Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cảnh giác với biến chủng mới Omicron
Thứ ba: 11:18 ngày 30/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Tuy nhiên, để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới Omicron vào nước ta, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường giám sát dịch Covid-19, đồng thời chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới.

Có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana...

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021, có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối người dân có nguy cơ tại điểm dịch xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh Chiến Công

Điều khiến giới khoa học lo ngại nhất về biến thể Omicron là số đột biến của nó. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến. Hàng loạt biến chủng của nó đã trỗi dậy trong hai năm qua nhưng phần lớn không làm thay đổi đáng kể hành vi và mức độ gây bệnh của nó.

“Đây là biến thể nghiêm trọng nhất kể từ dịch Covid-19 bùng phát tại Anh. Chúng tôi đang khẩn cấp tiến hành nghiên cứu về khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng và nguy cơ né tránh vaccine của biến thể Omicron” - Giám đốc điều hành Cơ quan Y tế Vương quốc Anh Jenny Harries cho biết.

Phát biểu với kênh CNBC cuối tuần trước, chuyên gia dịch tễ Pasi Penttinen - Giám đốc ứng phó khẩn cấp y tế công cộng tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu cũng nhận định, số đột biến trên protein gai của Omicron là chưa từng có tiền lệ.

“Protein gai trên virus chính là mục tiêu của phần lớn vaccine Covid-19 hiện nay. Bởi vậy, chúng tôi lo ngại rằng biến chủng này có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn so với những chủng trước đây” - chuyên gia Penttinen lưu ý.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế nhấn mạnh, WHO đưa biến chủng Omicron vào biến thể đáng quan ngại cùng với những biến thể Alpha, Beta và Delta vì dự đoán nó nguy hiểm do đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta.

Với những đặc điểm này, dự báo Omicron lây lan nhanh hơn nhiều lần biến thể Delta. Nếu biến thể mới kháng lại các vaccine phòng Covid-19 hiện nay và đi cùng mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ kháng lại vaccine còn tiếp tục nghiên cứu.

“Hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron gây ra với con người nhưng nguy cơ lây lan nhanh mà kháng vaccine thì chắc chắn sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế” - PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Chủ động biện pháp ứng phó

Tại Việt Nam, đến nay, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Đồng thời Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique, tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Trước lo ngại của người dân trong nước về biến chủng mới Omicron có tốc lây lan nhanh gấp nhiều lần, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp ứng phó. Trước tiên, chúng ta cần có giải pháp cụ thể đối với những người từ các quốc gia đang xuất hiện biến chủng này, phát hiện họ đã xâm nhập vào cộng đồng hay chưa, từ đó tiếp tục kiểm soát sự lây lan của SARS-CoV-2.

Đồng thời, Việt Nam cũng nên đánh giá sự lây lan và khả năng chống lại vaccine của biến chủng mới như thế nào. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là dừng chuyến bay đi tới các nước châu Phi đang có dịch, tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu, cần lưu ý có những người ở châu Phi nhưng đi qua nước thứ hai rồi mới về Việt Nam.

Đáng chú ý, biến chủng Omicron có nguy cơ xuất hiện trong bối cảnh hiện nay số ca F0 tăng nhanh ở nhiều địa phương, ngay cả khi đạt tỷ lệ tiêm hai mũi vaccine. Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, với các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh nghĩa là chỉ cần một thời gian tiếp xúc ngắn, không giữ khoảng cách và không phòng hộ thì vẫn có khả năng lây nhiễm. Thời gian ủ bệnh có thể ngắn hơn làm cho chu kỳ lây nhiễm tăng lên dẫn tới số người có nguy cơ lây nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn nếu không có biện pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

"Dù đã tiêm 2 mũi vaccine, người dân vẫn luôn phải nâng cao cảnh giác, không phải lệnh giãn cách diện rộng như trước đây nhưng càng hạn chế tụ tập đông người càng tốt. Đặc biệt, người dân cần thực hiện tốt 5K. Nếu chủng này xâm nhập, người dân luôn thực hiện tốt 5K thì có thể hạn chế được nguy cơ lây lan dịch." - PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế

"Các địa phương, người dân không được chủ quan, phải chủ động phương án phòng, chống dịch. Hiện nay, những biện pháp phòng dịch đang được Việt Nam áp dụng vẫn rất hiệu quả. Chúng ta cần tăng cường tiêm chủng vaccine cho người dân, tiếp tục thực hiện 5K. Ngoài ra, chúng ta phải có chương trình giám sát, phát hiện ca bệnh cũng như giám sát biến đổi gene của các biến chủng nhập cảnh." - Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nói.

Nguồn Kinhtedothi

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh