BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh sát giao thông - CA Tây Ninh: Hết mình vì sự bình yên, an toàn của nhân dân

Cập nhật ngày: 18/02/2010 - 05:56

Những năm gần đây, người dân có việc đến liên hệ với Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) –Công an Tây Ninh đều nhận thấy có sự thay đổi rất lớn về cung cách làm việc của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) ở đây. Các loại hồ sơ, giấy tờ của nhân dân được Phòng CSGT giải quyết rất nhanh, rút ngắn thời gian rất nhiều so với những năm trước đây. Đó là kết quả của cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của CB, CS đơn vị trong ba năm qua. Do vậy, Đảng uỷ CSGT được chọn báo cáo điển hình tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức.

Tại trụ sở Phòng CSGT có hai bộ phận làm việc thường xuyên là bộ phận đăng ký xe và bộ phận xử lý vi phạm giao thông. Để nhân dân biết rõ các loại hồ sơ thủ tục liên quan đến việc đăng ký, cũng như xử phạt vi phạm, lãnh đạo Phòng CSGT thực hiện đã công khai các loại hồ sơ thủ tục bằng nhiều hình thức như: Đăng bảng tại nơi tiếp dân để người dân đến xem trực tiếp; đồng thời cho đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: đăng trên trang Web của Công an; xây dựng hộp thư thoại 801802, và thông báo nhiều lần hộp thư này trên Đài Phát thanh –Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh; Báo Công an và một số báo khác ở thành phố Hồ Chí Minh để cho mọi người dân biết. Khi cần thì người dân gọi vào và được nghe hướng dẫn các thủ tục hành chính một cách tự động. Về việc giải quyết các loại hồ sơ, lãnh đạo Phòng CSGT bố trí phân công cán bộ một cách hợp lý, giải quyết nhanh, rút ngắn thời gian hẹn người dân đến để giải quyết hồ sơ xuống còn 1/3 so với thời gian quy định của Bộ Công an, và đảm bảo trả hồ sơ đúng ngày hẹn. Đối với những người có thời gian nhàn rỗi, có thể ngồi chờ nhận kết quả, mà không cần nhận phiếu hẹn, thì CB, CS Phòng tranh thủ giải quyết ngay trong vòng vài giờ đồng hồ. Ba năm qua, Phòng CSGT đã giải quyết trên 108.000 trường hợp như thế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là cho cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên, học sinh không phải mất ngày công lao động, không phải nghỉ học, Phòng CSGT làm việc luôn ngày thứ bảy, không bố trí nghỉ bù. Để rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ cho nhân dân kể trên, cán bộ, chiến sĩ Phòng phải làm việc cật lực. Thời gian đầu do quen cách làm việc cũ phần lớn CB, CS gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó cấp uỷ và Ban chỉ huy Phòng kiên trì thuyết phục, động viên anh em, đồng thời biểu dương, khích lệ kịp thời những người hoàn thành tốt công việc.

Cán bộ CSGT kiểm tra xe nhân dân mới đăng ký

Lãnh đạo Phòng cũng rất quan tâm đến cách ứng xử, giao tiếp của CB, CS đối với nhân dân. Để hạn chế trường hợp do mệt mỏi vào cuối giờ làm việc, lại gặp phải khách khó tính làm cho CB, CS không kềm chế được mà có thái độ thiếu nhã nhặn, lãnh đạo Phòng chọn những người có khí chất mềm mỏng làm công việc tiếp công dân tại trụ sở. Lãnh đạo còn đưa ra những câu đối đáp chuẩn để CB, CS giao dịch với dân. Ngày nay đến trụ sở tiếp công dân của Phòng CSGT người dân thường nghe được những câu nói như: “Mời chị A đến bàn số 2 để chọn số; Mời anh B đến bàn số 5 để nhận giấy đăng ký….”. Đối với CB, CS làm công tác xử lý vi phạm giao thông thì xử lý công khai minh bạch, đúng luật từ phần mềm quản lý vi phạm trên máy tính. Do công việc quá tải, nên cán bộ, chiến sĩ xử lý vi phạm giao thông thường phải làm việc quá giờ, kể cả phải tranh thủ làm ban đêm nhập liệu biên bản vi phạm vào phần mềm xử lý, để ban ngày người vi phạm đến sẽ ra quyết định xử phạt nhanh hơn, không để cho người dân phải chờ lâu.

Đối với CB, CS làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, Đảng uỷ, Ban chỉ huy Phòng CSGT luôn quan tâm giáo dục “cái tâm cứu người” của CSGT. Mục đích đi tuần tra là để cứu người vi phạm giao thông khỏi chết, việc xử phạt là biện pháp hữu hiệu nhằm tạo ý thức chấp hành của người tham gia giao thông để họ không vi phạm và không gây ra tai nạn. Người CSGT có lễ tiết tác phong của CSGT, nhưng CSGT gặp khó khăn hơn lực lượng khác khi thực hiện lễ tiết. Vì không ít người vi phạm có thái độ và lời nói xúc phạm CSGT. Có người còn dùng lời lẽ thô tục chửi bới. Về phía anh em CB, CS CSGT cũng có trường hợp không kềm chế được vì quá bực tức. Trước tình hình đó, lãnh đạo Phòng CSGT và lãnh đạo Công an tỉnh kiên trì giáo dục, kịp thời phê phán những sai sót về lễ tiết tác phong của CB, CS. Đến nay nhiều CSGT đã rèn được khả năng kềm chế, có tác phong ứng xử tốt hơn nhiều. “Cái tâm cứu người” đã hình thành trong lực lượng tuần tra. Từ đó tính tích cực của CB,CS được nâng lên và số ca tuần tra, số biên bản tăng dần. CSGT tỉnh đã làm gương cho CSGT huyện, thị về sự trong sạch. Chính sự trong sạch đó đã tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành Luật Giao thông của lái xe. CSGT không nhận hối lộ thì tất nhiên lái xe phải nghiêm túc và trật tự trên đường sẽ tốt hơn. Nhờ trật tự giao thông được thiết lập mà số vụ tai nạn giao thông và số người chết trên địa bàn tỉnh giảm dần trong hai năm qua và giảm mạnh trong năm 2009. Cụ thể trong năm 2007 giảm 9,4% số người chết so với năm 2006; năm 2008 giảm 12% số người chết so với năm 2007 và năm 2009 giảm được 25,7% số người chết so với năm 2008. Tây Ninh là một trong năm tỉnh của cả nước có số người chết do tai nạn giao thông giảm trên 20%, được Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia biểu dương.

Với những thành tích đạt được trong 3 năm qua, tập thể Phòng CSGT và cá nhân CB, CS được Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia; Bộ Công an và UBND tỉnh tặng 13 bằng khen; Ban An toàn giao thông tỉnh; Ban Giám đốc Công an tỉnh tặng 82 giấy khen; có 23 lượt cá nhân được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở; 97 lượt chiến sĩ tiên tiến. Phòng CSGT đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng ba năm liền.

D.H