Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác với kinh doanh đa cấp bất hợp pháp 

Cập nhật ngày: 16/09/2020 - 00:07

BTN - Sở Công Thương khuyến cáo, để tránh tham gia vào hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, người dân cần lưu ý những vấn đề sau:

Theo Sở Công Thương, bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hoá từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Hoạt động bán hàng đa cấp có khác biệt với các phương thức bán hàng khác là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.

Những năm vừa qua, một số đối tượng lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội. Sở Công Thương khuyến cáo, để tránh tham gia vào hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, người dân cần lưu ý những vấn đề sau:

Theo quy định, bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, khi được giới thiệu tham gia vào bất cứ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nào, người tham gia cần kiểm tra xem doanh nghiệp đó có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không.

Theo quy định hiện hành, hoạt động bán hàng đa cấp chỉ được phép thực hiện đối với đối tượng là hàng hoá, tất cả các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không phải là mua bán hàng hoá đều không được pháp luật cho phép.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức có thể kể đến như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục, kêu gọi đầu tư các dự án, trong đó người đầu tư được trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp...

Các hình thức này là hình thức bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro. Do đó, người dân cần thận trọng, tránh tham gia vào những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này để hạn chế các rủi ro không đáng có.

Các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải hàng hoá có thể bị xử lý hành chính tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức hoặc bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.

Sở Công Thương cũng lưu ý các dấu hiệu nhận diện của hành vi bán hàng đa cấp bất chính để người dân nhận biết, phòng tránh như:

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống, xem như là chi phí gia nhập. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức khác nhau: nộp tiền để làm thủ tục; nộp tiền đặt cọc; yêu cầu mua một lượng hàng nhất định (thường là sản phẩm với giá đắt hơn giá thị trường hoặc gói sản phẩm theo mức giá cố định); nộp tiền làm thẻ thành viên; nộp tiền mua tài liệu đào tạo.

Như vậy, mỗi người tham gia vào hệ thống đa cấp bất chính thường sẽ mất một khoản chi phí ban đầu. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp trích một phần để trả công cho người giới thiệu. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính vẫn gọi đây là "hoa hồng". Tuy nhiên, hoa hồng này không phải là thành quả của hoạt động bán hàng, mà xuất phát từ tiền của người mới bị dụ dỗ tham gia.

Do đó, nếu được giới thiệu tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nào có chính sách trả hoa hồng cho việc tuyển dụng, người dân cần đề phòng, bởi đó là dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính. Theo quy định, bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng. Người bán được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và kết quả bán hàng của mạng lưới người tham gia phía dưới mình, chứ không phải nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng.

Một dấu hiệu khác thường thấy ở các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đa cấp bất chính là việc nói quá thông tin để dụ dỗ người khác tham gia. Việc nói quá của đối tượng bán hàng đa cấp bất chính có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: Ðó là nói quá về cơ hội làm giàu.

Thành viên của doanh nghiệp đa cấp bất chính sẽ vẽ ra cảnh tượng giàu sang, nêu những tấm gương giàu có đã thành công (ảo) ở doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính cũng thường tổ chức các sự kiện vinh danh rầm rộ, cho người lên vinh danh với những khoản thưởng trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để khiến những người khác “thèm muốn”. Tuy nhiên, các thông tin này thực chất đều là giả tạo.

Các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm (như thuốc có thể chữa các bệnh hiểm nghèo) qua các hình ảnh video được dàn dựng, không có thật. Nhiều doanh nghiệp đa cấp bất chính cũng quảng cáo là doanh nghiệp đa quốc gia, tự “nâng tầm” giá trị để dễ dụ dỗ người nhẹ dạ.

Người dân cũng cần đặc biệt cảnh giác với các doanh nghiệp đa cấp bất chính chỉ tập trung vào tuyển dụng người mới để thu tiền mà không quan tâm đến mua bán hàng hoá, hoặc có nhưng chỉ là các hàng hoá giá rẻ, thô sơ để làm bình phong cho hoạt động thu tiền.

Các doanh nghiệp này thường dụ dỗ người tham gia nộp tiền, xuất hoá đơn nhưng không giao hàng. Ðể nguỵ trang cho việc này, họ cho người tham gia ký vào các giấy tờ như phiếu gửi lại hàng, phiếu xuất kho khống, hoặc đóng dấu “đã nhận hàng” vào hoá đơn xuất cho người nộp tiền.

Một số doanh nghiệp có giao hàng nhưng giá trị hàng hoá rất thấp so với số tiền thu của người tham gia. Sau một thời gian, người nộp tiền không được trả hoa hồng như hứa hẹn, muốn đến đòi lại tiền thì không thể đòi lại được vì giấy tờ thể hiện họ đã nhận hàng, hoặc việc mua bán đã được thực hiện trên cơ sở thuận mua vừa bán, dù đắt nhưng người mua đã đồng ý bỏ tiền mua nên không thể đòi lại.

An Khang