Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 20.7, Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang- Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh (giai đoạn 2017 – 2021) đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
Các nhóm công tác báo cáo tiến độ thực hiện công việc trong 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ thời gian còn lại.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp.
Tham dự cuộc họp, TS.Huỳnh Thế Du- giảng viên trường Đại học Fullbright đề nghị tỉnh cần truyền tải thông điệp một cách rõ ràng, trong đó nhấn mạnh đột phá là ưu tiên và cần tập trung, nhưng các hoạt động khác vẫn được duy trì và phải có sự quan tâm cần thiết; xác định công việc ưu tiên cụ thể để triển khai đúng mục tiêu của chương trình đặt ra; hình thành các nhóm hành động trên cơ sở phát triển từ những nhóm giúp việc như hiện nay, giúp cho công việc cụ thể, rõ ràng hơn, tránh chồng chéo giữa công việc của sở, ngành với công việc của nhóm công tác.
Đối với lĩnh vực giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng – Trưởng nhóm phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH cho biết, quy mô đường giao thông ở Tây Ninh hơn 4.600 km, trong đó tỉnh quản lý 40 tuyến với chiều dài 739 km; huyện, thành phố quản lý 1.281 km; cấp xã khoảng 2.600 km.
Hằng năm, vốn bố trí cho sự nghiệp giao thông chiếm tỷ trọng ngân sách khoảng 3% (từ 150 – 200 tỷ đồng).
Thời gian tới, để đảm bảo cho vấn đề giao thông, đường sá sửa chữa kịp thời, nhóm đặt ra 4 giải pháp: trước tiên với những dự án đầu tư giao thông mới, xây dựng mới phải đảm bảo chất lượng; xử lý nghiêm các nhà thầu có sai phạm về chất lượng, lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo công khai minh bạch; tăng thời gian bảo hành công trình (việc này đã được triển khai thực hiện); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cố gắng tăng thu để tăng vốn bố trí cho đảm bảo giao thông, từ bố trí 2-3% sẽ bố trí thêm ít nhất khoảng 5% trên tổng chi.
TS. Huỳnh Thế Du- giảng viên Đại học Fullbright phát biểu tại cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân lưu ý, thực hiện các lĩnh vực đột phá với những giải pháp cụ thể, phải tập trung, ưu tiên nhưng đồng thời tất cả các lĩnh vực khác cũng phải được quan tâm chỉ đạo một cách toàn diện, đồng bộ. Khi chỉ đạo vấn đề đột phá trong các lĩnh vực phải nhớ quan điểm là có sự cạnh tranh lành mạnh, đột phá chặt chẽ. Đây là quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo các chương trình đột phá.
Tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công; nâng cao chỉ số PAPI, PCI và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong 6 tháng cuối năm 2018, sẽ sáp nhập nhóm nguồn nhân lực và nhóm 4.0 với tên gọi Nhóm sắp xếp lại bộ máy, nguồn nhân lực và 4.0. Nhóm này sẽ thực hiện thêm một chức năng là sắp xếp lại bộ máy (sắp xếp các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện theo kế hoạch của Tỉnh ủy, đồng thời sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập).
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao cho các trưởng/phó nhóm công tác rà soát lại, đề xuất nhân sự của nhóm và của bộ phận giúp việc theo hướng tinh gọn, thực chất, hiệu quả.
Trúc Ly