Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cảnh giác trước âm mưu kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự của các thế lực thù địch
Thứ hai: 10:55 ngày 11/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày qua, trên các trang mạng phản động liên tục xuất hiện nhiều bài viết với luận điệu kích động, kêu gọi quần chúng nhân dân xuống đường, tham gia biểu tình phản đối Quốc hội thông qua dự thảo Luật Ðơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế).

Lễ treo cờ hằng ngày tại đơn vị tại Sư đoàn 5.

Dễ thấy nhất là các tài khoản Facebook cá nhân xuất hiện dày đặc những tin nhắn, đoạn video clip với các hình ảnh, lời phát biểu xuyên tạc dự thảo luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; nói xấu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; hình thành một số hội nhóm mời mọi người tham gia biểu tình phản đối trên phạm vi cả nước. 

Trong đó, chúng tập trung xuyên tạc, nói xấu rằng “Ðảng, Chính phủ và các lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước ta bán đất tại 3 vị trí chiến lược như Vân Ðồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) cho Trung Quốc thời hạn 99 năm”.  

Có thể thấy, đây là một hành động hết sức thâm độc của các thế lực thù địch. Còn nhớ, năm 2014, từ sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, lợi dụng tinh thần yêu nước, chúng đã kích động nhân dân nhiều địa phương xuống đường diễu hành, biểu tình, gây rối.

Qua đó, chúng đã lôi kéo được nhiều người gây rối trật tự xã hội tại một số nơi và làm chúng ta ảnh hưởng về đối ngoại, thiệt hại không nhỏ về kinh tế, do nhiều doanh nghiệp người nước ngoài bị hư hỏng tài sản hoặc ngừng sản xuất nhiều ngày. Cũng vẫn thủ đoạn cũ năm 2014, các thế lực thù địch, phản động đang tích cực áp dụng để xuyên tạc dự thảo “Luật Ðơn vị hành chính kinh tế đặc biệt” của Việt Nam.

Thật đáng buồn, không ít người trong xã hội- nhất là nhiều bạn trẻ chưa nhận thức đúng đắn, vẫn nhẹ dạ, tin theo những lời xuyên tạc dụ dỗ của các phần tử phản động. Có người còn đồng tình, đăng tải, “câu like” nội dung xuyên tạc, kêu gọi tham gia biểu tình của chúng cho bạn bè của mình. Bởi, họ không hiểu rằng, bè lũ bán nước chỉ mong trong nước chúng ta xảy ra các sự kiện phức tạp chính trị, xã hội để kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ chế độ.

Trước hết, cần khẳng định chủ trương của Ðảng, Nhà nước về xây dựng đặc khu kinh tế là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc Việt Nam chứ không phải cho riêng Ðảng Cộng sản Việt Nam hay là cái cớ để “lãnh đạo Ðảng, Nhà nước bán đất” như các thế lực thù địch, phản động đang xuyên tạc.

Mới đây, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và băn khoăn, lo lắng của nhân dân cả nước về thời hạn thuê đất dự án 99 năm tại đặc khu kinh tế, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi thời gian xem xét, thông qua dự thảo Luật Ðơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khoá XIV) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Ðiều đó thể hiện một nhà nước, chính phủ của dân, do dân và vì dân, luôn “đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết”.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mỗi đặc khu kinh tế sẽ bao gồm các dự án lớn mang tầm cỡ quốc tế với số vốn đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ USD, đi kèm mỗi dự án là cơ sở hạ tầng được nâng tầm hiện đại; là nơi thu hút nguồn nhân lực với nhiều ngành nghề, góp phần kéo giảm thất nghiệp trong nhân dân; là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao dân trí các khu vực lân cận nói riêng, cả nước nói chung; là cầu nối tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước.

Do vậy, nếu như thời gian cho thuê đất cũng là 50 năm như mọi dự án khác thì rất khó để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, phải làm thế nào để các nhà đầu tư thấy đặc khu kinh tế vừa phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, ổn định, có tính cạnh tranh và ưu đãi hơn.

Trong khi đó, nói về môi trường đầu tư, một đất nước luôn ổn định về chính trị, trật tự xã hội là điều vô cùng quan trọng. Như vậy, liệu các nhà đầu tư có dám chi hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ USD để đầu tư vào một quốc gia, mà ở đó người dân bị các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động một chút là xuống đường diễu hành, biểu tình phản đối chống phá Ðảng, Nhà nước, gây rối trật tự xã hội? Ðây cũng chính là điều mong muốn của các thế lực thù địch, phản động. Bởi khi thấy Ðảng, Nhà nước ta có đường lối, chính sách đúng đắn, đất nước phát triển thì chúng sẽ ra sức chống phá; chúng chỉ mong muốn đất nước ta khó khăn, nghèo nàn, chậm phát triển để tìm cách thôn tính, bắt buộc lệ thuộc mọi mặt.

Thực tiễn đã chứng minh các nước phát triển đều đã thành công trong việc thành lập các đặc khu kinh tế. Việt Nam đã và đang chậm bước hơn các nước về vấn đề này.

Mỗi đặc khu kinh tế sẽ có các nhà đầu tư thuộc nhiều quốc gia khác nhau chứ không chỉ có Trung Quốc. Theo đường lối đối ngoại, Ðảng, Nhà nước đã xác định kỹ về đối tác và đối tượng hiện nay hoàn toàn thích hợp với hoàn cảnh đất nước hoà bình để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chống lại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, "bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch, sẵn sàng đối phó với chiến tranh xâm lược kiểu mới, sử dụng vũ khí công nghệ cao của chủ nghĩa đế quốc.

Ðó là: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh”.

Tuy nhiên, trong mỗi đối tượng, vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của nước ta. Giữa đối tượng và đối tác có thể chuyển hoá cho nhau trong những điều kiện nhất định, thậm chí chuyển hoá rất nhanh.

Vì thế, mời gọi các nước đầu tư phát triển kinh tế đất nước nói chung, phát triển đặc khu kinh tế nói riêng, Ðảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tranh thủ khai thác mặt đối tác, nhưng vẫn luôn cảnh giác đấu tranh với mặt đối tượng.

Thực tế hiện nay, có quốc gia, Việt Nam đang thiết lập mối quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện, song cũng quốc gia ấy, nếu “khi nào, ở đâu, việc gì đó” mà có ý đồ xâm phạm lợi ích quốc gia, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam thì khi đó, ở đó, việc đó đã có sự chuyển hoá thành đối tượng tác chiến của quân đội ta. 

Mặt khác, cần hiểu thêm rằng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động trong nước luôn có sự câu kết, móc nối với các thế lực thù địch, tổ chức phản động ở nước ngoài để phát triển lực lượng và phối hợp hành động, tạo thanh thế, viện trợ tài chính và bảo vệ lẫn nhau.

Vì thế, trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều nội dung xuyên tạc về dự thảo Luật Ðơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài.

Nếu có các phần tử kích động, gây rối ở trong nước bị cơ quan chức năng bắt, xử lý theo pháp luật thì ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước liền la lối Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm tự do tín ngưỡng, đàn áp tôn giáo, đàn áp những người bất đồng chính kiến…

Ngoài ra, cùng với kích động xuống đường biểu tình, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết của những phần tử phản động xuyên tạc tính xác thực của vụ việc; phê phán cơ quan chức năng và báo chí của trung ương, địa phương bưng bít thông tin, chỉ bảo vệ quan điểm của một nhóm lãnh đạo có lợi ích nhóm, không đứng về lợi ích, nguyện vọng của người dân.

Mỗi người dân cần tỉnh táo và bình tĩnh suy xét, có cách bộc lộ quan điểm đúng mực, khách quan, ủng hộ chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Ðảng, Nhà nước ta. Ðồng thời kêu gọi bạn bè, gia đình không tham gia các hoạt động biểu tình, bạo loạn theo sự dụ dỗ của các thế lực thù địch.

Kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự để chống phá Ðảng, Nhà nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân; góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, "bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.

Xuân Thu

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục