Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cảnh giác dịch vụ đổi tiền mới dịp tết
Thứ hai: 14:11 ngày 06/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm gần đây, hoạt động đổi tiền mới, tiền lì xì Tết diễn ra sôi nổi, đi kèm với đó là những lời cảnh báo lừa đảo của các cơ quan chức năng.

Những ngày cận tết Nguyên đán Ất Tỵ- 2025, dịch vụ đổi tiền mới, tiền lì xì tết bắt đầu sôi động, nhất là thị trường online. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò lừa đảo khi đổi tiền mới cũng hoạt động ráo riết, người dân cần nâng cao cảnh giác để không rơi vào cảnh “tiền mất tật mạng”.

Phí đổi tiền tăng nhưng nhu cầu đổi thấp

Thời điểm này, dịch vụ đổi tiền mới trên mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok… bắt đầu rầm rộ. Chỉ cần gõ từ khoá “đổi tiền mới, tiền lì xì tết”, hàng trăm tài khoản, hội nhóm công khai liên quan đến dịch vụ này xuất hiện. Mệnh giá đổi nhỏ nhất là 1.000 đồng-2.000 đồng; mệnh giá cao hơn từ 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 và 200.000 đồng. Mỗi mệnh giá có mức phí khác nhau, tiền mệnh giá càng nhỏ, phí chênh lệch càng cao.

Trong một nhóm đổi tiền lì xì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tài khoản C.T đăng nhiều bài viết có nội dung đổi tiền mới. Liên hệ với tài khoản C.T, người này cho biết, mệnh giá 1.000 đồng, có mức phí 140.000 đồng/triệu đồng; mệnh giá 2.000 đồng, phí 90.000 đồng/triệu đồng; mệnh giá 5.000 đồng, phí 70.000 đồng/triệu đồng; mệnh giá 10.000 đồng, phí 75.000 đồng/triệu đồng; mệnh giá 20.000 đồng “lướt” (tức là không nguyên seri), phí 63.000 đồng/triệu đồng... Người này thông tin thêm, khách hàng đổi ít phí cao hơn, đổi nhiều sẽ giảm phí, đổi sớm được giá ưu đãi vì cận tết sẽ “cháy hàng”.

Thị trường đổi tiền lì xì tết sôi động trên các hội nhóm mạng xã hội.

Các hội nhóm đổi tiền mới xuất hiện dày đặc như “nấm mọc sau mưa” trên Facebook, cùng nhiều tài khoản đăng bài nhận đổi tiền mới, tại mỗi bài viết có hàng trăm lượt bình luận hỏi phí đổi tiền. Liên hệ tài khoản T.V.N, người này cho hay, tất cả các mệnh giá đều có mức phí từ 50.000 đồng/1 triệu đồng và hẹn sau 2-3 ngày có thể chuyển tiền cho khách. Trong mỗi bài đăng, chủ tài khoản còn nhấn mạnh: “Cam kết uy tín, tiền mới thật 100%”; “Chuẩn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”; “Đổi càng sớm, phí càng rẻ”; “Lưu ý, phí cận Tết tăng theo ngày, theo giờ”… để thu hút sự chú ý, chào mời được nhiều khách hàng. Nhiều tài khoản còn rao tuyển cộng tác viên, có máy đếm tiền khi giao dịch trực tiếp, không giao dịch qua trung gian.

Đặc biệt, năm 2025 là năm Ất Tỵ nên những tờ tiền có giá trị lưu niệm in hình rắn được rao bán khá đa dạng. Chẳng hạn, tờ tiền mệnh giá 100 đô la Macao 2025 có giá 15 ngàn đồng/tờ; tờ tiền đô 3D hình rắn, combo 5 tờ giá 150 ngàn đồng, 10 tờ giá 250 ngàn đồng, 20 tờ giá 400 ngàn đồng. Nhiều người có nhu cầu sử dụng tiền mới dịp tết với mong muốn gặp may mắn trong năm mới, nhưng nếu không cẩn thận khi đổi tiền có thể gặp rủi ro. Thực tế, không ít trường hợp bị lừa tiền do phải đặt cọc trước hoặc đã mất phí đổi tiền mới nhưng nhận lại là tiền cũ, thậm chí là tiền giả.

Những tờ tiền in hình rắn năm Ất Tỵ 2025 được rao bán trên các trang mạng xã hội

Năm nay, mặc dù dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội hoạt động nhộn nhịp nhưng nhu cầu của người dân dành cho các dịch vụ này giảm. Chị Nguyễn Thị Yến Phương (phường 2, thành phố Tây Ninh) cho biết, năm nay thu nhập của chị bị giảm nên chị và gia đình không có nhu cầu đổi nhiều tiền mới để lì xì. “Gần tết, tôi sẽ nhờ người quen đổi tiền mới không tốn phí, vì đổi qua mạng rất nhiều rủi ro, sợ nhất là lừa đảo”- chị Yến Phương chia sẻ.

Thận trọng dính “bẫy” lừa đảo

Những năm gần đây, hoạt động đổi tiền mới, tiền lì xì tết diễn ra sôi nổi, đi kèm với đó là những lời cảnh báo lừa đảo của các cơ quan chức năng. Ngay từ đầu năm, cơ quan Công an đã cảnh báo các thủ đoạn như: dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới với nhiều mệnh giá khác nhau, tiền mới đẹp, có thể chọn sê-ri… các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng nhu cầu của người dân mà sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, thậm chí là tiền giả để lừa người dân.

Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, việc giao dịch, trao đổi tiền cần thực hiện tại các điểm an toàn như ngân hàng. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.

Các tài khoản các nhân đăng dịch vụ đổi tiền mới vào các hội nhóm mạng xã hội

Theo luật sư Trần Thị Kim Thảo, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, hiện không có quy định nghiêm cấm cá nhân trao đổi tiền mới với nhau trong dịp tết. Do đó, hành vi trao đổi tiền mới để lì xì không được xem là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cá nhân thực hiện dịch vụ đổi tiền mới có phát sinh chi phí để kiếm lời là đang vi phạm pháp luật. Việc xử phạt sẽ thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.

Ngoài ra, theo luật sư Thảo, tại Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15.12.2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh cũng chủ động nắm bắt; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt với mệnh giá khác nhau cho các tổ chức tín dụng phục vụ thanh toán, chi trả lương và chi tiêu trong đời sống của người dân. Đồng thời chỉ đạo, yêu cầu nhân viên ngân hàng không tiếp tay cho các đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá; phối hợp các cơ quan liên quan bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ; khuyến khích sử dụng hình thức chuyển khoản trong các giao dịch.

Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục