BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh sát giao thông – CA Tây Ninh: Tuần tra, xử lý vi phạm là để cứu người

Cập nhật ngày: 18/07/2010 - 05:52

Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc, nhất là từ khi triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh-Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT)-Công an Tây Ninh đã có những chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn vị thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, rút ngắn rất nhiều thời hạn giải quyết các loại hồ sơ thủ tục hành chính cho nhân dân, giúp cho nhân dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại nhiều lần so với trước đây. Từ đó, nhân dân rất đồng tình với cách làm việc của Phòng CSGT.

Cán bộ Phòng CSGT giải quyết hồ sơ đăng ký xe

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Huỳnh Thị Bình, Trưởng phòng CSGT cho biết, thực hiện Đề án 1323 về tổ chức phòng ngừa sai phạm trong hành động tuần tra, kiểm soát giao thông và Chỉ thị số 02/2006/CT-BCA của Bộ Công an về tiếp tục tiến hành các biện pháp phòng chống tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông, nhất là thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh-Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” lề lối làm việc, cách thức phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT được sửa đổi ngày càng tốt hơn. Tại trụ sở Phòng CSGT có hai bộ phận làm việc là bộ phận đăng ký xe và bộ phận xử lý vi phạm giao thông. Để nhân dân biết rõ các loại hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc đăng ký cũng như xử phạt vi phạm, lãnh đạo Phòng CSGT đã công khai các loại hồ sơ, thủ tục bằng nhiều hình thức như: Đăng bảng công khai tại nơi tiếp dân để người dân đến xem trực tiếp; đồng thời cho đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho mọi người dân biết. Về việc giải quyết các loại hồ sơ, lãnh đạo Phòng bố trí phân công cán bộ một cách hợp lý, giải quyết nhanh, đã rút ngắn thời gian hẹn người dân đến để giải quyết hồ sơ xuống còn 1/3 khoảng thời gian so với quy định của Bộ Công an và đảm bảo trả hồ sơ đúng ngày hẹn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là cho cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên, học sinh không phải mất ngày công lao động, hay phải nghỉ học, Phòng CSGT làm việc luôn ngày thứ bảy mà vẫn không bố trí nghỉ bù. Lãnh đạo Phòng cũng rất quan tâm đến cách ứng xử, giao tiếp của CBCS đối với nhân dân. Để hạn chế trường hợp do mệt mỏi vào cuối giờ làm việc, lại gặp phải khách khó tính làm cho CBCS không kiềm chế được mà có thái độ thiếu nhã nhặn, lãnh đạo Phòng chọn những người có khí chất mềm mỏng làm công việc tiếp công dân tại trụ sở. Lãnh đạo còn đưa ra những câu xưng hô chuẩn để CBCS xưng hô với dân. Do công việc quá tải nên cán bộ, chiến sĩ xử lý vi phạm giao thông phải làm việc quá giờ, phải tranh thủ ban đêm nhập liệu biên bản vi phạm vào phần mềm xử lý, để ban ngày người vi phạm đến sẽ ra quyết định xử phạt nhanh hơn, không để cho người dân phải chờ lâu.

Đối với CBCS làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, Đảng uỷ, Ban chỉ huy Phòng CSGT luôn quan tâm giáo dục cái tâm cứu người của CSGT. Mục đích đi tuần tra là để cứu người vi phạm giao thông khỏi chết và người khác khỏi chết do người vi phạm giao thông gây ra. Xử phạt là biện pháp hữu hiệu để tạo ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Lãnh đạo Phòng CSGT và lãnh đạo Công an tỉnh kiên trì giáo dục, kịp thời phê phán những sai sót về lễ tiết, tác phong của CBCS. Đến nay, nhiều CBCS CSGT đã rèn được khả năng kiềm chế, có tác phong ứng xử tốt hơn nhiều. Cái tâm cứu người đã hình thành trong lực lượng tuần tra. Từ đó, tính tích cực của CBCS được nâng lên và số ca tuần tra, số biên bản tăng dần. CSGT tỉnh đã làm gương cho CSGT huyện, thị về sự trong sạch. Chính sự trong sáng đó đã tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành Luật Giao thông của lái xe. CSGT không nhận hối lộ thì tất nhiên lái xe phải nghiêm túc và trật tự trên đường sẽ tốt hơn. Trong 5 năm qua, qua tuần tra kiểm soát lực lượng CSGT tỉnh đã phát hiện lập biên bản 163. 539 trường hợp, ra quyết định xử phạt thu nộp ngân sách Nhà nước 60,6 tỷ đồng. Nhờ trật tự giao thông được thiết lập mà số vụ tai nạn giao thông và số người chết trên địa bàn tỉnh giảm dần trong những năm qua. Cụ thể, năm 2006, toàn tỉnh xảy ra 304 vụ tai nạn giao thông làm 296 người chết, đến năm 2009 xảy ra 170 vụ làm chết 185 người. Tây Ninh là một trong 5 tỉnh của cả nước có số người chết do tai nạn giao thông giảm trên 20%, được Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia biểu dương. Không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, trên đường làm nhiệm vụ lực lượng CSGT đã phát hiện và bắt giữ 44 vụ vận chuyển xe trộm cắp sang nước láng giềng Campuchia tiêu thụ, 98 vụ vận chuyển hàng cấm, 30 vụ trộm cắp và cướp tài sản, 16 vụ vận chuyển động vật hoang dã, 31 vụ vận chuyển gỗ trái phép, 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 7 vụ vận chuyển hàng lậu, 1 vụ vận chuyển ma tuý, 1 vụ giả danh cảnh sát giao thông… Thu giữ nhiều tang vật hàng hoá trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, CSGT tỉnh còn bố trí lực lượng dẫn đường 143 đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc tại tỉnh an toàn. 

Cán bộ Phòng CSGT đang kiểm tra xe nhân dân mới đăng ký

Với những thành tích đạt được, trong 5 năm qua đã có 12 lượt tập thể và 106 lượt cá nhân CBCS Phòng CSGT được khen thưởng qua các đợt thi đua ngắn hạn và đột xuất. Trong đó, Bộ Công an tặng bằng khen cho 6 lượt cá nhân; UBND tỉnh tặng bằng khen 4 lượt tập thể và 4 lượt cá nhân; Ban An toàn giao thông tỉnh tặng bằng khen một tập thể và 8 lượt cá nhân; Ban Giám đốc Công an tỉnh tặng gấy khen 7 lượt tập thể và 88 lượt cá nhân. Về xét khen thưởng phong trào thi đua hằng năm, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” 3 năm liền (từ 2007-2009); có 4 lượt tập thể đội đạt danh hiệu Quyết thắng; 5 lượt tập thể đạt danh hiệu tiên tiến; 28 lượt CBCS đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

D.H