BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Cập nhật ngày: 15/06/2023 - 17:56

BTNO - Công an Tây Ninh cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng, tinh vi, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn, gây bất an trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Nhiều thủ đoạn

Theo đó, từ cuối năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận trên 50 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng thiệt hại tài sản trên 20 tỷ đồng, số tiền bị chiếm đoạt thấp nhất hơn 3 triệu đồng, cao nhất hơn 3 tỷ đồng.

Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến như: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát, Toà án gọi điện thoại cho nạn nhân nói có liên quan đến vụ án đang điều tra và yêu cầu lập tài khoản ngân hàng chuyển tiền cho đối tượng để điều tra làm rõ. Kẻ lừa đảo lên mạng làm quen, giới thiệu là doanh nhân, quân ở nước ngoài rồi gửi tiền, quà giá trị lớn về Việt Nam rồi giả danh nhân viên sân bay, yêu cầu nạn nhân nộp thuế, phí để chiếm đoạt.

Đối tượng lừa đảo giả làm người nước ngoài muốn chuyển tiền về Việt Nam làm từ thiện, “thả mồi” là 30%-40% cho nạn nhân nếu đồng ý phối hợp, sau đó giả làm nhân viên Hải quan sân bay yêu cầu nộp thuế, phí để chiếm đoạt tiền.

Chúng cũng giả làm nhân viên siêu thị thông báo nạn nhân được khuyến mãi, tặng quà, trúng thưởng nhưng để nhận quà, thưởng thì phải đóng tiền phí, sau đó chiếm đoạt tiền.

Hay như thủ đoạn cho vay tiền qua app trên mạng, khi nạn nhân đăng ký vay, bọn lừa đảo thông báo hồ sơ bị sai và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để chúng sửa hồ sơ để chiếm đoạt.

Một bẫy lừa khác dưới hình thức “tìm người làm việc tại nhà” bằng việc bán hàng online. Nạn nhân muốn nhận sản phẩm phải đặt cọc, sau khi nạn nhân chuyển tiền thì bọn chúng ngắt liên lạc. Tương tự, một hình thức lừa đảo nạn nhân làm cộng tác viên bán hàng qua ứng dụng lazada, shopee hoặc ứng dụng lạ. Bọn lừa đảo yêu cầu nạn nhân “giao dịch” 1, 2 lần với số tiền nhỏ sẽ được hoàn tiền và được hưởng lợi đến 40% để tạo niềm tin. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân “giao dịch” với số tiền lớn, tức thì bị chúng chiếm đoạt rồi cắt mọi liên lạc.

Một thủ đoạn khác của bọn lừa đảo là dụ dỗ nạn nhân tham gia sàn giao dịch ảo. Chúng lôi kéo họ tham gia nhóm kín, gửi link để thanh toán trực tuyến và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Bọn lừa đảo còn có chiêu trò gọi điện thoại đến các nhà hàng, quán ăn để đặt tiệc, đồng thời yêu cầu phải có 1 loại rượu vang ngoại nhập theo chỉ định của đối tượng (hoặc các loại đồ uống khác mà nhà hàng không có sẵn). Sau đó, khi nhà hàng gọi điện thoại đến nơi cung cấp thức uống (thực chất là của nhóm lừa đảo giả mạo) chuyển tiền đặt cọc trước (để hưởng hoa hồng cao) thì bị chúng chiếm đoạt tiền.

Một thủ đoạn lừa đảo khá phổ biến trong thời gian qua là kẻ xấu chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo, hoặc tạo tài khoản giả của người quen biết với bị hại rồi nhắn tin mượn tiền, đối tượng sử dụng phần mềm chỉnh sửa khi gọi trực tiếp hình ảnh giống như người thật nói chuyện…

Nhẹ dạ, mất hơn 3 tỷ đồng

Một số vụ việc lừa đảo gần đây được phát hiện như vụ bà L.K.H (ngụ khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) nhận được cuộc gọi điện thoại từ số lạ. Người gọi là nam giới tự xưng cán bộ cơ quan Công an Đà Nẵng thông báo bà H có liên quan đến vụ án ma tuý do đối tượng tên Phan Văn Long cầm đầu mà Công an Đà Nẵng đang thụ lý điều tra. Đối tượng Long khai nhận mỗi tháng chuyến khoản cho bà H số tiền 2 tỷ đồng và yêu cầu bà H hợp tác điều tra, nếu không sẽ bắt giữ bà H. Người này hướng dẫn bà H mở tài khoản nộp tiền vào để chứng minh không có liên quan đến tội phạm, sau khi chứng minh xong bà H có thể rút lại tiền đã nộp. Bà H tin tưởng nên đã nhiều lần chuyến tiền do đối tượng chỉ định vào nhiều tài khoản khác nhau với tổng số tiền 3.067.004.000 và bị chiếm đoạt hết.

Hay như một vụ việc khác là trường hợp đối tượng tự xưng tên Nguyễn Thị Huyền Anh là nhân viên của sân bay Tân Sơn Nhất làm ở bộ phận kiểm tra hành lý gọi điện thoại vào số điện thoại chị L hỏi có phải là T.T.L nhà ở xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh không. Chị L trả lời là đúng. Đối tượng Huyền Anh cho chị L biết có gói quà từ Đài Loan gửi về cho chị bên trong gói quà có vàng và tiền đô la Mỹ và yêu cầu chị L gửi số tiền 25 triệu đồng vào số tài khoản đối tượng chỉ định để đóng thuế. Chị L tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng theo yêu cầu thì đối tượng Huyền Anh tiếp tục lấy nhiều lý do và đưa ra những tình huống rất hợp logic để tạo lòng tin cho chị L và yêu cầu chị L đóng thêm nhiều khoản phí khác. Chị L chuyển tiền nhiều lần với tổng số tiền 736.760.000 và bị chiếm đoạt.

Qua mạng xã hội Viber, bà V.K.T (ngụ khu phố Thanh Bình C, thị trấn Gò Dầu) kết bạn với người có tài khoản Viber tên Đúng Anh. Ngày 14.2.2023, Đúng Anh nhắn tin cho bà T nói đã chuyển 30.000 USD vào số tài khoản ngân hàng của bà T là quà tặng nhân dịp ngày lễ tình nhân nhưng do chuyển bằng ngân hàng quốc tế nên 7 ngày bà T mới nhận được tiền. Ngày 17.2.2023, Đúng Anh nói với bà T là con bị bệnh đang cần tiền gấp nên kêu bà T chuyển tiền cho Đúng Anh mượn để chữa trị bệnh cho con, bà T đồng ý. Sau đó, Đúng Anh kêu bà T nhiều lần chuyển tiền vào các tài khoản do Đúng Anh cung cấp với tổng số tiền 387.410.000 đồng. Ngày 22.2.2023, bà T nói với Đúng Anh là chưa nhận được 30.000 USD. Đúng Anh yêu cầu bà T chuyển tiền để hắn tạo tài khoản quốc tế giùm cho bà T, sau đó mới nhận được tiền. Sau đó, bà T tiếp tục chuyển 530.000.000 đồng vào số tài khoản 101871728194 của Ngân hàng Vietinbank nhưng vẫn không nhận được tiền từ Đúng Anh. Do nghi ngờ đã bị lừa đảo nên bà T đến Công an huyện Gò Dầu trình báo vụ việc.

Bà N (ngụ ấp 4, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) bị một đối tượng tên Ngô Việt Anh xưng là cán bộ Công an Hình sự gọi điện thoại thông báo bị hại N có hồ sơ bảo hiểm được thanh toán với số tiền 29.850.000 đồng. Bà N nói không có hồ sơ bảo hiểm thanh toán như Anh nói. Sau đó, tiếp tục có đối tượng khác tên Lê Viết Xuân xưng là cán bộ Viện Kiểm sát gọi điện thoại cho bà N nói sẽ xác minh, làm rõ số tiền thanh toán bảo hiểm và nói tài khoản ngân hàng của bà N liên quan đến đường dây rửa tiền và mua bán mua tuý nên bà N sẽ bị bắt tạm giam 3 tháng.

Đối tượng này còn doạ, nếu muốn chứng minh tài khoản của mình không có vấn đề gì thì chuyển tiền vào số tài khoản do Xuân gửi để giải quyết. Do sợ bị bắt giam nên bà N đã chuyển số tiền 835.000.000 triệu đồng. Sau đó, tiếp tục có đối tượng tên Nguyễn Văn Thăng xưng là thanh tra viên nói tiếp muốn chứng minh tài khoản mình “sạch sẽ” thì bà N phải chuyển thêm 500 triệu đồng. Bà N trả lời không còn tiền nhưng Thăng vẫn nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu bà N phải chuyển tiền. Nghi ngờ mình bị lừa nên bà N đến cơ quan công an trình báo.

An Khang