Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khi đến ngày đáo hạn ngân hàng mà chưa có khả năng chi trả, những người vay buộc phải tìm kiếm nguồn tiền khác để trả nhằm được ngân hàng tiếp tục cho vay lại. Từ đó, dịch vụ hỗ trợ đáo hạn ngân hàng xuất hiện.
Chỉ cần gõ từ khoá “hỗ trợ đáo hạn” trên các trang mạng như Facebook, Google... ngay lập tức hiện ra hàng trăm kết quả với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn như: cho vay tiền với lãi suất thấp nhất; thẩm định nhanh qua điện thoại; có kết quả sớm và nhận tiền nhanh chóng…
Trong vai người có nhu cầu cần vay 300 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng, chúng tôi liên hệ với một tài khoản Facebook có tên H.N.T thì được tư vấn, hỗ trợ vay tiền, mức lãi suất 0,9%/tháng. Tài khoản này yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin cá nhân và chuyển một mức phí để được giải quyết hồ sơ. Theo tìm hiểu từ một số tài khoản Facebook có quảng cáo dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng, mức lãi suất cho vay dao động từ 0,5% - 0,9%/tháng, có nơi lãi suất cho vay sẽ tính theo ngày- từ 0,5% - 1%/ngày, cam kết bảo mật thông tin khách hàng, làm hồ sơ vay với thủ tục nhanh chóng.
Anh N.H (ngụ thị xã Trảng Bàng) cho biết, trước đó, anh có vay 200 triệu đồng ở một ngân hàng trên địa bàn thị xã Trảng Bàng. Do công việc kinh doanh không thuận lợi nên gần đến ngày đáo hạn mà anh vẫn chưa có đủ tiền trả ngân hàng nên có ý định lên mạng tìm dịch vụ hỗ trợ vay tiền đáo hạn.
“Tôi có liên hệ dịch vụ vay tiền nhanh tên K.B, nhân viên tư vấn yêu cầu tôi liên hệ lại với cán bộ tín dụng ngân hàng để hỏi xem có hỗ trợ cho tôi vay lại khoản vay 200 triệu hay không. Việc này rất quan trọng nhằm tránh trường hợp khi trả tiền vào ngân hàng rồi lại không vay được. Sau khi chắc chắn rằng bên ngân hàng đồng ý cho vay lại, tuỳ vào điều kiện cho phép, dịch vụ vay tiền nhanh tên K.B mới đẩy nhanh việc thẩm định hồ sơ và cho vay”- anh H nói.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh cho biết, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 63 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2022), thiệt hại hơn 332 tỷ đồng. Địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện tội phạm lừa đảo trên không gian mạng gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người dân, với phương thức, thủ đoạn tinh vi như lừa làm cộng tác viên trên các sàn thương mại điện tử nhưng thực chất để chiếm đoạt tài sản; chiếm quyền điều khiển mạng xã hội Facebook nhắn tin người thân, bạn bè yêu cầu chuyển tiền; đầu tư trên các sàn tiền ảo đa cấp, sau nhiều lần nạp tiền, rút tiền thành công thì sàn đóng và không rút được tiền; thông báo trúng thưởng, yêu cầu nộp thuế để nhận thưởng; vay tiền qua ứng dụng, mạng xã hội Zalo, yêu cầu chuyển nhiều khoản phí…
Theo ngành chức năng, hiện nay, phương thức phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn vay đáo hạn ngân hàng rất tinh vi. Các đối tượng lợi dụng tình trạng người dân vay tiền ngân hàng hoặc tín dụng đen nhưng không có tiền trả đúng hạn nên quảng cáo dịch vụ hỗ trợ đáo hạn tiền vay đi kèm nhiều mức phí. Sau khi nhận được khoản phí dịch vụ đã chuyển trước, các đối tượng nhanh chóng chặn liên hệ với khách hàng. Bên cạnh đó, không ít người dân có khoản tiền “nhàn rỗi”, muốn kiếm thêm thu nhập nên tham gia vào hoạt động cho những dịch vụ đáo hạn vay tiền mà không có biện pháp bảo đảm, dẫn đến bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh cho biết, việc vay tiền để đáo hạn ngân hàng là quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, tức giao dịch dân sự. Tuy nhiên, nếu người cho vay với mức lãi suất cao có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng. Để tránh rủi ro, người cho vay cần tuân thủ pháp luật về cho vay, lãi suất. Người dân khi có bất kỳ vấn đề liên quan đến khoản tiền vay, tài khoản ngân hàng nên trực tiếp đến ngân hàng để được giải quyết; tuyệt đối không giao dịch, không sử dụng các dịch vụ đáo hạn, vay tiền trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.
Thiên Di