Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cảnh giác hoả hoạn trong mùa nắng nóng
Thứ tư: 09:34 ngày 03/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi phát hiện cháy, mọi người cần nhanh chóng gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc báo đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất; đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn an toàn.

Để hạn chế các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, cùng với sự chủ động phương án phòng ngừa của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), các cơ quan, doanh nghiệp và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa hoả hoạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình và cộng đồng.

Cảnh sát PCCC và CNCH chữa cháy rừng tại khu vực núi Phụng.

Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình nắng nóng gay gắt còn kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rất cao, đặc biệt là nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp độ 5- cấp cực kỳ nguy hiểm. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng cháy để người dân nâng cao ý thức phòng ngừa, chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy (trong đó: 5 vụ cháy nhà dân; 2 vụ cháy mái che, mái lá; 1 vụ cháy cỏ; 2 vụ cháy rừng, gây thiệt hại tài sản gần 100 triệu đồng và 2 ha rừng trồng). Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy chủ yếu là chập điện, đốt cỏ gây cháy lan, sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa…

Cụ thể, ngày 20.3.2024, tại Khu rừng văn hoá - lịch sử núi Bà (khu vực núi Phụng) liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy. Ban Chỉ huy PCCC rừng đã phối hợp Phòng Cảnh sát  PCCC&CNCH huy động tối đa lực lượng, phương tiện từ các cơ quan chức năng cùng với người dân canh tác trên núi tham gia chữa cháy.

Sau hơn 2 ngày nỗ lực chữa cháy, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Qua điều tra, nguyên nhân được xác định là người dân đi bắt ong gây ra. Hai vụ cháy không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng gây cháy, nám cây ăn trái của người dân.

 Rút kinh nghiệm từ vụ cháy vừa qua, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đề ra nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng trong thời gian tới. Ông Phan Anh Tùng- Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cho biết, Ban Quản lý chủ động tăng cường các biện pháp để phòng, chống cháy, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: trang bị phuy nước, bồn inox đặt ở những vị trí có thể bơm tiếp nước để tăng cường nguồn nước trong mùa khô năm 2024.

Để bao quát hết được địa bàn núi, Ban Quản lý đã phân vùng và xác định khu vực trọng điểm nhằm tăng cường lực lượng túc trực trong thời gian cao điểm từ 10 giờ đến 14 giờ; đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động những hộ dân ven rừng, hộ hợp đồng nhận khoán và hướng dẫn họ quét dọn lá khô tạo đường băng, không để cháy lan, cháy lớn nếu xảy ra.

Theo ông Lâm Văn Thành- Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, anh em trong đội tuần tra thường xuyên kiểm tra những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tuyên truyền người dân không được sử dụng lửa trong rừng gây ra nguy cơ cháy cao.

Ngoài sự chủ động phòng ngừa của lực lượng chức năng, ý thức PCCC của người dân góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Tấn Lợi, một người dân nhận khoán trồng rừng tại Khu rừng văn hoá - lịch sử núi Bà cho biết: “Tôi gom lớp thực bì đốt trước- theo từng đống nhỏ, không cho phát cháy mạnh. Nếu lỡ phát cháy, chúng tôi đã chuẩn bị nước đầy đủ, bảo đảm ứng cứu kịp thời. Còn khi gặp người lạ vào rừng, chúng tôi sẽ nhắc nhở, hướng dẫn họ thật kỹ”.

Cháy nhà gỗ tại huyện Dương Minh Châu.

Trung tá Huỳnh Ngọc Hiếu- Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo: các cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những nguy cơ gây cháy; tuyên truyền, nhắc nhở mọi người xung quanh thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa cháy như: phát quang cỏ dại xung quanh trụ sở, nhà ở, bảo đảm khoảng cách an toàn phòng cháy; khi sử dụng lửa trần cũng như đốt cỏ phải chủ động trong việc phòng ngừa cháy, nổ; sử dụng điện phải quản lý nguồn điện chặt chẽ, nhất là trong câu mắc điện, lựa chọn các thiết bị truyền tải điện phù hợp, không cắm quá nhiều thiết bị điện vào một ổ điện đề phòng quá tải chập cháy, rò rỉ điện; khi ra khỏi nhà phải rút hết tất cả các phích cắm, những thiết bị tiêu thụ điện; phải khoá gas sau khi đun nấu...

Riêng chủ rừng, các hộ có lợi ích về rừng phải quan tâm tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện, triển khai xử lý khi có cháy; trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng; hạn chế cho người lạ vào khu vực quản lý; tuyên truyền các hộ dân xung quanh hạn chế sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đi vào trong rừng.

Mọi người cần nâng cao ý thức phòng cháy, thực hiện theo khuyến cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Khi phát hiện cháy, mọi người cần nhanh chóng gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc báo đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất; đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn an toàn.

Minh Nhật - Tấn Lực

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục