BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh sát hình sự- “khắc tinh” của bọn tội phạm (kỳ cuối)

Cập nhật ngày: 17/04/2009 - 11:43

CSHS làm việc các đối tượng phạm tội đánh bạc

Ai mới tiếp xúc với cảnh sát hình sự có lẽ cũng không khỏi có cảm giác các anh là người rất nghiêm nghị, khô khan, khó gần gũi. Nhưng thật ra nếu có điều kiện tiếp cận, nhất là trong lúc các trinh sát đi phá án, sẽ thấy được “cái tâm” của người cảnh sát hình sự. Mỗi khi nhận những tin báo trọng án, trái tim của các anh luôn đau đáu về những nỗi khổ của người bị hại. Có lần, một người trinh sát tâm sự với chúng tôi: “Làm cảnh sát hình sự luôn phải đối mặt với những khó khăn thử thách, nhất là khi gặp vụ án tưởng chừng bế tắc đi vào ngõ cụt, nhưng khi đặt mình vào vị trí gia đình của người bị hại, bản thân cảm nhận hết nỗi đau của họ, từ đó tạo cho chúng tôi ý chí, quyết tâm truy tìm tội phạm, bắt kẻ phạm tội phải đối diện với pháp luật để nhận hình phạt thích đáng. Bất kể đó là ai, nếu vi phạm pháp luật chúng tôi cũng sẵn sàng điều tra làm rõ để trả lại sự công bằng cho người bị hại”.

LÀM RÕ NHỮNG VỤ ÁN GIẾT NGƯỜI

Sáng ngày 3.9.1994 nhân dân ấp Hiệp Nghĩa, xã Hiệp Ninh, huyện Hoà Thành (nay là khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh, thuộc thị xã Tây Ninh) bàn tán xôn xao và hết sức công phẫn khi phát hiện cháu bé Sơn Thành Long, 6 tuổi, bị giết chết và vứt xác xuống mương gần nhà. Nhận được tin báo, Phòng PC14 cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh lập tức tổ chức khám nghiệm hiện trường và kết luận: “nạn nhân chết do bị đánh bằng vật cứng vào đầu. Khả năng cây tầm vông để lại hiện trường là tang vật gây án, có thể đây là vụ thù tức nên hung thủ đã ra tay giết người”. Các trinh sát viên, điều tra viên khẩn trương vào cuộc điều tra. Đến 9 giờ cùng ngày đã xác định được đối tượng và tiến hành bắt khẩn cắp tên Trần Văn Minh, thủ phạm giết chết cháu Long, trong khi Minh đang lao động tại huyện Châu Thành. Biết tội ác của mình đã bị phát hiện, hắn đã khai nhận vào lúc 5 giờ sáng ngày 3.9.1994 cháu Long, là con riêng của vợ tên Minh, bị đau bụng, gào khóc làm cho hắn bực mình. Vì tức giận vô cớ cộng với bản chất hung hăng, tên Minh dùng tay và cây tầm vông đánh chết cháu Long rồi vứt xác để phi tang. Hành vi giết hại trẻ em một cách tàn nhẫn của Trần Văn Minh đã bị Toà án Tây Ninh tuyên án tử hình.

Một vụ giết người khác cũng gây xôn xao dư luận trên địa bàn Thị xã vào ngày 10.1.1996. Cảnh sát hình sự nhận được tin báo của người dân khu phố 2, phường 1, phát hiện phía sau nhà của Ngô Xuân Hoà có một xác chết dưới ao. Nạn nhân là nam, tử thi đang ở trạng thái bị phân huỷ. PC14 phối hợp cùng Công an Thị xã và các phòng nghiệp vụ tiến hành khám nghiệm hiện trường. Qua điều tra xác minh và bằng các biện pháp nghiệp vụ các anh xác định được nạn nhân là Phạm Văn Việt, còn đối tượng gây án không ai khác chính là Ngô Xuân Hoà, sinh ngày 20.10.1978. Trước chứng cứ không thể chối cãi, Hoà khai nhận: Ngày 8.1.1996, Hoà rủ Việt là bạn học chung Trường Cơ điện Việt Xô, ngụ xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành về nhà Hoà chơi và tổ chức uống rượu. Lợi dụng lúc Việt say rượu, Hoà lấy thanh gỗ dùng để gài cửa đánh vào đầu Việt, rồi dùng tay bóp cổ nạn nhân cho đến chết để cướp lấy một sợi dây chuyền và một đồng hồ đeo tay. Sau khi hạ thủ, Hoà mang xác Việt dìm xuống ao cá sau nhà để phi tang. Ngày 17.5.1996, Ngô Xuân Hoà bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt 20 năm tù giam.

KHÔNG ĐỂ CÁI ÁC LỘNG HÀNH

Đầu năm 1997 Phòng PC14 tiến hành điều tra làm rõ 2 băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, sử dụng trái phép chất ma tuý và nhận hối lộ. Một băng nhóm do Nguyễn Trọng Hiếu (tức Tèo Vịt) cùng đồng bọn lập ra bến cóc xe tốc hành dù để thu tiền cò của nhà xe và hành khách. Cụ thể là xe của Công ty Cổ phần Vận tải Tây Ninh, lẫn các loại xe tốc hành dù bên ngoài, nếu vào bến tại khu phố 4, phường 3, thị xã Tây Ninh đều phải nộp cho nhóm của Hiếu 3.000 đồng/người. Riêng đối với các “xe dù” ngoài việc nộp 3.000 đồng/người, họ còn phải “cống nộp” các “loại phí” như “tiền tuần” (50.000đ/tuần/xe); tiền tháng (từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng/xe); “tiền bến” từ 3 đến 7 triệu đồng mỗi xe. Ngoài ra băng nhóm này còn “xin đểu” tiền của các nhà xe bất cứ lúc nào, đối với tài xế và chủ xe chúng “xin” từ 100 đến 200 ngàn. Tên Bùi Đình Tứ là đối tượng xe chạy đối lưu (xe ở TP.HCM) cũng bị cống nộp tiền nên nảy sinh mâu thuẫn giữa Hiếu (Tèo Vịt) và Tứ (Long Tứ). Đến ngày 15.5.2001, Tứ dẫn băng nhóm của mình đến bến xe tốc hành Tây Ninh để đánh nhau với nhóm Tèo Vịt. Hai nhóm “anh chị đứng bến” này đã bị Công an Tây Ninh bắt quả tang khi đang truy sát nhau quyết liệt. Qua điều tra công an đã bắt 28 đối tượng của hai băng nhóm Long Tứ và Tèo Vịt. Ngày 30 và 31.12.2002, Toà án Tây Ninh tuyên phạt 28 đối tượng với mức án cao nhất 16 năm và thấp nhất 3 năm tù giam.

Băng nhóm của hai tên Tèo Vịt và Long Tứ bị bắt, xử lý, đã góp phần ổn định trật tự xã hội trên tuyến giao thông từ Tây Ninh đến TP.HCM, nhân dân đi lại trên các phương tiện vận tải khách được yên ổn, an toàn.

Vào lúc 22 giờ 45 ngày 30.5.2002, tại ấp Rộc Sen, xã Biên Giới, huyện Châu Thành xảy ra một vụ cướp tài sản. Theo mô tả của nạn nhân là anh Đặng Văn Điểm, 39 tuổi, bọn cướp khoảng từ 4 đến 5 tên, có trang bị súng AK đột nhập vào nhà anh để cướp. Khi anh Điểm phát hiện chống trả, bọn chúng bắn 4-5 phát súng để uy hiếp rồi xông vào nhà cướp 2 máy Kohler bơm nước và một số đồ dùng sinh hoạt. Cũng với thủ đoạn như thế, ngày 19.4.2002 bọn cướp có súng xông vào nhà của anh Phan Văn Kiệt lấy gần 13 triệu đồng, trên một lượng vàng và nhiều đồ dùng khác, trước khi rút đi bọn chúng còn bắn 8 phát súng “thị uy”.

PC14 phối hợp cùng Công an Châu Thành và các phòng nghiệp vụ đã điều tra làm rõ và bắt 4 đối tượng cướp táo bạo tại nhà anh Điểm và anh Kiệt, gồm Lưu Văn Họn, Lưu Văn Lình, Trần Văn Có và Nguyễn Văn Tùng đều ngụ tại ấp Lồ Cồ, xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Bọn chúng khai nhận trước đó đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp trâu bò của nhân dân vùng biên giới, có sự cấu kết với một số đối tượng người CPC có trang bị vũ khí. Ngày 15.1.2003, TAND Tây Ninh tuyên phạt tên Họn 18 năm, hai tên Lình và Có 15 năm, tên Tùng 5 năm tù giam.

TRIỆT PHÁ NHIỀU VỤ TỆ NẠN XÃ HỘI

Bên cạnh việc triệt phá nhiều băng nhóm trộm cướp tài sản, cảnh sát hình sự Tây Ninh còn tham gia triệt phá nhiều tụ điểm đánh bạc dưới hình thức thầu đề, mại dâm…

Ngày 15.4.2004, PC14 đồng loạt ra quân bắt quả tang 3 tụ điểm đánh bạc liên huyện tại Thị xã và DMC, bắt 9 đối tượng thu giữ 16 phơi số đề, 4 điện thoại di động, một máy thử tiền, gần 70 triệu đồng. TAND tỉnh Tây Ninh xử phạt 9 đối tượng với mức án từ 2 năm đến 6 năm tù giam.

Đêm 16.8.2004, PC14 phối hợp với lực lượng tuần tra giao thông ở Bến Cầu phát hiện bắt giữ tên Vũ Đức Duy, sinh năm 1986, ngụ ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đang vận chuyển mô tô trộm sang CPC tiêu thụ. Qua khai thác Duy khai nhận cùng đồng bọn từ tháng 4.2004 đến khi bị bắt đã tổ chức đưa sang CPC trên 100 chiếc mô tô các loại, ước tính trị giá trên 750 triệu đồng. Ngày 22.4.2005, Duy cùng đồng bọn bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt từ 2 năm đến 11 năm tù giam.

Lúc 9 giờ ngày 5.4.2006, PC14 nhận đơn tố cáo của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tông, ngụ đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM báo tin vợ chồng ông bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền, vàng với hình thức mua bán một loại “đá quý ăn được sắt”, thực chất chỉ là “đá dỏm”. Do biết ông Tông đang nghiên cứu đề tài chế tạo bột sơn cao cấp, có nhu cầu mua “đá ăn được sắt” để phục vụ đề tài này. Ông Tông đã bị các tên Thơm, Dũng, Phương, Sâm lừa bán cho ông Tông 1 cục chì giả là “đồng đen” để chiếm đoạt của ông 25 chỉ vàng 24k. Ngày 18.3.2006, có 2 người thanh niên tên Khanh và Trưng (Thưng) đến nhà đặt vấn đề bán “đá ăn sắt” với giá 35.000 USD, ông Tông đồng ý mua. Một tuần sau bọn chúng đến, ông Tông đưa cho “người bán” 12 lượng vàng 24k và nhận cục đá bỏ vô tủ sắt khoá lại, hẹn 3 ngày sau trả đủ số tiền còn nợ. Sau khi bọn lừa đảo ra về ông Tông mới phát hiện ra là hàng giả, và khi đến hẹn bọn chúng cũng không quay trở lại.

Một khoảng thời gian sau, lại có hai thanh niên tên Cường và Bình đến nhà ông Tông gạ bán “đá ăn sắt”. Ông Tông hỏi giá cả, bọn chúng ra giá 1,4 triệu USD. Ông Tông đồng ý và hẹn 13 giờ ngày 5.4.2006 xem hàng tại huyện Trảng Bàng. Do nghi ngờ đây là nhóm lừa đảo nên ông Tông đã báo tin cho công an. Cảnh sát hình sự Tây Ninh đã phối hợp với Công an Trảng Bàng bắt quả tang 7 đối tượng, tạm giữ 3 xe mô tô, 7 điện thoại di động, 2 cục đá cuội, 3 bu-loong bằng… thạch cao, cùng một số đồ vật có liên quan. Quá trình điều tra khai thác các đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội nói trên, đồng thời khai báo đã lừa đảo nhiều người khác để chiếm đoạt 340 triệu đồng và 8 lượng vàng.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG

Có được những thành tích xuất sắc kể trên là nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ chiến sĩ PC14, đặc biệt là sự chỉ đạo của Cấp uỷ, Ban chỉ huy đơn vị và sự đoàn kết nhất trí trong toàn đơn vị. Thời gian qua, PC14 đã có 7 năm liền đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, 2 năm đạt danh hiệu đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua được Bộ Công an tặng cờ thi đua, 2 năm được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng 3. PC14 còn được Tỉnh uỷ tặng cờ thi đua xuất sắc 5 năm liền cho đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh. Ngoài ra trong các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT bảo vệ các ngày lễ, hội, ngày truyền thống đơn vị được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, UBND và Công an tỉnh khen thưởng trên 200 bằng khen, giấy khen.

Trao đổi với chúng tôi nhân ngày truyền thống của Cảnh sát hình sự, Trung tá Nguyễn Hồng Sang, Phó Trưởng phòng PC14 cho biết: “Phát huy truyền thống thế hệ cha anh đi trước, lực lượng cảnh sát hình sự chúng tôi hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần tấn công trấn áp tội phạm, từ Ban chỉ huy đến cán bộ chiến sĩ phấn đấu đưa đơn vị từng bước chính quy hiện đại, xây dựng đơn vị thành đơn vị kiểu mẫu. Trong thời gian tới đơn vị tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, CAND vì nước quên thân vì dân phục vụ” để qua đó mỗi cán bộ chiến sĩ sẽ nâng cao tinh thần nhận thức trong đấu tranh phá án và xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tinh nhuệ đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.

SÔNG NINH