chuyển hết số tiền ở các tài khoản ngân hàng khác mà bà đang sử dụng về số tài khoản của Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Tây Ninh do bà đứng tên, yêu cầu bà cung cấp số mã OTP để các đối tượng kiểm tra, xác định bà có liên quan đến vụ án này hay không.

Do sợ và muốn chứng minh việc không liên quan đến vụ án mà các đối tượng đã đưa ra nên bà đã thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo. Đến ngày 9.11, khi biết bị lừa, bà kiểm tra thì phát hiện bị các đối tượng rút, chiếm đoạt khoảng 6,3 tỷ đồng.

Vụ thứ hai xảy ra ngày 13.5.2021, một nạn nhân cũng ngụ trên địa bàn thành phố Tây Ninh nhận được cuộc gọi vào số điện thoại bàn, đối tượng tự xưng là Công an Kinh tế thông báo bà sử dụng CCCD mở tài khoản ngân hàng cung cấp cho đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia.

Sau đó, chuyển máy cho đối tượng tự xưng cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông báo bà có lệnh bắt giam 3 tháng, yêu cầu nạn nhân kết nối zalo để gửi lệnh bắt giam cho bà, tiếp tục yêu cầu nạn nhân đến ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định, chụp thông tin phiếu chuyển tiền gửi zalo với lý do để lấy thông tin người nhận, thực hiện điều tra, phong toả tài sản của đối tượng mà cơ quan Công an đang điều tra, sau khi điều tra xong sẽ trả lại tiền cho nạn nhân.

Khi nhận được tiền, chúng làm biên nhận ghi rõ họ tên, chức vụ thiếu tá Công an có nhận số tiền của nạn nhân và đóng dấu của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Nạn nhân tin tưởng làm theo nên đã chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định và bị chiếm đoạt số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Nhận diện các chiêu thức lừa đảo

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các cuộc gọi đến số điện thoại, zalo, facebook của nạn nhân, chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng. Phổ biến nhất là thủ đoạn giả danh, các đối tượng dùng phần mềm công nghệ gọi điện thoại trên mạng internet (số ảo) để giả các tổng đài điện thoại hoặc đầu số gọi đến có dấu (+) như +084028…, +028… gọi vào số điện thoại của nạn nhân để giả danh nhân viên Bưu điện thông báo có bưu phẩm gửi nhiều lần không nhận, nhân viên Điện lực thông báo nợ cước phí hay giả danh Công an thông báo nộp phạt vi phạm giao thông.

Khi nạn nhân phủ nhận không liên quan đến các sự việc trên thì được nối máy đến đối tượng giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Toà án thông báo nạn nhân có liên quan đến đường dây tội phạm buôn bán ma tuý, rửa tiền… đã có lệnh bắt giam, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, năm sinh, địa chỉ, con cái làm nghề nghiệp gì, tài sản có tiền, vàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài khoản ngân hàng…) để đối chiếu.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân kết bạn zalo và gọi điện qua ứng dụng này. Nếu nạn nhân vẫn chưa tin, các đối tượng sẽ gửi lệnh bắt tạm giam qua zalo với thông tin đúng như nạn nhân cung cấp; yêu cầu nạn nhân không được nói cho ai biết để bảo mật. Nạn nhân lúc này lo sợ, làm theo yêu cầu và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để phục vụ điều tra, kiểm tra xong sẽ trả lại tiền nhưng kỳ thực chúng sẽ chiếm đoạt.

Các đối tượng lừa đảo cũng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo số tài khoản ngân hàng của nạn nhân gặp sự cố, bị lộ lọt thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc đăng nhập theo đường link (liên kết) được gửi đến để kiểm tra, khắc phục sự cố.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng còn thực hiện các thủ đoạn khác như kết bạn zalo, facebook, thông báo nạn nhân được tặng quà giá trị lớn nhưng đang bị kẹt ở sân bay, bến cảng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để đóng các loại phí rồi sau đó chiếm đoạt.

Đối với thủ đoạn cho vay qua mạng, chúng yêu cầu chuyển tiền nhiều lần để chiếm đoạt với lý do như làm hồ sơ, phí bảo hiểm khoản vay, phí vượt mức số tiền vay, chuyển sai số tài khoản nhiều lần yêu cầu chuyển lại…

Cung cấp thêm thông tin về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn, cuộc gọi giả mạo, ông Hoàng Xuân Liên- Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đối với tin nhắn giả mạo, trong nội dung tin nhắn luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo (có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng, doanh nghiệp) do các đối tượng quản lý khiến người dùng dễ lầm tưởng, mất cảnh giác.

Chúng hướng dẫn người dân truy cập, giao dịch tại trang này; khi người dùng nhập tên tài khoản, mật khẩu giao dịch trên web sẽ bị chúng kiểm soát toàn quyền truy cập và có thể thực hiện bất kỳ giao dịch nào mà được nhà cung cấp dịch vụ cho phép như các tài khoản giao dịch ngân hàng, chứng khoán, viễn thông… Đối với cuộc gọi giả mạo, thông thường người dùng sẽ thấy các cuộc gọi nhỡ lúc đêm khuya với các đầu số nước ngoài như +375 (Belarus), +371 (Latvia), +255 (Tanzania)...

Khi người dùng gọi lại thì sẽ bị thiết lập cuộc gọi từ Việt Nam đi quốc tế với số tiền cước rất lớn. Ví dụ, cước gọi đến số điện thoại vệ tinh trung bình 99.000 đồng/phút, cao nhất có thể đến 150.000 đồng/ phút và bị tính cước ngay khi đổ chuông.

Thượng tá Đỗ Văn Long- Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cung cấp thông tin phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo

Để nâng cao cảnh giác khi tiếp nhận các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được để phát hiện tin nhắn giả mạo ngân hàng, tổ chức; không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Thông thường, các website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu bằng hình ổ khoá bên cạnh tên miền (giao thức https).

Ngoài ra, khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dùng có thể gọi điện trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, tổ chức để kiểm tra lại thông tin; phản ánh tin nhắn giả mạo tới ngân hàng, tổ chức, các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi nhìn thấy các cuộc gọi nhỡ có đầu số nước ngoài, người dùng không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.

Nắm được các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thời gian qua, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân biết, phòng ngừa.

Thượng tá Đỗ Văn Long- Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: “Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi từ người lạ, tự xưng là Công an, Viện Kiểm sát, cán bộ cơ quan Nhà nước… thông báo vi phạm pháp luật, đang bị điều tra, khởi tố, bắt giam để yêu cầu chuyển tiền.

Cơ quan thực thi pháp luật chỉ mời làm việc với người dân thông qua Công an xã, phường, thị trấn, do đó, mọi trường hợp người dân cần liên hệ, báo Công an xã, phường, thị trấn. Người dân cũng cảnh giác với các cuộc gọi đến từ các đầu số có dấu (+) vì đây là số điện thoại ảo, nếu có thân nhân ở nước ngoài cần kiểm tra thêm các đầu số gọi quốc tế; cảnh giác với lời mời tham gia đầu tư kinh doanh trên các sàn giao dịch, tiền ảo… với việc không làm gì vẫn có tiền và lãi cao. Nếu thực hiện sẽ sập sàn, mất tiền”.

Phương Thuý

Công an tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối:

Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP giao dịch tài khoản ngân hàng cho người không quen biết. Nếu thực hiện sẽ bị đối tượng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Không nhấp vào đường link lạ được chia sẻ trên mạng internet để tham gia bình chọn các hoạt động trên mạng có yêu cầu đăng nhập zalo, facebook. Nếu thực hiện, sẽ bị chiếm đoạt tài khoản zalo, facebook và bị giả danh tài khoản của mình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trường hợp khi nhận được tin nhắn qua zalo, facebook, messenger của người thân có yêu cầu mượn tiền cần phải gọi điện trực tiếp xác nhận, tránh bị lừa mất tiền.

Không được nhấp vào đường link do người tự xưng nhân viên ngân hàng cung cấp để khắc phục sự cố tài khoản ngân hàng. Nếu thực hiện, bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Không giao dịch tài sản qua mạng với người không biết rõ họ tên, địa chỉ, lai lịch. Nếu thực hiện, sẽ bị mất tài sản.

Không làm theo yêu cầu cài các ứng dụng (App) trên điện thoại để vay tiền qua mạng. Nếu thực hiện, sẽ bị mất tiền, lộ thông tin danh bạ, quấy rối.

Khi phát hiện các trường hợp giả mạo, đe doạ, cần báo ngay cho cơ quan Công an qua đường dây nóng 0276.3822001 hoặc thông báo cho cơ quan Công an gần nhất.

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh