BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác với nguy cơ bệnh sởi

Cập nhật ngày: 26/02/2009 - 07:55

Trong khi dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng đang gây xôn xao dư luận, thì bệnh sởi đang bùng phát tiếp tục là nỗi lo cho toàn xã hội. Thống kê của Cục Y tế dự phòng và môi trường cho thấy, tính đến thời điểm 23.2.2009, cả nước có 11 tỉnh, thành có bệnh sởi. Tuy nhiên nếu tính từ tháng 10.2008 đến nay đã có khoảng 30 tỉnh, thành thông báo có bệnh nhân sởi. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bệnh sởi lan nhanh. Tại Hà Nội, ngày 23.2 có thêm 29 ca sốt phát ban dạng sởi. Bệnh sởi đã xuất hiện tại 329 xã, phường trên tất cả 29 quận, huyện của Hà Nội. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh sởi đã xuất hiện ở 14 quận, huyện. Đến ngày 23.2, số trường hợp mắc bệnh sởi lên đến 28 người. Trong đó có 2 trường hợp không phải là người của Thành phố HCM, nhưng trong thời gian mắc bệnh có lưu trú tại thành phố.

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh sởi là tình trạng nhiễm vi rút cấp tính với sự lây truyền cao (trên 90%, nếu người chưa được chủng ngừa có thể sẽ bị lây ngay). Sau khi vi rút xâm nhập vào cơ thể, biểu hiện khởi đầu là sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và có nốt trắng nhỏ ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Nốt ban bắt đầu mọc ở mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân của bệnh sởi tăng nhanh vừa qua chủ yếu là các trường hợp chưa từng mắc sởi, chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Trước nguy cơ bệnh lan nhanh, người dân không nên quá lo sợ, bởi đây là bệnh dễ lây, nhưng nếu chẩn đoán, chăm sóc tốt thì hoàn toàn có thể khỏi bệnh và không để lại biến chứng. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin sởi đầy đủ. Với một người từng ủ bệnh và có sẵn kháng thể thì việc tiêm phòng bây giờ là không cần thiết. Nếu chưa từng bị, khi có dấu hiệu sốt, phát ban, chảy nước mắt, mắt đỏ phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh.

Đến giờ này tỉnh ta chưa nghe thông báo có bệnh sởi. Tuy nhiên do tỉnh ta giáp TP.HCM, sự đi lại, giao lưu thường xuyên diễn ra. Do đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và có cách phòng, chống bệnh sởi là hết sức cần thiết. Trước mắt cần thực hiện nghiêm công điệu của Thủ tướng Chính phủ gởi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu trực tiếp chỉ đạo ngành y tế và UBND tuyến huyện, xã triển khai các hoạt động chống dịch; phát hiện kịp thời các ca bệnh để cách ly, điều trị, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, đặc biệt tăng cường giám sát các trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề. Tổ chức cho trẻ em tiêm chủng vắc xin sởi tại các cơ sở y tế…

Phóng Viên